| Hotline: 0983.970.780

Vòm sắt ‘chọi’ hỏa tiễn, Israel vẫn tự tin dù Hamas còn giấu bài

Thứ Hai 17/05/2021 , 17:53 (GMT+7)

Theo tình báo Israel, kho hỏa tiễn của Hamas đa dạng nhưng phần lớn là loại tầm ngắn, công nghệ được Iran chuyển giao, không đạt độ chính xác lẫn độ an toàn cao.

Sau 1 tuần giao tranh cấp tập, con số thương vong cập nhật từ Dải Gaza là 192 người chết, trong đó có tới 92 phụ nữ và trẻ em; từ Israel là 10 người và chỉ có 1 trẻ em.

Hệ thống tên lửa Vòm sắt của Israel khai hỏa đánh chặn hỏa tiễn của Hamas làm sáng rực bầu trời đêm ở Israel. Ảnh: Getty Images.

Hệ thống tên lửa Vòm sắt của Israel khai hỏa đánh chặn hỏa tiễn của Hamas làm sáng rực bầu trời đêm ở Israel. Ảnh: Getty Images.

Ngày đầu tiên của tuần thứ 2 đấu tên lửa, hỏa tiễn giữa Israel và tổ chức vũ trang Hamas ở Gaza bắt đầu bằng cuộc không kích mạnh bất thường từ phía Israel. Phóng viên AP từ chiến trường cho hay, máy bay Israel “gầm rú từ sáng sớm, phóng hỏa tiễn liên tiếp”.

Đó là chỉ dấu chứng thực cho tuyên bố của Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng Israel không chấp nhận ngừng bắn vào thời điểm này, bất chấp được cộng đồng quốc tế kêu gọi. Ông Netanyahu xác định mục tiêu lần này là triệt hạ về cơ bản năng lực phóng hỏa tiễn của Hamas.

Vòm sắt hiệu quả, hứa hẹn đắt hàng

Chưa tính ngày hôm qua (17/5), Israel ước tính Hamas đã bắn khoảng 2.800 hỏa tiễn sang các vùng lân cận Dải Gaza.

Thị trấn Ashkelon chỉ cách Gaza có 8 dặm, là khu đông dân cư gần với vùng lãnh thổ của Palestine nhất. Theo tính toán, thị trấn 145.000 dân này chỉ cách tầm bắn của hỏa tiến Hamas vài giây.

Căn cứ vào số liệu rađa phát hiện hoặc tên lửa đánh chặn được phóng lên, 1/5 số hỏa tiễn đã được Hamas nhắm vào Ashkelon. Lúc cao điểm, 75 hỏa tiễn Hamas cấp tập nhằm vào Ashkelon trong 10 - 15 phút. Thiếu tướng Uri Gordin chỉ huy một mặt trận phòng vệ Israel đánh giá đây là đợt phóng có tần suất cực cao và rất khó đánh chặn. Tuy nhiên thị trấn chỉ ghi nhận 3 người thiệt mạng trong một lần duy nhất 2 hỏa tiễn lọt qua hệ thống Vòm sắt hôm 11/5.

Cơ chế hoạt động của hệ thống Vòm sắt: 1- Hỏa tiễn đối phương khai hỏa; 2- Hệ thống rađa dò tín hiệu; 3- Hệ thống phân tích dữ liệu đường đi và mục tiêu tiềm năng của hỏa tiễn; 4- Bệ phóng tên lửa đánh chặn.

Cơ chế hoạt động của hệ thống Vòm sắt: 1- Hỏa tiễn đối phương khai hỏa; 2- Hệ thống rađa dò tín hiệu; 3- Hệ thống phân tích dữ liệu đường đi và mục tiêu tiềm năng của hỏa tiễn; 4- Bệ phóng tên lửa đánh chặn.

Israel đang trang bị 10 hệ thống Vòm sắt bao phủ toàn bộ lãnh thổ, mỗi hệ thống có 3 - 4 bệ phóng với khả năng bắn 20 tên lửa đánh chặn gần như đồng thời. Justin Bronk - chuyên gia nghiên cứu hàng không của Viện Dịch vụ Hoàng gia thì đánh giá nếu cả hệ thống khai hỏa, Israel có thể phóng cùng lúc 800 tên lửa đánh chặn. Thiếu tá Jonathan Conricus - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Israel nói trong cuộc họp báo cuối tuần qua: “(Vòm sắt) đáng đồng tiền bát gạo”.

