Theo ông Lực, hiện có 2 vấn đề khó khăn: Dịch bệnh và giá cả. Giá xuống dẫn đến lợn tồn rất nhiều. Vòng luẩn quẩn này làm cho sức miễn dịch của lợn đến ngày xuất chuồng đi xuống. Điều này cũng làm cho nguồn cung cấp con giống, cung cấp lợn cho tương lai cũng khó khăn.
“Tất cả các yếu tố trên làm cho dịch bệnh tăng thêm, người chăn nuôi bỏ nghề. Điều này Bộ cũng nhận thấy, các doanh nghiệp ngồi đây cũng nhận thức được. Theo tôi, việc vận chuyển con giống trong tình hình hiện nay rất phức tạp. Khi vận chuyển qua các trạm kiểm dịch cũng có khả năng lây lan bệnh.
Ông Kiều Minh Lực, Phó TGĐ Tập đoàn CP Việt Nam |
Ông Lực đề nghị với lợn con, lợn nái thì cơ quan thú y chỉ nên kiểm tra ở trại xuất, trại nhập, bỏ khâu kiểm tra ở trạm kiểm dịch trên đường. Vì đây chính là nơi có nguy cơ lây lan mạnh.
Ngoài ra, cơ quan nhà nước, cơ quan truyền thông cân nhắc tới các quảng cáo có nội dung gây hiểu lầm về thịt lợn an toàn. Thực tế là lượng lợn tồn trong sản xuất còn đang lớn, trong thời điểm này có lẽ không nên đưa ra các quảng cáo như vậy.
“Với việc lấy mẫu, có nơi thì 5 mẫu, có nơi đến 29 mẫu. Tôi nghĩ với 5 mẫu cũng đã tốn 1,5 triệu rồi, như thế có lẽ tốn kém với hộ chăn nuôi. Tôi nghĩ cơ quan thú y nên dùng công nghệ PCA để tiết kiệm được nguyên vật liệu, chi phí cho nhân dân. Có thể vẫn yêu cầu lấy 29 mẫu, nhưng khi xét nghiệm thì nên giảm thiểu số lượng mẫu nguyên liệu. Dồn số mẫu lại để đỡ tốn kém”, ông Lực phân tích.
Về các trại giống trong tương lai, ông Lực đề xuất Bộ có giải pháp cho các đơn vị này. Ví dụ như các chuồng trại xung quanh có thể ảnh hưởng tới trại giống quy mô lớn. Các trại lớn cần được đặt ở vị trí thích hợp, có khoảng cách với chuồng trại khác, đảm bảo an toàn sinh học.
Về khả năng cung cấp con giống của CP, tại thời điểm này, mỗi năm CP có thể sản xuất được 300.000 con lợn hậu bị. Các trại của CP có quy mô vừa phải, lợn nái từ 1.200 đến 2.400 con, nuôi riêng so với trại hậu bị và trại thịt. Trại hậu bị và trại thịt có quy mô từ 10.000 đến 14.000 nên khả năng cách ly tốt.