| Hotline: 0983.970.780

Vũ Quang viết tiếp bài ca Tình đất tình người

Thứ Ba 25/01/2022 , 09:00 (GMT+7)

HÀ TĨNH 'Đất cằn sỏi đá mồ hôi mặn đồng/Giờ thêm gánh nặng bão giông…'. Những câu thơ đã nói lên sự khó khăn, vất vả của mảnh đất Vũ Quang từ bao đời nay.

Có lẽ cũng chính bởi sự khó khăn, vất vả của mảnh đất này, đã hun đúc, tôi rèn cho người dân sự cần cù, chịu thương, chịu khó. Như trong bài thơ Vỡ đất đã từng viết: "Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm". Và hôm nay, ai về Vũ Quang (Hà Tĩnh) cũng sẽ cảm nhận rõ điều này. Từ vùng đất cằn khô sỏi đá, giờ đã trở thành miền quê trù phú, yên bình, nơi đang có nhiều nốt thăng trong bài ca Tình đất tình người.

Từ một huyện khó khăn nhất tỉnh Hà Tĩnh, Vũ Quang giờ đây đã có thu nhập đầu người cao nhất tỉnh trong khối các huyện khối nông thôn. Ảnh: Xuân Hoàn.

Từ một huyện khó khăn nhất tỉnh Hà Tĩnh, Vũ Quang giờ đây đã có thu nhập đầu người cao nhất tỉnh trong khối các huyện khối nông thôn. Ảnh: Xuân Hoàn.

Đất khô cằn một đời cặm cụi…

Cách đây hơn 21 năm, huyện Vũ Quang được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã khó khăn nhất của ba huyện Đức Thọ, Hương Sơn và Hương Khê. Một huyện mới được gọi tên với những "con số nhất" toàn tỉnh: Hộ nghèo cao nhất (chiếm 54,1%); đường giao thông kém nhất tỉnh (cả huyện chưa có một km đường bê tông nào); trình độ dân trí thấp nhất; cơ cấu kinh tế manh mún, yếu kém nhất tỉnh…

Thấm hiểu một điều: Cứ đi sẽ có đường, có làm sẽ có người đồng hành. Vậy là mỗi người cùng nhau cày cuốc, phát dọn cây dại, ươm vào lòng đất những mầm xanh. Đất rừng được trồng keo, tràm, cây ăn quả các loại; đất nông nghiệp thì trồng lúa, ngô, khoai, sắn, mía… Nơi nào cũng có sự dày công khai hoang, vỡ đất và vun trồng.

Vất vả là vậy nhưng bằng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, với nhiều cách làm sáng tạo, người dân Vũ Quang từng bước khắc phục khó khăn để sau hơn 21 năm thành lập, hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, vùng rừng thiêng nước độc, heo hút, cằn cỗi năm xưa đã khoác lên mình chiếc áo mới, trở thành huyện miền núi biên giới đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới...

Cam là cây trồng chủ lực quan trọng, đóng góp lớn vào sự vươn lên của nông nghiệp huyện Vũ Quang. Ảnh: Xuân Hoàn.

Cam là cây trồng chủ lực quan trọng, đóng góp lớn vào sự vươn lên của nông nghiệp huyện Vũ Quang. Ảnh: Xuân Hoàn.

Đất yêu người tỏa ngát hương thơm…

Trong hành trình khai phá tiềm năng lợi thế của núi rừng, cấp ủy chính quyền và người dân Vũ Quang đã có bước đi đúng đắn trong phát triển cây cam. Toàn huyện hiện có trên 2.300 ha cam, sản lượng năm 2021 đạt gần 30 ngàn tấn. Thu nhập từ cam vào thời điểm bội thu là 400 đến 450 tỷ đồng.

