| Hotline: 0983.970.780

Vó ngựa trên cao nguyên Bắc Hà

Thứ Hai 13/12/2021 , 09:47 (GMT+7)

Khi ngồi trên lưng những con ngựa không yên cương, họ - những người nông dân Bắc Hà bỗng hoá thành kỵ sĩ, bỏ lại phía sau những nhọc nhằn, vất vả.

Nhà vô địch đua ngựa đầu tiên của Bắc Hà vẫn hằng ngày chăm sóc những chú ngựa. Ảnh: H.Đ.

Nhà vô địch đua ngựa đầu tiên của Bắc Hà vẫn hằng ngày chăm sóc những chú ngựa. Ảnh: H.Đ.

Nhà vô địch đầu tiên

Theo những cụ cao niên ở Bắc Hà kể lại, lễ hội đua ngựa huyện Bắc Hà có từ rất lâu nhưng không ai còn biết chính xác năm nào. Sau này những năm 60 - 70, Huyện đội Bắc Hà huấn luyện dân binh, hằng năm tổ chức thi cưỡi ngựa bắn súng K30 dài như súng kíp và được duy trì đến cuối những năm 80 của thế kỷ 20.

Cuộc thi cưỡi ngựa bắn súng đầu tiên diễn ra vào năm 1972, hiện chỉ còn 4 kỵ sĩ nhưng nay tất cả đều trên dưới 80 tuổi.

Ông Vàng Văn Xiểu ở thôn Na Lo, xã Tà Chải (thị trấn Bắc Hà, Lào Cai) là người đoạt giải quán quân đầu tiên của giải đua ngựa của Bắc Hà. Ông Xiểu bồi hồi nhớ lại thời trai trẻ của mình, từ khi 20 tuổi, tôi đã biết đua ngựa, bắn súng thành thạo lắm rồi. Khi huyện đội tổ chức giải, các đoàn đua hừng hực khí thế tham dự, giải kéo dài cả ngày.

Lần đầu tiên được vô địch, tôi được trao tặng một cái áo len màu xanh, dài tay, cái áo đó không biết giá trị bao nhiêu nhưng quý lắm, đến nay sau mấy chục năm cái cổ cũng rách sờn hết rồi; ngựa chiến thắng được 3kg ngô. Có giải phần thưởng là cái phích nước, nồi nhôm. Sau cuộc đua, mọi người còn được chiêu đãi một bữa no nê.

Kỵ sĩ không yên cương bám sát nhau trên đường đua. Ảnh: H.Đ

Kỵ sĩ không yên cương bám sát nhau trên đường đua. Ảnh: H.Đ

Ông Xiểu cười nói, đua ngựa giỏi thế nhưng không có cô nào theo. Và đó cũng là kỷ niệm để đời và lần vô dịch duy nhất của ông trong những lần tham gia đua ngựa.

Ông Xiểu kể thêm, ngày xưa, Bắc Hà không có đường bê tông, nên phải dùng ngựa lên nương, rẫy, con ngựa còn quý hơn cái xe máy bây giờ vì xe máy cũng không đi được đường ở đây. Sau này, con ngựa còn phục vụ xây dựng công trình, ngựa kéo tre, ngựa thồ cát, đá để thi công kênh mương, đường sá ở tận Mường Khương, Si Ma Cai.

Trước đây, mỗi khi đi chợ, trai bản thường rủ nhau đua ngựa, ai thua sẽ phải trả tiền rượu, được thưởng rượu. Cứ thế cưỡi ngựa như một thói quen hằng ngày. Khi đến giải thì mọi người cứ gọi ra thi chứ không luyện tập gì cả. Khi thi, cả thôn, xã chọn lấy một con ngựa khoẻ nhất, nhanh nhất. Việc chọn ngựa mất nhiều thời gian bởi khi ấy nhà nào cũng nuôi vài con ngựa. Con ngựa bụng nhỏ thì chạy khoẻ, bụng to thì không chạy được đâu.

Các con ngựa đua, người ta chỉ chọn ngựa đực vì ngựa cái bụng to, hơn nữa ngựa đực nhìn thấy sẽ lồng lên, rất nguy hiểm.

Các kỵ sĩ cưỡi ngựa không yên cương trên đường đua. Ảnh: H.Đ.

Các kỵ sĩ cưỡi ngựa không yên cương trên đường đua. Ảnh: H.Đ.

Bí kíp ngựa đua Bắc Hà

Với đặc thù về địa hình đồi núi dốc, bà con vùng cao sản xuất, canh tác phụ thuộc nhiều vào sức ngựa... Do đó, từ lâu con ngựa là vật nuôi gắn bó với đời sống văn hóa của các dân tộc vùng cao huyện Bắc Hà. Đặc biệt, đầu xuân năm mới, các gia đình đều dán miếng giấy đỏ ở cửa chuồng ngựa tượng trưng cho sự bảo vệ của tổ tiên đối với vật nuôi của gia đình mình.

Vì vậy, những con ngựa trong mỗi gia đình người dân vùng cao Bắc Hà đều được chăm sóc đặc biệt, nhất là những con ngựa đua.

Ông Chảo Văn Dền, ở Na Quang (thị trấn Bắc Hà) đã thuần dưỡng hàng trăm con ngựa đua. Ông cho biết, có thể phải mất tới 6 năm để chăm sóc, nuôi, thuần dưỡng một con ngựa từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành, để có thể tham gia đua.

Thế những, không phải mua con nào cũng có thể đua được mà phải biết cách chọn được con ngựa đực tốt.

Những chú ngựa phi như bay trên đường đua. Ảnh: H.Đ.

Những chú ngựa phi như bay trên đường đua. Ảnh: H.Đ.

