| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông- Những mảng màu sáng tối (Bài 4): Không làm kiểu phong trào

Thứ Năm 17/09/2020 , 08:15 (GMT+7)

Vụ đông 2020, Nam Định chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng theo hướng ưu tiên cây trồng chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Không phát triển vụ đông theo phong trào…

Vụ đông 2020 ở Nam Định được xác định là 1 vụ sản xuất có nhiều khó khăn. Ảnh: Mai Chiến.

Vụ đông 2020 ở Nam Định được xác định là 1 vụ sản xuất có nhiều khó khăn. Ảnh: Mai Chiến.

Khó khăn còn ở phía trước

Sản xuất vụ đông luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, diện tích sản xuất cây vụ đông trong những năm gần đây ở các tỉnh phía Bắc nói chung, khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng không hiểu sao vẫn... rơi tự do.

Tỉnh Nam Định cũng không ngoại lệ. Là một trong những tỉnh có truyền thống sản xuất cây vụ đông từ rất lâu, thời “hoàng kim” diện tích canh tác vụ đông lên đến 18.000ha (trước những năm 2015). Song, diện tích sản xuất vụ đông của Nam Định lại giảm dần qua các năm.

Ngành trồng trọt cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến diện tích cây vụ đông giảm dần qua các năm, nhưng nguyên nhân chủ yếu là nguồn lao động nông thôn eo hẹp, bởi hiện nay trên địa bàn tỉnh có hàng chục công ty may mặc, giày da “mọc lên” đã thu hút nhiều lao động, nhất là lao động trẻ.

Cơ chế chính sách, hỗ trợ không nhiều; ngoài các cơ chế hỗ trợ của Trung ương thì tỉnh chưa có gì hỗ trợ thêm. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến bất thường cũng khiến một phần diện tích sản xuất vụ đông giảm; đã có những năm xảy ra mưa lớn, ngập lụt kéo dài…

Đơn cử như năm 2019, Nam Định chỉ gieo trồng được 9.824ha (đạt 81,9 kế hoạch), giảm 596ha so với vụ đông năm 2018, trong đó diện tích gieo trồng trên đất 2 lúa là 1.025ha.

Nhìn nhận lại vụ đông năm 2019, ông Hoàng Đức Hân, Phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định) chia sẻ, sản xuất cây vụ đông năm 2019 triển khai trong điều kiện có nhiều khó khăn như diễn biến thời tiết bất thường, mưa lớn ngay từ đầu vụ không theo quy luật, đã ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng và chăm sóc.

Việc tiêu thụ một số cây vụ đông không dễ, nhất là vào giai đoạn thu hoạch rộ. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ; thiếu doanh nghiệp, đơn vị đầu tư và thu mua chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây trồng vụ đông.

Ngoài ra, giá vật tư nông nghiệp cao, không ổn định… ảnh hưởng tới khả năng đầu tư của các hộ dân và hiệu quả sản xuất. Mặc dù, sản xuất trong điều kiện khó khăn, song các địa phương và ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ, tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp khắc phục, tổ chức sản xuất, nhờ đó giá trị sản lượng cây vụ đông năm 2019 vẫn cao hơn năm 2018.

Cây ngô là 1 trong những cây trồng chủ lực trong vụ đông năm nay. Ảnh: Mai Chiến.

Cây ngô là 1 trong những cây trồng chủ lực trong vụ đông năm nay. Ảnh: Mai Chiến.

Theo kế hoạch, vụ đông 2020, toàn tỉnh Nam Định gieo trồng 11.500ha trở lên, trong đó có 1.700ha trên đất 2 lúa. Với các cây trồng chủ lực có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như khoai tây (2.000ha), ngô (2.000ha), bí xanh (630ha), cà chua (550ha), khoai lang (300ha), các cây rau - đậu ngắn ngày (5.820ha).

Phấn đấu mỗi huyện có ít nhất 2 mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông hàng hóa gồm mô hình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản.

Phải nói rằng, Nam Định đặt mục tiêu cao và kỳ vọng vào vụ đông 2020; tuy nhiên, ngành trồng trọt tỉnh này nhận định rằng, vụ đông 2020 tiếp tục là một vụ sản xuất khó khăn, bởi mưa bão và thiên tai diễn biến bất thường, khó dự đoán; lượng mưa ở các tháng còn lại của năm rất lớn (≈ 1.000mm).