Cũng như cam, các sản phẩm nông nghiệp mang đặc trưng của huyện như hồng Yên Du, mật mía Thọ Điền, mật ong Vũ Quang, bưởi Diễn Ân Phú... đều đã bén duyên và phát triển rất tốt. Điều đặc biệt, dưới tán cam của hơn 5.500 hộ đều được kết hợp nuôi hơn 9.000 đàn ong.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (thứ 2 từ phải sang) trong lần về thăm huyện Vũ Quang mới đây. Ảnh: Xuân Hoàn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (thứ 2 từ phải sang) trong lần về thăm huyện Vũ Quang mới đây. Ảnh: Xuân Hoàn.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Ninh, xã Hương Minh, một người đã dày công với việc khai phá đất hoang hóa nhớ lại: “Năm 2010 khi bắt tay vào trồng rừng, trồng cam khó khăn thiếu thốn đủ bề, từ vốn, nhân công cho đến kỹ thuật canh tác nên năng suất thấp, chất lượng không cao. Nhưng tôi và người dân ở đây không nản chí, đã tích cực tìm hiểu cách trồng, chăm sóc cây có múi; tham gia các lớp tập huấn để áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, những năm sau đó đã cho kết quả như kỳ vọng với thu nhập hàng trăm, thậm chí có hộ hàng tỷ đồng mỗi năm”.

Gửi niềm tin, quyết tâm và gieo hi vọng vào vùng đất của mình để rồi đến hôm nay, người dân đã nhận được những ân tình từ đất. Vùng đất cằn cỗi năm xưa giờ trở thành những vùng đất thơm với thu nhập bình quân đầu người cao nhất tỉnh trong khối nông thôn, đạt 45,41 triệu đồng/người/năm.

Bộ mặt nông thôn của huyện Vũ Quang ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Xuân Hoàn.

Bộ mặt nông thôn của huyện Vũ Quang ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Xuân Hoàn.

Viết tiếp bài ca Tình đất tình người…

Theo lời Đảng gọi, người dân Vũ Quang đang tiếp tục nỗ lực trên hành trình mới - bền vững với huyện nông thôn mới và phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Ông Bùi Khắc Bằng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết: Bám sát quan điểm, mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Trung ương đã được nêu ra tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh” nên trong định hướng chỉ đạo của mình, huyện xác định xây dựng nông thôn mới huyện Vũ Quang theo hướng “Nông nghiệp an toàn, nông dân thông thái, nông thôn yên bình”.

Theo đó, nông thôn phát triển, nông nghiệp sinh thái, phát triển du lịch nông thôn là đích hướng đến để làm nên bản sắc nông thôn mới của Vũ Quang. Đó chính là nét đẹp riêng của rừng núi, bền vững trong thu nhập và ấm no, hạnh phúc trong cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.

Nông nghiệp, nông thôn Vũ Quang ngày càng sạch, xanh, bền vững, rất giàu tiềm năng gắn với phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: Xuân Hoàn.

Nông nghiệp, nông thôn Vũ Quang ngày càng sạch, xanh, bền vững, rất giàu tiềm năng gắn với phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: Xuân Hoàn.

Với hướng đi này, Vũ Quang sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái. Đặc biệt, sẽ tập trung phát triển du lịch nhà vườn, nông sản đặc trưng, thực hiện phát triển sản xuất an toàn.

Đây là những vấn đề mà người dân Vũ Quang có lợi thế, đồng thời phù hợp với định hướng của Trung ương là tập trung phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 nhằm đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.

Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững. Trong hành trình ấy, người dân Vũ Quang sẽ viết tiếp bài ca Tình đất tình người, có trách nhiệm với sản xuất, làm giàu cho đất và đất sẽ trả ơn bằng những vụ mùa bội thu, những mô hình du lịch nông thôn ấn tượng gắn với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Hồ Ngàn Trươi, một điểm đến mới rất giàu tiềm năng phát triển du lịch của huyện Vũ Quang. Ảnh: Xuân Hoàn.

Hồ Ngàn Trươi, một điểm đến mới rất giàu tiềm năng phát triển du lịch của huyện Vũ Quang. Ảnh: Xuân Hoàn.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”…, những giọt mồ hôi của người nông dân đã làm nên những mùa vàng no ấm, làm nên nhiều của cải vật chất cho xã hội. Bài ca lao động được cất lên, được hòa nhịp đã làm cho vùng đất Vũ Quang căng tràn sức sống và sự đủ đầy.

Trong sự phát triển đi lên ấy, tình đất, tình người như được nối dài thêm bởi sự chung sức, đồng lòng, sự quyết tâm và cùng chung chí hướng. Màu của ấm no, sức sống của một vùng quê đẹp giàu được bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết, chịu thương, chịu khó, sáng tạo, vươn lên của những con người hồn hậu, thủy chung. Nơi ấy, những người dân cần cù, nghĩa tình đang viết tiếp bài ca Tình đất tình người với những dư vị ngọt ngào, đậm sâu…

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.