Về lý thuyết, thường thì 2 tên lửa của hệ thống Vòm sắt được dùng để đánh chặn 1 hỏa tiễn, nhưng vì cường độ giao tranh khốc liệt và liên tục trong hơn 1 tuần qua, Israel đã phải chuyển sang phương án 1 chọi 1. “Tình hình này, anh không đánh chặn 140 hỏa tiễn bằng 280 tên lửa được”, một viên tướng không quân Israel tiết lộ, nhắc đến con số 140 hỏa tiễn Hamas đã nhắm vào Tel Aviv riêng trong thứ Năm tuần trước. Trong lịch sử giao tranh Israel - Hamas, đây là lần đầu tiên tổ chức vũ trang này phóng hỏa tiễn nhiều như vậy,

Chính thức được triển khai từ năm 2011 với hỗ trợ kỹ thuật và tài chính ban đầu của Mỹ trị giá 1,6 tỷ USD, Vòm sắt là một hệ thống hoạt động khép kín từ thiết bị dò tìm tín hiệu cho đến bệ phóng tên lửa đánh chặn. Tín hiệu từ rađa dò tìm sẽ được phân tích, nếu hỏa tiễn không rơi xuống khu dân cư thì nó sẽ không bị đánh chặn.

Khả năng đánh chặn thành công của hệ thống Vòm sắt được công bố chính thức là khoảng 90%. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Công ty Công nghệ quốc phòng Rafael và Tập đoàn Công nghiệp Hàng không vũ trụ Israel.

Hệ thống Vòm sắt của Israel hiện thuộc nhóm hiện đại nhất trên thế giới. Điểm cộng của hệ thống này chính là khả năng phân tích dữ liệu rất nhanh nhằm xác định mức độ nguy hiểm của mục tiêu để đưa ra quyết định đánh chặn hay không.

Đã có nhiều nước đặt vấn đề mua Vòm sắt của Israel. Đó là Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Ấn Độ và vài nước châu Á khác. Mỹ cũng có mối quan tâm dù chưa lắp đặt Vòm sắt và một phiên bản đang được hợp tác với tập đoàn Raytheon để phát triển.

“Tôi cho rằng đợt tác chiến lần này, ở một mặt khác là cơ hội quảng bá tuyệt vời, trực quan cho sản phẩm phòng thủ trên thị trường vũ khí quốc tế”, Justin Bronk - chuyên gia nghiên cứu hàng không của Viện Dịch vụ Hoàng gia, một tổ chức tư vấn quốc phòng ở London (Anh) nhận xét.

Hỏa tiễn Hamas mạnh đến đâu?

Vũ khí trong kho, dù tiềm lực mạnh như Israel mà phóng liên tục để đánh chặn thì cũng đến lúc cạn tên lửa. Một nguồn tin quốc phòng nói với tờ The International Herald Tribune số ra thứ Hai (17/5) rằng, lúc này Israel chưa phải cầu viện Mỹ hỗ trợ bổ sung tên lửa đánh chặn, nhưng đã yêu cầu các cơ sở hậu cần quốc phòng đẩy mạnh năng lực sản xuất.

Trong khi đó, Dải Gaza gần như bị Israel phong tỏa từ đường bộ, đường biển đến đường không, ngoại từ một dải biên giới hẹp giáp Aicập. Vị trí địa lý đó đặt ra câu hỏi vũ khí được tuồn vào vùng lãnh thổ này từ đâu. Israel luôn nghi ngờ Hamas vận hành các hệ thống ngầm chẳng chịt qua biên giới Aicập để nhập lậu vũ khí. Theo số liệu của tình báo quân sự Israel, tại thời điểm trước cuộc tập kích hỏa tiễn bắt đầu từ thứ Hai tuần trước (10/5), Hamas cùng tổ chức vũ trang Hồi giáo đồng minh khác là Jihad sở hữu khoảng 13.000 hỏa tiễn.

Vẫn theo tình báo quân sự Israel, kho hỏa tiễn của Hamas đa dạng nhưng phần lớn là loại tầm ngắn, công nghệ được Iran chuyển giao và không đạt độ chính xác lẫn độ an toàn cao. Trong 3 ngày đầu giao tranh, hơn 1.000 hỏa tiễn được Hamas bắn sang Israel thì khoảng 200 quả rơi ngay trong phần lãnh thổ Gaza.

 

Theo BBC, sức mạnh hỏa tiễn của Hamas có thể kể đến hỏa tiễn Qassam có tầm bắn 10km (vành đai 1), Quds 101 tầm bắn tối đa 16km (vành đai 2); xa hơn chút có loại Grad nâng cấp hay Sejil 55 tầm bắn 55km (vành đai 3). Các loại tầm xa có M-75 tầm bắn 75 km (vành đai 4), Fajr hay J-80 tầm bắn 100km (vành đai 5), R-160 tầm bắn 120km (vành đai 6) và đặc biệt là M-302s tầm bắn tối đa 200km (vành đai 7). Đến nay, Hamas vẫn chỉ khsi hỏa các hệ thống tầm ngắn và tầm trung, chưa dùng đến loại “chiến lược” có khả năng đặt cả 2 thành phố quan trọng nhất của Israel là Tel Aviv và Jerusalem vào thước ngắm.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.