| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 07/08/2023 , 16:58 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 16:58 - 07/08/2023

Vỗ về thiên nhiên trước khi quá muộn

Bên cạnh diễn biến phức tạp của khí hậu cực đoan thì tác động thô bạo từ con người vào thiên nhiên đã dẫn đến những hậu quả môi trường đau lòng.

Diện tích rừng ở Tây Nguyên đã thu hẹp dần.

Diện tích rừng ở Tây Nguyên đã thu hẹp dần.

Cùng với vụ sạt lở đèo Bảo Lộc cướp đi 4 sinh mạng, vài khu vực ở Tây Nguyên cũng xảy ra hiện tượng sụt lún khiến chính quyền địa phương phải tổ chức di dời khẩn cấp nhiều hộ dân. Bên cạnh diễn biến phức tạp của khí hậu cực đoan thì hầu hết chúng ta đều nhận ra tác động thô bạo từ con người vào thiên nhiên đã dẫn đến hậu quả môi trường đau lòng. Phải chăng, đã đến lúc phải chân thành để nói với nhau, hãy vỗ về thiên nhiên trước khi quá muộn.

Bảo Lộc nói riêng và Tây Nguyên nói chung, vốn là vùng rừng núi trù phú. Những công trình dân sinh và những tuyến giao thông kết nối, đã giúp nơi đây gần gũi hơn với những miền đất khác. Thế nhưng, hệ lụy kéo theo là diện tích rừng mất dần và những ngọn đồi cũng bị san phẳng. Rừng vốn chở che cho con người, lại bị chính bàn tay của con người triệt hạ. Hiện nay Chính phủ đã quyết định đóng cửa rừng để bảo vệ nguồn tài nguyên báo động cạn kiệt và bảo vệ lá phổi đang bị bủa vây ô nhiễm.

Vào tháng 10/2020 từng xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng tại khu vực thủy điện Rào Trăng 2 thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về sạt lở đất trên địa bàn toàn tỉnh và lập bản đồ đánh giá tình trạng nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn, góp phần nâng cao năng lực cảnh báo hiểm họa thiên tai. Dĩ nhiên, trong những nguyên nhân sạt lở đất không thể không nhắc đến vai trò của rừng. Không ai tôn trọng rừng. Khi rừng bị tiêu diệt thì cây xanh không còn mà thảm thực vật cũng không còn, thì làm sao tránh khỏi sạt lở và lũ lụt.

Các chuyên gia đều có chung nhận định, xóa sổ rừng để canh tác hoặc san phẳng đồi để xây dựng, sẽ làm cấu trúc đất đá thay đổi, dẫn tới nguy cơ khi có lượng mưa lớn thì sẽ xảy ra sạt lở lớn hơn. Về lâu dài, cần xây dựng xong bản đồ phân vùng có nguy cơ sạt lở ở các tỉnh miền núi trên toàn quốc (khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền núi khu vực Nam Trung bộ chưa được lập bản đồ), đồng thời xây dựng các mô hình cảnh báo sớm sạt lở đất tại các tỉnh miền núi trên cả nước để cảnh báo sớm nguy cơ.

Trước đây chúng ta đã khai thác rừng quá đà và sau đó phải có nhiều phương án phục hồi nhưng chưa đúng cách, mảng xanh rừng tăng lên nhưng thật sự rừng được trồng lại không hiệu quả về bóng mát và che phủ nhiều tầng. Với các rừng trồng cây độc canh thì con người còn phun thuốc diệt cỏ và các cây tạp khác để tăng năng suất, vô tình khiến đất đồi núi bị mất lớp phủ, nước mưa thấm hết vào đất. Chỉ cần mưa dai dẳng vài ngày thì sẽ xảy ra sạt lở, do nước phá vỡ mối liên kết của đất và đá ở cấu trúc địa hình sườn dốc hay dựng đứng. Ngoài ra, đất liên kết bền vững phải có sự hài hòa giữa vô cơ (đất đá) và hữu cơ (rễ cây, sinh vật sống trong đất). Khi dùng biện pháp diệt cỏ, cây tạp sẽ làm sinh vật cũng chết theo, từ đó khiến mối liên kết này càng kém đi.

Đừng để thiên nhiên nổi giận vì sự xâm hại của con người.

Đừng để thiên nhiên nổi giận vì sự xâm hại của con người.

Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, xác định phải xây dựng ngành lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, có hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần đắc lực vào phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, giữ gìn quốc phòng an ninh.

Đồng thời, nhấn mạnh biện pháp phân cấp, giao quyền cho các tổ chức, cộng đồng, cá nhân, hộ gia đình trong việc quản lý, sử dụng rừng và đất rừng, để huy động tối đa các nguồn lực xã hội trong việc bảo vệ, sử dụng bền vững rừng.

Rõ ràng, đã đến lúc cả cộng đồng phải nâng cao ý thức bảo vệ rừng và bảo vệ thiên nhiên. Mọi khẩu hiệu đều trở nên vô nghĩa, nếu mỗi người vẫn giữ nguyên thói quen sống dửng dưng và ích kỷ của mình.

Dù bạn đang sống ở đô thị thì cũng đừng nghĩ những vạt rừng biến mất sẽ không có liên quan gì đến mình. Một khi thiên nhiên nổi giận thì sự tồn tại của con người rất nhỏ bé và mong manh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm