| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông - Những mảng màu sáng tối: (Bài 1) Rơi rớt sản xuất

Thứ Hai 14/09/2020 , 08:20 (GMT+7)

Không ít người nói, làm vụ xuân, hè thu là để lấy gạo ăn còn muốn làm giàu thì hãy sản xuất vụ đông. Ấy là chuyện của nhiều năm trước...

Ông Nguyễn Xuân Tân, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Định Hải cho biết, 32 năm làm công tác hợp tác xã, chưa bao giờ ông thấy sản xuất vụ đông ảm đạm như hiện nay. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Xuân Tân, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Định Hải cho biết, 32 năm làm công tác hợp tác xã, chưa bao giờ ông thấy sản xuất vụ đông ảm đạm như hiện nay. Ảnh: Võ Dũng.

Những Thọ Xuân, Yên Định, Hậu Lộc, Thiệu Hóa (Thanh Hóa) từng một thời “sáng vàng hạt lúa chiều ngô xanh đồng” – ý muốn nói, sáng thu hoạch xong lúa là chiều đất đã được cày bừa xuống giống ngô. Có nơi như huyện Thường Xuân khi lúa sắp thu hoạch, người dân đã tung luôn đỗ tương xuống ruộng. Khi gặt lúa đã thấy chồi xanh của đậu tương. Nhưng nay mấy ai còn mặn mà với sản xuất vụ đông!

Diện tích sản xuất vụ đông “rơi tự do”

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, vụ đông 2019, tỉnh đặt chỉ tiêu gieo trồng 50.000 ha cây trồng và thực tế đã gieo trồng vượt con số đó, trong đó có 6,9 nghìn ha liên kết với doanh nghiệp.

Giá trị sản xuất vụ đông 2019 đạt trên 3,5 nghìn tỷ đồng, tăng 419 tỷ đồng so với vụ đông 2018. Đây được đánh giá là vụ đông đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay. Thế nhưng, những con số trên liệu đã phản ánh đúng bản chất về vụ đông tại địa phương này?

Hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp thấp so với ngành nghề khác, lực lượng lao động chính lại ly nông... đang khiến diện tích vụ đông rơi rớt. Ảnh: Võ Dũng.

Hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp thấp so với ngành nghề khác, lực lượng lao động chính lại ly nông... đang khiến diện tích vụ đông rơi rớt. Ảnh: Võ Dũng.

Vụ đông 2020, tỉnh Thanh Hóa sẽ trích ngân sách hỗ trợ ngô, rau màu cao cấp có bao tiêu sản phẩm với 10,25 tỷ đồng. Sau khi được giao chỉ tiêu, các huyện, xã, thôn đang tích cực vận động người dân gặt đến đâu gieo trồng vụ đông đến đó. Hiện một số huyện như Vĩnh Lộc, Yên Định đã ra giống ớt, ngô vụ sớm, lạc vụ đông.

Bà Lê Thị Hương, thôn Xuân Lộc, xã Định Hải, huyện Yên Định, một trong những người có diện tích trồng màu lớn của xã cho rằng, phong trào làm cây vụ đông không còn như trước, hiệu quả kinh tế cũng phập phù.

Gia đình bà hiện thuê trên 2 ha đất của các hộ dân trong xã trồng màu quanh năm. Tuy nhiên, trừ các chi phí, tính ra cũng chỉ lãi khoảng trên 1 triệu đồng/sào/năm.

“Con nhỏ, chồng ốm đau quanh năm nên tôi không thể thoát khỏi nghề nông. Không chỉ vụ đông mà các vụ khác cũng bấp bênh nên giờ không còn nhiều nông dân tâm huyết với ruộng đồng. Ớt thì giá lúc cao, lúc thấp, lúc bán được, lúc đổ đống. Còn như cà pháo, có thời điểm chỉ 500 đồng/kg, không bõ công hái”, bà Hương than thở.

Ông Nguyễn Xuân Tân, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Định Hải, cho biết, 32 năm công tác trong hợp tác xã, chưa bao giờ ông thấy vụ đông ảm đạm như hiện nay. Những năm trước, lúa gặt đến đâu, đồng được cày đến đó để trồng cây vụ đông. Không khí vụ đông đông vui như trẩy hội.

“Vụ mùa trước đây thường kết thúc vào tầm 20-25/9, lúa gặt đến đâu thì ngô, đậu được gieo đến đó. Cánh đồng làng lúc nào cũng đông người, chẳng cần phải họp hành, tuyên truyền, vận động hay giao chỉ tiêu sản xuất vụ đông như bây giờ”, ông Tân cho hay.

Yên Định là một trong những huyện làm vụ đông tốt nhất của tỉnh Thanh Hóa và Định Hải luôn là xã nằm trong tốp đầu. Thời kỳ “hoàng kim”, toàn xã gieo trồng được 220 ha cây trồng vụ đông nhưng diện tích cứ giảm dần và đến vụ đông 2019 thì chỉ còn 130/170 ha chỉ tiêu huyện giao.

Cơ giới hóa giúp giảm ngày công lao động, một trong những yếu tố giúp tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích nhưng cũng chưa đủ sức hút để nông dân mặn mà với vụ đông. Ảnh: Võ Dũng.

Cơ giới hóa giúp giảm ngày công lao động, một trong những yếu tố giúp tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích nhưng cũng chưa đủ sức hút để nông dân mặn mà với vụ đông. Ảnh: Võ Dũng.

Theo ông Tân, hiện nay hạ tầng thủy lợi, giao thông được đầu tư xây dựng đến tận chân ruộng. Lúa mùa thu hoạch sớm, thường trước 15/9; không chỉ tỉnh mà huyện cũng có chính sách khuyến khích nhưng diện tích vụ đông vẫn không ngừng giảm.

Theo lý giải của ông Tân thì điều đó cũng không lấy gì làm lạ. “Thuận lợi nhiều nhưng khó khăn không ít. Ấy là thời tiết tiết diễn biến thất thường; lao động chính đa phần ly nông, nhà chỉ còn ông bà già, người ốm yếu, trẻ nhỏ; thị trường bấp bênh.

Nhưng tôi cho rằng, nguyên nhân khiến vụ đông chưa trở thành vụ sản xuất chính là bởi giá trị kinh tế sản xuất nông nghiệp còn thấp so với các nghề khác”, ông Tân lý giải.

Thời điểm này, tại Định Hải, một số diện tích lúa đã được thu hoạch, nông dân cũng tranh thủ ra giống ớt và các loại rau màu khác. Ngoài các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Yên Định cũng đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi sào (500m2) đất 2 lúa trồng ngô vụ đông 1kg giống, hỗ trợ giống rau màu. Tuy nhiên, theo ông Tân, để đạt được chỉ tiêu 170 ha là điều không dễ.

“Họp hành khổ lắm! Cứ 3-4 ngày lại họp giao ban, bàn về cây trồng vụ đông. Cán bộ Đảng ủy, UBND xã và các đoàn thể được giao về tận các thôn vận động nhưng khó có thể trở về thời kỳ hoàng kim của vụ đông tại Định Hải trước kia”, ông Tân bày tỏ.

Cái khó nữa của sản xuất vụ đông là những mối liên kết. Theo ông Tân, hợp tác xã cũng đã làm cầu nối để nhiều doanh nghiệp về đây liên kết sản xuất. Tuy nhiên, giữa nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung. Nông sản được tư thương vào tận ruộng thu mua hoặc nông dân phải đem đi chợ bán, giá cả bấp bênh, giá trị chưa như kỳ vọng.

Giao chỉ tiêu, hạ xếp loại đảng viên vì... vụ đông

Trước tình trạng diện tích cây trồng vụ đông đang rơi tự do, để đạt được chỉ tiêu cấp trên giao, nhiều nơi đã phải vận động, vận động không được thì giao chỉ tiêu, chỉ tiêu không hoàn thành thì đem ra xem xét xếp loại cán bộ, đảng viên.

 Tình trạng giao chỉ tiêu từ trên xuống dưới vô hình trung đặt các địa phương vào tình thế khó xử. Nhiều mối liên kết tan vỡ khiến sản xuất vụ đông trong tình trạng mạnh ai nấy làm, mỗi nơi mỗi phách, manh mún, nhỏ lẻ.

Ông Bùi Văn Dũng, 61 tuổi, một đảng viên tại thôn Trung Đào, xã Quảng Yên được biết đến là nông dân sản xuất giỏi ở một xã có truyền thống sản xuất vụ đông bậc nhất tại huyện Quảng Xương.

Gia đình ông có 8 nhân khẩu thì hiện chỉ có 4 người trong độ tuổi lao động. Tất thảy 4 lao động này hiện đang đi làm công nhân hoặc làm ăn xa nhà. Hai vợ chồng ông vừa chăm hai đứa cháu vừa phải cáng đáng 0,5 ha đất, ruộng.

Hễ đến vụ đông, gia đình ông Dũng lại được thôn giao chỉ tiêu phải sản xuất hết diện tích đất ruộng. Nhưng khi đã ở tuổi xế chiều, gia đình ông chỉ làm được khoảng 1 sào ngô và hai sào màu.