"Chọn ngựa đua khó chứ, ngựa đua từ bé cũng đã có những dấu hiệu một con ngựa tốt. Ngựa để đua phải chọn con ngực rộng, hai chân sau phải thẳng, bụng phải bé. Ngựa đua không cho ăn ngô vì sẽ bị đau răng, nhiệt miệng, ăn cỏ nhiều sẽ bị to bụng. Thay vào đó, cho ngựa đua ăn thóc và ăn cháo bí đỏ. Cho ăn những loại thức ăn này bụng ngựa bé đi, ngựa chạy mới khoẻ hơn. Người huấn luyện ngựa cũng phải hiểu nết của con ngựa mới thuần được chúng, để khi đua kết hợp ăn ý, chọn đúng thời điểm vượt để về đích.

Đặc biệt, ngựa Bắc Hà đi êm, đội mũ, đội nón không rơi còn loại ngựa chạy lung tung thì không có giá trị. Trước đây, người Trung Quốc còn phải mua ngựa Bắc Hà để mang về. Muốn huấn luyện ngựa đi êm, phải cho ngựa tập ở ruộng đã bừa. Khi đi trên ruộng bừa, ngựa không chạy nhảy được mà buộc phải cẩn trọng trong từng bước", ông Dền chia sẻ kinh nghiệm.

Thế nhưng, những người nuôi, thuần dưỡng ngựa giỏi ở Bắc Hà ngày càng ít đi mà chưa có nhiều người kế cận học hỏi, truyền lại.

Cũng theo ông Dền, với thời tiết ở Bắc Hà thì những con ngựa cũng có những loại bệnh nhất định mà người nuôi phải nằm lòng cách chữa.

"Ngựa bị chảy nước mũi thò lò, thì phải dùng thanh sắt nung đỏ chấm vào diêm sinh rồi châm vào hạch ở cổ ngựa, mới khỏi bệnh. Hoặc ngựa bỏ ăn do lưỡi bị cứng không vẫy được thì phải kéo lưỡi ngựa ra và dùng gai bưởi châm huyệt, dùng dao sạch rạch lợi rồi chấm nước chanh pha với tro và gừng vào. Xoa xong ngựa thích lắm vì nó bị ngứa lợi. Sau 1 - 2 ngày, nó mới ăn cỏ lại được. Việc đơn giản nhất là cho ngựa uống nước thì chớ động vào vì ngựa giật mình sẽ sặc nước, dễ nhiễm lạnh, sờ tai ngựa là biết", ông Dền nói.

Trong nghề đua ngựa cũng có những bí kíp riêng, nhưng nay những việc này được cho là phạm quy. Người trong nghề thường cho ngựa uống rượu củ ấu ngâm, chỉ cần một chén bé, con ngựa cũng trở nên hung hãn, lồng lên, phải hai người giữ cương mới được.

Một cô gái Bắc Hà trên yên cương ngựa. Ảnh: H.Đ

Một cô gái Bắc Hà trên yên cương ngựa. Ảnh: H.Đ

Lễ hội của những người nông dân

Từ xưa, lễ hội đua ngựa Bắc Hà được tổ chức với nhiều hình thức và quy mô khác nhau, thường diễn ra vào dịp đầu năm mới. Song do Bắc Hà là vùng đất cao, khí hậu lạnh giá và thường có mưa vào dịp đầu xuân, nên lễ hội đua ngựa đã được người dân tổ chức không định kỳ vào các tháng trong năm. 

Thế nhưng, những năm gần đây, lễ hội đua ngựa huyện Bắc Hà đã được khôi phục và định kỳ tổ chức vào dịp tháng 6 dương lịch hằng năm. Đây là thời điểm nông nhàn, mùa cỏ và các loại cây phát triển mạnh, nên ngựa lúc này cũng béo tốt, khỏe mạnh hơn, phù hợp cho việc tổ chức đua ngựa. Thời điểm này, các loại nông sản đặc hữu của vùng Bắc Hà, Si Ma Cai như mận Tam Hoa, lê Tai Nung, mận Tả Hoàng Ly… đến mùa thu hoạch cùng với các loại rau củ đặc sản của vùng bày bán ngoài chợ giúp cho du khách tham quan, trải nghiệm, mua về làm quà tặng, ông Bùi Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Hà cho biết.

Một nét đặc biệt khác của giải đua này đó là tất cả các nài ngựa tham gia đều là người nông dân giản dị, chất phát. Họ tham gia đua ngựa như hình thức thể hiện sức khỏe, giỏi về chăm sóc ngựa, yêu quý vật nuôi của mình. Lễ hội còn là nơi để các chàng trai, cô gái đua tài, các chú ngựa thồ thử thách lòng gan dạ, nhanh nhẹn...

Chính vì đặc điểm này, người đua mộc mạc, cách đua mộc, không dùng yên ngựa, không có kỵ sĩ hay ngựa đua chuyên nghiệp... nên hấp dẫn du khách đến xem.

Một nữ kỵ sĩ Bắc Hà tham dự đua ngựa tại lễ hội mùa đông Bắc Hà năm 2021. Ảnh: H.Đ.

Một nữ kỵ sĩ Bắc Hà tham dự đua ngựa tại lễ hội mùa đông Bắc Hà năm 2021. Ảnh: H.Đ.

Với những yếu tố trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà là văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội đua ngựa đã trở thành hoạt động thường niên của huyện Bắc Hà, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, thể thao đặc sắc của đồng bào các dân tộc địa phương; đồng thời, quảng bá hình ảnh con người, du lịch Bắc Hà đến du khách trong và ngoài nước.

  • Tags:
Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ông Hồ Văn Hà làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X vừa tổ chức kỳ họp thứ 24 và bầu thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhằm kiện toàn công tác nhân sự.