| Hotline: 0983.970.780

Vú sữa Lò Rèn... đổ bệnh

Thứ Năm 25/06/2009 , 10:38 (GMT+7)

Những khu vườn vú sữa Lò Rèn- một đặc sản của tỉnh Tiền Giang đang vào độ tuổi cho thu hoạch trái bỗng nhiễm bệnh khô cành, lá nhỏ, héo quắt rồi chết hàng loạt… Theo nhiều chủ vườn có kinh nghiệm, loại bệnh này đã có từ vài năm rồi nhưng vụ này mới bùng phát mạnh. Nay các vườn cây bệnh đã giảm năng suất tới 70- 80%.

Những khu vườn vú sữa Lò Rèn- một đặc sản của tỉnh Tiền Giang đang vào độ tuổi cho thu hoạch trái bỗng nhiễm bệnh khô cành, lá nhỏ, héo quắt rồi chết hàng loạt…

Vú sữa thành... củi

Tìm đến vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn huyện Châu Thành (Tiền Giang), chúng tôi thấy nhiều chủ vườn đang hì hục cầm dao chặt bỏ hàng loạt cây vú sữa trong vườn đã chết khô. Lọm khọm ôm mớ cành cây vú sữa vừa đốn chất thành đống, bà Huỳnh Thị Sinh, ấp Long Trị rầu rĩ: “Chẳng hiểu thứ dịch bệnh gì mà oái oăm thế, “ăn” mục nát cả chùm rễ khiến ngọn cây héo quắt như vầy thì còn hy vọng gì cứu chữa nổi”. Khu vườn nhà bà Sinh 4,5 công (khoảng 40 gốc lớn, nhỏ) chuyên canh vú sữa nay có đến hơn phân nửa nhiễm bệnh thối rễ, khô cành.

Theo anh Nguyên Khanh Hùng (con trai bà Sinh), từ đầu năm anh đã phải đốn bỏ hết khoảng 25 cây vú sữa chết khô mà không có cách nào “hãm” được bệnh cho cây. “Mấy bữa nay tôi tiếp tục đốn bỏ thêm cả chục cây nữa để những gốc nhiễm bệnh nặng khỏi lây lan sang các cây khác, nếu không chỉ thời gian nữa cả vườn vú sữa sẽ thành củi hết trơn”- anh Hùng than thở. Là một trong những vườn vú sữa chuyên canh đẹp nhất vùng, nhưng đến nay ai đi ngang qua cũng lắc đầu xót xa thay vì cả khu vườn tan hoang như có ma làm.

Kế bên là khu vườn 1,6 công của gia đình anh Nguyễn Văn Nhịn cũng có hiện tượng cây bị nhiễm bệnh. Cả nhà anh đang chạy đôn chạy đáo tìm cách cứu vườn cây. Anh Nhịn cho biết, năm trước vú sữa vẫn xanh tốt, trái ra đều nhưng sang năm nay cành cây bắt đầu khô, lá nhỏ héo dần. Đặc biệt hộ ông Hai Tạ cũng ở ấp Long Trị có 5 công vú sữa chuyên canh (cây khoảng trên 10 năm tuổi) đã chết khô khiến ông Tạ phải đốn bỏ cả vườn.

Sau đó ông đã tiến hành cải tạo lại đất vườn, đổ trấu, phân, lên liếp trồng lại nhưng vừa đến lúc cây bói trái thì chết. Không chịu bó tay, ông Tạ tiếp tục đốn bỏ lứa cây bệnh và đầu tư trồng lại lần nữa nhưng bệnh không lui mà cứ quanh quẩn trong vườn.

Cây nhiễm bệnh "ung thư rễ"?

Tiếp tục tìm đến các khu vườn khác ở xã Vĩnh Kim, Bàn Long, Kim Sơn chúng tôi gặp một nhóm nhà vườn đang vây quanh gốc vú sữa nhà ông Ngô Văn Sương vừa được bà con đào lên tự “chẩn bệnh”. Sau một hồi mân mê, cạy từng mảng vảy xám xịt ở gốc rễ cây vú sữa, ông Sương đành lắc đầu: “Thấy cây vú sữa có hiện tượng những đọt non không nhú ra nổi, lá nhỏ, cành khô, nay bới gốc lên mới thấy rễ cây đã thối mềm nhũn như bị bệnh “ung thư rễ” vậy”. Mảnh vườn 3,5 công (khoảng trên 30 gốc vú sữa) của nhà ông Sương đang phát bệnh và nguy cơ sẽ phải đốn bỏ như bao vườn khác khiến gia đình ông buồn như nhà có đám!

Còn ông Huỳnh Văn Thanh, xã Bàn Long cho hay, từ khi thấy vườn cây có hiện tượng khác thường như trái bị héo khô, chỉ cần rung nhẹ trái rụng như mưa rào, sợ quá ông liền ra vườn bứng cả chùm rễ cây vú sữa đem lên Bệnh viện Cây ăn quả (Viện Nghiện cứu CAQ miền Nam) nhờ các nhà khoa học phân tích hộ. Tuy nhiên, đến nay đã gần cả tháng nhưng gia đình ông chưa nhận được hồi âm. “Khi ôm gốc cây lên tới Bệnh viện Cây ăn quả, tui chỉ nghe các “bác sĩ” ở đây khuyên về rải thuốc NoCAP, Ridomil…để diệt ấu kiến trùng trước, còn để tìm ra cách đặc trị bệnh cho cây phải đợi đã”- ông Thanh nói.

Theo nhiều chủ vườn có kinh nghiệm, loại bệnh này đã có từ vài năm rồi nhưng vụ này mới bùng phát mạnh khiến cây vú sữa chết hàng loạt như vậy. Nay các vườn cây bệnh đã giảm năng suất tới 70- 80%, nhiều cây bị nặng không còn khả năng thu hoạch. Nếu không tìm ra ngay nguyên nhân chính xác để điều trị gấp thì e rằng bệnh sẽ lây lan ra toàn vùng khó mà cứu kịp. Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim thở dài thườn thượt: “Tính sơ sơ, diện tích vú sữa bị bệnh khô cành, chết khoảng hơn 200ha, chiếm gần 20% tổng diện tích vú sữa toàn huyện và bệnh đang có nguy cơ lây lan mạnh. Vì không biết là bệnh gì nên đến nay địa phương vẫn đang bó tay".

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Mời SunRice tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

ĐỒNG THÁP Tập đoàn SunRice đang khuyến khích nông dân ĐBSCL các biện pháp canh tác lúa bền vững và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng 0 trong chuỗi giá trị vào năm 2050.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm