Nông dân Bình Định thu hoạch lúa ĐX 2017 - 2018 |
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong vụ ĐX 2017 - 2018, tỉnh này gieo sạ 48.221ha lúa, tăng 928ha so với vụ ĐX năm trước. Trong đó, lúa chân ruộng 1 vụ là 1.975ha, tăng 528ha; lúa chân ruộng 2 vụ 34.079ha, tăng 1.675ha và chân ruộng 3 vụ 12.167ha, giảm 1.154ha so vụ ĐX năm trước.
Trước khi bước vào SX, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN-PTNT cùng lãnh đạo các địa phương đã bàn thảo kỹ lưỡng về lịch thời vụ, căn cứ vào dự báo thời tiết và điều kiện thực tế từng địa phương và đề ra lịch thời vụ phù hợp, trong quá trình sinh trưởng phát triển, cây lúa không bị ảnh hưởng bất lợi bởi thời tiết nên đã cho năng suất cao.
Theo đó, lịch thời vụ của vụ ĐX 2017 - 2018 gieo sạ muộn hơn so với các năm trước từ 10 - 15 ngày. Chân ruộng 3 vụ gieo sạ sau ngày 10/12 đến ngày 20/12/2017; chân ruộng 2 vụ gieo sạ từ ngày 20/12 đến hết tháng 12/2017. Các địa phương chủ động bố trí thời vụ gieo sạ linh hoạt cho từng vùng, tiểu vùng, tùy theo diễn biến của thời tiết và tình hình thực tế của địa phương, nhưng cơ bản phải theo khung thời vụ của ngành nông nghiệp tỉnh.
Theo phân tích của ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, nếu như những năm trước lịch gieo sạ của chân ruộng 3 vụ là từ ngày 25/11 đến ngày 5/12 thì năm nay lùi lại từ ngày 10/12 đến ngày 20/12, lịch thời vụ của chân ruộng 2 vụ cũng được bố trí muộn hơn so mọi năm, nên trong giai đoạn làm đòng trỗ cây lúa né được đợt không khí lạnh và gió mùa Đông Bắc, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt.
Một yếu tố quan trọng khác tạo nên năng suất cao cho vụ lúa ĐX 2017 - 2018 ở Bình Định là cơ cấu giống. Trong tổng số giống gieo sạ trong vụ ĐX này có 2/3 là giống nguyên chủng và 1/3 là giống xác nhận, tuyệt đối không có nông dân nào dùng lúa thịt làm giống nên đồng ruộng phát triển đồng đều, năng suất lúa các địa phương đều đạt cao tương đương nhau.
Cũng theo ông Phát, trong vụ ĐX 2017 - 2018, ngành nông nghiệp Bình Định đã bố trí cơ cấu giống lúa rất phù hợp. Trên chân ruộng 2 vụ được sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai trung ngày, năng suất cao, gồm: Khang dân đột biến, ĐV 108, Q5, TBR1, ĐB6; chân ruộng 3 vụ được bố trí các giống lúa thuần ngắn ngày, năng suất khá, như: Khang dân đột biến, ĐV108, TBR36, KD28. Đối với những diện tích chân ruộng trũng thuộc các địa phương ven biển phải gieo sạ muộn lịch thời vụ ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài nhơn… thì được bố trí các giống lúa ngắn ngày như: TBR36, PC6, SV181, ANS1…
“Nhờ đó, trong vụ ĐX 2017 - 2018, Bình Định đạt năng suất lúa bình quân cao nhất từ trước đến nay. Nếu như vụ lúa được mùa nhất ở Bình Định là vụ ĐX 2014 - 2015, năng suất bình quân đạt 68,7 tạ/ha thì ĐX năm nay đạt bình quân 69 tạ/ha, đó là con số thống kê “khiêm nhượng” chứ thực tế còn cao hơn nhiều”, ông Phát cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân kể: “Một hộ nông dân trên địa bàn làm 2 sào lúa (500 m2/sào), từ trước đến nay, vụ nào trúng nhất thu hoạch được 14 bao lúa tươi (50 kg/bao). Năm nay thấy 2 sào lúa của mình tốt quá, khi thu hoạch, ông đã chuẩn bị 14 cái bao để đựng lúa. Nào ngờ lúa nhiều quá, bị thiếu bao, ông phải chạy ra chợ mua thêm 6 cái bao nữa mới đựng đủ. Ông nói vui là không biết ở đâu ra mà lúa nhiều đến vậy, cứ như lúa ở dưới đất trào lên!”.
Trong thời gian qua, hầu hết các địa phương từ miền núi đến đồng bằng ở Bình Định đều râm ran câu chuyện được mùa lúa ĐX. Ví như ở xã Nhơn An (TX An Nhơn), câu chuyện một hộ dân đạt năng suất 110 tạ/ha được loan truyền khắp đường làng, ngõ xóm. |