| Hotline: 0983.970.780

Vụ phá rừng Trường Sơn tại Quảng Bình: Ghi nhận từ hiện trường

Thứ Tư 06/07/2022 , 17:41 (GMT+7)

Tại hiện trường, 5 cây gỗ lớn (có đường kính gốc 0,4-0,8m), đã bị cắt hạ, trong đó có 3 cây còn nguyên vẹn vì đã bị rỗng ruột…

Nhiều cây gỗ lớn bị xẻ giữa rừng

Lộ trình đi vào khu vực rừng bị phá cũng không phải là phức tạp, hiểm trở. Từ Trạm bảo vệ rừng số 6 Cầu Cạc (thuộc Ban quản lý rừng Quảng Ninh), sử dụng phương tiện cơ giới (nếu thời tiết thuận lợi) để đi thêm hơn 2km thì bắt gặp con suối Chà Rào. Men theo dòng suối, đi bộ theo hướng lên thượng nguồn chừng hơn nửa giờ đồng hồ là đến khu vực hiện trường rừng bị chặt phá.

Phần ruột và bìa cây gỗ bị xẻ, phần gõ phiến đã bị lấy đi. Ảnh: X.V

Phần ruột và bìa cây gỗ bị xẻ, phần gõ phiến đã bị lấy đi. Ảnh: X.V

 

Vùng rừng này được xác định là tọa độ khoảnh 6, tiểu khu 554, địa phận xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh là vùng rừng tự nhiên có trữ lượng gỗ khá lớn, nhưng được khai thác từ lâu nên lượng gỗ quý hiếm, gỗ có giá trị cao…đã cạn dần. Theo ông Dương Công Đảm, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng Quảng Ninh cho hay, vào những thập niên 2000-2010, rừng ở đây đã bị khai thác trái phép kéo dài nên những nhóm cây có giá trị cơ bản gần hết.

Cây gỗ lớn bị mục rỗng ruột còn nằm nguyên tại hiện trường. Ảnh: X.V

Cây gỗ lớn bị mục rỗng ruột còn nằm nguyên tại hiện trường. Ảnh: X.V

Từ bờ suối đi vào chừng một đoạn khoảng 700m là điểm cây gỗ đầu tiên bị cưa hạ bằng cưa xăng. Cây này có đường kính khoảng 0,7m và dài gần 20 m. Tại hiện trường, cây gỗ đã bị cưa làm 3 khúc, mỗi khúc có độ dài khác nhau và phần ngọn đã khô cứng từ lâu. Khúc sát gốc do bị rỗng nên lâm tặc cắt ra dài hơn 1m rồi để vậy. Hai khúc tiếp theo có chiều dài mỗi khúc trên 3 m đã bị lâm tặc xẻ ra thành gỗ hộp và đã lấy đi những phiến gỗ còn sử dụng được. Phần gỗ này được người dân địa phương gọi là “gỗ áp táo” (tức phần gỗ nằm sát với phần bìa cây). Phần ruột cây gỗ do bị mục rỗng có vênh trên 0,3m và phần gỗ bìa còn để lại.

Cây gỗ thứ 2 có đường kính khoảng 0,5 m. Cây này cũng đã bị lâm tặc cắt, xẻ và lấy đi hết phần gỗ phiến. Theo tính toán của cơ quan chức năng thì số lượng gỗ 2 cây nói trên bị lâm tặc lấy đi ước tính khoảng 0,7m3.

Cây gỗ mục rỗng gần hết phần ruột cũng đã bị cưa hạ. Ảnh: X.V

Cây gỗ mục rỗng gần hết phần ruột cũng đã bị cưa hạ. Ảnh: X.V

Trong vòng bán kính độ 100m có thêm 3 cây cũng đã bị lâm tặc cưa hạ. Cây lớn nhất trong nhóm này có đường kính gốc 0,8m đã bị rỗng ruột lớn. Phần thân bìa chỉ còn khoảng gang tay người lớn. Do bị rỗng ruột gần hết nên lâm tặc chỉ hạ cây xuống và để nguyên như vậy. Hai cây còn lại, lâm tặc cũng dùng cưa xăng cắt ra thành  2 hoặc 3 khúc. 

Quan sát kỹ vết cưa và nắm lấy mùn cưa đưa lên mũi ngửi, ông Hồ Cu (xin giấu tên), một lâm tặc đã bỏ nghề đi cùng chúng tôi cho hay: “Mấy cây gỗ này cũng bị cắt hạ cách đây khoảng hơn 4 tháng trước rồi đấy. Nhìn vết cưa là biết ngay thôi mà”.

Một cây gỗ khác bị cưa làm 3 khúc để tại hiện trường. Ảnh: X.V

Một cây gỗ khác bị cưa làm 3 khúc để tại hiện trường. Ảnh: X.V

Ngoài 5 cây gỗ bị lâm tặc cắt hạ, chúng tôi không phát hiện thêm cây gỗ nào bị xâm hại trong một khu vực rộng.

Bỏ gỗ tốt như sú, chủa để lấy gỗ măng ri?

Sau khi nắm bắt tình hình và kiểm tra hiện trường, ông Hoàng Xuân Tình, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Trường Sơn (thuộc Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh) cho biết, nhóm 5 cây gỗ bị lâm tặc cưa hạ tại khoảnh 6, tiểu khu 554 là chưa xác định được tên khoa học nên xếp nhóm 7 trở lên, giá trị gỗ không lớn, chỉ sử dụng vào những việc có tính chất tạm thời mau hỏng, để hư mục). “Tuy nhiên,  người dân địa phương thì gọi là cây măng ri. Đặc điểm cây măng ri phát triển khá nhanh trong rừng. Có lẽ do phát triển nhanh nên cây lớn thường bị rỗng ruột hoặc chết đứng.

Gỗ măng ri có giá trị kinh tế không cao nên rất ít người buôn bán mà chủ yếu do người dân bản địa dùng để chắn, lót sàn nhà hoặc làm các công trình phụ”- ông Tình thông tin.

Bước đầu xác định là cây gỗ thuộc nhóm 7 bị chết khô trước đó. Ảnh: X.V

Bước đầu xác định là cây gỗ thuộc nhóm 7 bị chết khô trước đó. Ảnh: X.V

Ông Phạm Hồng Khánh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh, cho chúng tôi hay, sau khi phát hiện vụ phá rừng tại tiểu khu 554, Hạt cùng với BQL đã tiếp cận hiện trường và nắm bắt tình hình. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện thành lập tổ liên ngành để xác minh làm rõ vụ việc.

“Hạt Kiểm lâm cũng yêu cầu chủ rừng phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương bảo vệ  hiện trường. Có phương án bảo vệ chặt chẽ rừng ở các tiểu khu khác”- ông Khánh nói thêm.

Tại hiện trường, gần những cây gỗ bị cưa hạ có những cây gỗ chủng loại khác, có giá trị kinh tế cao hơn như sú, chủa, bằng lăng… có đường kính gốc lớn hơn nhưng lâm tặc lại không xâm hại đến?

Ông Hồ Cu cũng chậm rãi nhận định: “Nói chung là bà con hay là lâm tặc đã vào rừng với ý đồ khai thác gỗ thì không cưa hạ những loại cây như vầy đâu. Vì nó rỗng ruột, lại khô mực và hạ nó xuống rồi thì lấy được ít gỗ lắm. Cân đi tính lại là lỗ công sức nên không làm mô”.

Những mảnh gỗ bìa còn sót lại cây gỗ bị cưa hạ. Ảnh: X.V

Những mảnh gỗ bìa còn sót lại cây gỗ bị cưa hạ. Ảnh: X.V

Một cán bộ trong ngành lâm nghiệp cũng cho hay: “Nếu phát hiện, hay bắt quả tang  cá nhân, tổ chức xâm hại đến những cây như thế và có số lượng không lớn thì chỉ xử lý hành chính. Tuy nhiên, về phía chủ rừng vẫn bị xử lý về mặt trách nhiệm vì đã buông lỏng quản lý”

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lực lượng lao động trở về địa phương khá đông, họ không có việc làm ổn định nên vào rừng khai thác lâm sản. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng chưa đủ mạnh lại quản lý địa bàn có rừng trự nhiên rộng lớn. Theo ông Dương Công Đảm, hiện Ban quản lý rừng Quảng Ninh có 50 cán bộ viên chức, trong đó có 37 cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng. “Ban chúng tôi quản lý gần  52.000ha rừng và đất rừng, trong đó có trên 48.000 ha rừng tự nhiên”- ông Đảm nói.

Lực lượng bảo vệ rừng Ban Quản lý RPH Quảng Ninh có tại hiện trường. Ảnh: X.V

Lực lượng bảo vệ rừng Ban Quản lý RPH Quảng Ninh có tại hiện trường. Ảnh: X.V

Trước tình hình trên, ông Đỗ Văn Cừ, Giám đốc Ban quản lý rừng Quảng Ninh nhận khuyết điểm và chỉ đạo khắc phục kiểm điểm trách nhiệm: “Việc để rừng bị xâm hại là trách nhiệm của chúng tôi. Trước mắt, chúng tôi chỉ đạo cán bộ Ban phối hợp các cơ quan chức năng xác minh hiện trường. Đồng thời, chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm do để mất rừng và tăng cường các biện pháp điều động, bổ sung cán bộ bản vệ rừng, phối hợp triển khai phương án ngăn chặn, chống chặt phá lấn chiếm rừng. Lập chốt tăng cường bảo vệ rừng tại khu vực Chà Rào và mở rộng tuần tra các tiểu khu khác tránh tình trạng để lâm tặc lợi dụng chặt phá vùng khác”.

Xem thêm
Cảnh báo nạn trộm cắp cà phê đầu vụ thu hoạch

GIA LAI Một số vùng trồng cà phê tại Tây Nguyên đã xuất hiện tình trạng bẻ cành, hái trộm cà phê chín sớm khi vụ thu hoạch đang cận kề và giá cao hơn nhiều năm.

Phát hiện người đàn ông treo cổ tại rừng thông

Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa xác minh được danh tính người đàn ông treo cổ tử vong tại rừng thông do không mang theo giấy tờ tùy thân.