Thị trường tiêu thụ nông sản chưa được mở rộng, trong khi đó thị trường ngày càng yêu cầu cao về sản phẩm an toàn và nguồn gốc xuất xứ. Sản xuất vụ đông tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả chưa cao nên việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm chưa hấp dẫn…

Thay đổi tư duy sản xuất

Để nông sản thoát khỏi vòng luẩn quẩn “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa”, ngày từ đầu vụ ngành trồng trọt tỉnh Nam Định đã phối hợp với Sở Công thương, các địa phương liên kết với các doanh nghiệp, công ty để tìm đầu ra cho sản phẩm và định hướng lại sản xuất vụ đông theo chuỗi liên kết để giá bán ổn định hơn.

Lao động sản xuất cây vụ đông chủ yếu là những người lớn tuổi. Ảnh: Mai Chiến.

Lao động sản xuất cây vụ đông chủ yếu là những người lớn tuổi. Ảnh: Mai Chiến.

Ông Hân cho rằng, bà con nông dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất để vụ đông đạt hiệu quả. Bởi, đã có những năm, bà con ý phá vỡ hợp đồng kí kết với doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp lao đao, mất niềm tin.

“Trước khi bước vào sản xuất vụ đông, một số công ty có về khảo sát và sẵn sàng kí hợp đồng bao tiêu đầu ra cho người dân với giá mua - bán theo hợp đồng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận mà đến lúc thu hoạch, người dân lại bỏ mặc doanh nghiệp, phá vỡ hợp đồng với lý do bán cho các thương lái tự do cao hơn giá công ty thu mua. Vậy là, bà con đã tự ý phá vỡ chuỗi liên kết…”, ông Hân nói rõ.

Để vụ đông năm nay có sắc màu tươi sáng hơn mọi năm, ngay từ đầu vụ tỉnh Nam Định đã đưa ra các quan điểm chỉ đạo sản xuất. Trong đó, hướng dẫn các địa phương không phát triển vụ đông theo phong trào; ngoài diện tích đất màu, lúa màu chỉ tập trung phát triển ở những chân ruộng 2 lúa có đủ điều kiện sản xuất và nông dân địa phương có kinh nghiệm sản xuất một số loại cây thực sự có hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ.

Tập trung khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi liên kết giá trị. Thực hiện đa dạng cây trồng hàng hóa và đa thời vụ. Ưu iên phát triển mạnh các loại cây trồng như bí xanh, khoai tây, cà chua và các rau quả truyền thống có thị trường tiêu thụ…

Tập huấn, hướng dẫn bà con kĩ thuật sản xuất cây vụ đông. Ảnh: Mai Chiến.

Tập huấn, hướng dẫn bà con kĩ thuật sản xuất cây vụ đông. Ảnh: Mai Chiến.

Nam Trực là huyện có diện tích sản xuất cây vụ đông tương đối lớn. Song, những năm gần đây, bà con nông dân không còn mặn mà với cây vụ đông, do thị trường tiêu thụ không ổn định, thời tiết bất thường…

Trưởng phòng NN-PTNT Nam Trực Vũ Văn Thắng thông tin, trước tình hình trên, huyện đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông ngay từ khi kết thúc vụ xuân. Hướng dẫn các địa phương gieo trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao, tập trung vào các địa phương chuyên trồng màu, lúa - màu và đất bãi.

Sử dụng các giống khoai tây có năng suất, chất lượng tốt như Solara, Marabell, đồng thời sản xuất đa dạng các cây rau, đậu ngắn ngày, quay vòng 2 - 3 lứa/vụ; tập trung sản xuất các loại rau, củ, quả truyền thống và các loại rau ăn lá.

“Vụ đông năm nay, Nam Trực phấn đấu đạt 1.200ha, tập trung vào sản xuất cây khoai tây 700 ha, ngô 200ha, rau các loại 300ha...”, ông Thắng bộc bạch.

Ông Nguyễn Thế Thành (thị trấn Nam Giang) rầu rĩ, những năm gần đây, người dân đang chán nản, bỏ bê đồng ruộng rồi, có nhà chỉ canh tác 2 vụ lúa lấy thóc ăn rồi để ruộng hoang vào những tháng cuối năm.

Theo ông Thành, 5 năm về trước khi mà các công ty may mặc, giày da chưa mở ra thì lao động trẻ còn cố bám lấy đồng ruộng, canh tác vụ đông kiếm thêm thu nhập, giờ họ xin hết vào công ty làm công nhân rồi, vừa sạch sẽ, vừa có tiền tiêu hàng tháng.

“Bản thân tôi, sức khỏe có hạn, không đi làm xa được, với lại công ty cũng không nhận những người lớn tuổi như chúng tôi, nên tôi chỉ biết bám vào đồng ruộng lấy công làm lãi, không bỏ sót vụ sản xuất nào…”, ông Thành nói.

Ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Nam Định cho hay, cùng với ngành trồng trọt, đơn vị phối hợp với các địa phương mở lớp tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật sản xuất các loại cây vụ đông cho bà con nông dân…

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.