Do không hoàn thành chỉ tiêu, năm 2018, trong cuộc bình xét xếp loại đảng viên cuối năm, ông Bùi Văn Dũng phải chấp nhận hạ xếp loại từ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ xuống hoàn thành nhiệm vụ.

“Tôi là đảng viên, được giao chỉ tiêu nhưng không hoàn thành nên phải chấp nhận hạ xếp loại đảng viên. Nhưng với sức lực như bây giờ, tôi chỉ sản xuất lúa đủ ăn còn vụ đông làm vài ba sào chứ không đủ sức làm hết diện tích”.

Thiếu nhân lực, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp so với ngành nghề khác đang là lực cản khiến nông dân một số vùng không còn mặn mà với vụ đông. Ảnh: Võ Dũng.

Thiếu nhân lực, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp so với ngành nghề khác đang là lực cản khiến nông dân một số vùng không còn mặn mà với vụ đông. Ảnh: Võ Dũng.

Theo phân tích của ông Dũng, sản xuất nông nghiệp hiện nay rất thuận lợi nhưng nhà không có đủ nhân lực, thời tiết lại diễn biến bất thường, thị trường bấp bênh nên nhiều hộ không mấy mặn mà. Hiện gia đình ông chỉ làm một ít ngô ngọt, một ít ngô nếp, một ít hoa màu, đủ để bán chứ làm ra nhiều lại ế ẩm.  

“Một phần không có sức, không có lao động, một phần tính hiệu quả kinh tế so với những ngành nghề khác thì vụ đông thua xa. Với lại, tôi làm ngô, cũng làm vừa phải, đủ bán chứ dư thừa là không biết đổ đi đâu. Theo tôi, việc giao chỉ tiêu chỉ là biện pháp tạm thời, nếu cây trồng vụ đông có hiệu quả kinh tế cao thì không hỗ trợ nông dân vẫn làm”, ông Dũng tâm sự.

Cũng theo ông Dũng, đây cũng là tình trạng chung tại xã Quảng Yên, chỉ những hộ không có ngành nghề gì mới bám vào đồng ruộng, bám vào vụ đông chứ có ngành nghề thì về cơ bản chỉ sản xuất lúa đủ ăn thôi.

Toàn xã Quảng Yên có trên 390 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 280 ha đất hai lúa. Thời kỳ đỉnh điểm nhất (2017), toàn xã gieo trồng được 120 ha cây trồng vụ đông. Nhưng diện tích gieo trồng vụ đông qua các năm tiếp theo cứ giảm dần và đến năm 2019 chỉ còn gần 90 ha.

Năm nay, sau khi được huyện giao chỉ tiêu, UBND xã Quảng Yên đã xây dựng kế hoạch, triển khai rộng rãi, giao diện tích cho các thôn xóm và quyết tâm đạt từ 135 ha cây trồng vụ đông trở lên. Nhưng với tình hình hiện nay, đạt chỉ tiêu đã khó chứ chưa nói đến việc vượt kế hoạch được giao.

“Lao động chính đa phần đi làm ăn xa, làm công nhân, làm nghề phụ; lao động trên đồng ruộng là người đã có tuổi. Ở đây chỉ có 9ha cây trồng VietGap là nông dân hứng thú làm còn lại đều ở mức bình thường, khả năng đạt chỉ tiêu trên giao là rất khó” – ông Trần Ngọc Danh, Phó Chủ tich UBND xã Quảng Yên lý giải.

Không có những mối liên kết chung thủy, phong trào làm vụ đông sẽ tái diễn theo hướng mạnh ai nấy làm, manh mún, nhỏ lẻ. Ảnh: Võ Dũng.

Không có những mối liên kết chung thủy, phong trào làm vụ đông sẽ tái diễn theo hướng mạnh ai nấy làm, manh mún, nhỏ lẻ. Ảnh: Võ Dũng.

Về việc giao chỉ tiêu sản xuất vụ đông cho cán bộ, đảng viên, khi không hoàn thành nhiệm vụ sẽ đưa ra trước chi bộ xem xét hạ mức xếp loại, ông Danh cho biết, đó là câu chuyện của 2, 3 năm trước. Thời điểm hiện tại, xã vẫn giao chỉ tiêu nhưng căn cứ theo tình hình thực tế, chứ không thể xếp loại cán bộ, đảng viên cứng nhắc.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Chia sẻ cách tiếp cận liên ngành theo chuỗi về an toàn thực phẩm

THỪA THIÊN - HUẾ Các đại biểu đã cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm từ Dự án 'Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một Sức Khỏe'.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.