| Hotline: 0983.970.780

Vụ Tết buồn của vùng rau lớn nhất Quảng Nam

Thứ Tư 19/01/2022 , 10:59 (GMT+7)

Mưa lớn liên tục vào thời điểm cuối năm khiến hàng chục ha rau màu Tết của nông dân Quảng Nam bị hư hại, thất thu, thậm chí mất trắng.

Người dân ngậm ngùi nhổ bỏ những ruộng rau hư hỏng. Ảnh: L.K.

Người dân ngậm ngùi nhổ bỏ những ruộng rau hư hỏng. Ảnh: L.K.

Vào những ngày này năm trước, tại cánh đồng rau Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc), vùng trồng rau lớn nhất của tỉnh Quảng Nam đã tấp nập thương lái tới đặt hàng, thu mua để phục vụ thị trường thì Tết Nhâm Dầnì năm nayhoàn toàn khác. Khắp các ruộng rau, đi đâu cũng bắt gặp những khuôn mặt rầu rĩ của nông dân vì mất mùa.

Tháng 9 vừa qua, gia đình chị Nguyễn Thị Mười trú thôn Phú Phước, xã Đại An bắt đầu xuống giống 4 sào đất các loại rau màu gồm ớt, khổ qua, mướp. Theo bà Mười, đây là vụ rau cuối cùng của năm 2021 và sản phẩm thu hoạch nhằm phục vụ cho Tết Nguyên đán nên người trồng rau trong vùng đều rất kỳ vọng.

Với diện tích, sản lượng này cùng với giá bán các loại rau màu cao như mọi năm, vụ rau này gia đình bà Mười cũng thu được ngót nghét 100 triệu đồng để có cái Tết đầm ấm. Thế nhưng, thời tiết cuối năm thất thường, mưa lớn liên tục khiến cho diện tích rau của bà bị hại nặng nề.

Nhìn những cây khổ qua sau một thời gian dài ngập trong nước lá bắt đầu ngả vàng không còn sức sống bà Mười thở dài: “Suốt mấy chục năm trồng rau tôi chưa bào giờ thấy hiện tượng thời tiết nào như năm nay. Không biết sản lượng có được 1/3 so với mọi năm không, nói chung vụ rau này coi như thất bát”.

Người dân thu hoạch những luống rau còn may mắn sót lại mong vớt vát lại phần nào thiệt hại. Ảnh: L.K.

Người dân thu hoạch những luống rau còn may mắn sót lại mong vớt vát lại phần nào thiệt hại. Ảnh: L.K.

Cách đó không xa, vợ chồng ông Phan Đình Hưng thôn Phú Phước, xã Đại An cũng đang lúi húi thu hoạch sớm những trái khổ qua, đậu cô ve để mong vớt vát lại phần nào khi đợt mưa đầu tháng 12 vừa rồi khiến diện tích rau màu của gia đình ông chết hơn phân nửa. Vụ rau này, gia đình anh Hưng xuống giống 10 sào đất gồm 1 sào của gia đình và 9 sào thuê của người dân với giá 2 triệu đồng/sào/năm để trồng các loại rau bán Tết.

Ông Hưng cho biết, năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các vụ rau trước đầu ra không ổn định. Cùng với đó, giá giống, phân bón vật liệu cũng tăng cao nên trước khi sản xuất vụ này gia đình thu nhập cũng không đáng kể. Đến vụ rau Tết, khi thị trường đã bắt đầu ổn định trở lại, ông đã đầu tư gần 50 triệu đồng mong thu được chút lãi kha khá nhưng bây giờ lại thất vọng tràn trề.

“Gần Tết thấy giá rau quả tăng lên nhưng nhìn lại ruộng rau của mình hư hại hết cả, không có hàng để bán tiếc lắm. Xem như vụ này trắng tay, không biết số rau còn sót lại đây có đù bù vốn đầu tư không. Rồi những vụ tới biết lấy tiền đâu ra để đầu tư lại. Tôi cũng như hàng trăm hộ trồng rau ở đây đều chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm”, ông Hưng buồn bã.

Những quả khổ qua hư hỏng bị vứt bỏ chất thành đống. Ảnh: L.K.

Những quả khổ qua hư hỏng bị vứt bỏ chất thành đống. Ảnh: L.K.

Được biết, những năm gần đây, vùng trồng rau Bàu Tròn được xem là vựa rau sạch ở tỉnh Quảng Nam với phong phú các sản phẩm. Người dân đã có ý thức khi hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chuyển qua dùng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại nên rất được thị trường ưa chuộng.

Các loại rau được sản xuất ở Bàu Tròn không chỉ cung cấp trong tỉnh mà còn được thương lái thu mua, đem đi tiêu thụ ở Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác. Bây giờ, nhìn thấy khung cảnh tiêu điều, cây lá héo úa, quả hư hỏng chất thành từng đống 2 bên bờ ruộng tại đây khiến ai cũng thấy xót xa. Bao nhiêu công sức, tiền bạc và cả kỳ vọng của người nông dân giờ đây không còn lại gì.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch UBND xã Đại An, huyện Đại Lộc cho biết, theo thống kê toàn xã có trên 100 hộ chuyên trồng rau màu ở cánh đồng Bàu Tròn, với diện tích khoảng 36ha. Người dân trồng chủ yếu là mướp, đậu cô ve, đu đủ, khổ qua, đậu xanh, đậu phụng. Tuy nhiên đợt mưa vừa qua làm rau quả hư hỏng rất nhiều. Hiện tại chính quyền xã đang thống kê rau màu bị thiệt hại để đề xuất huyện, tỉnh hỗ trợ cho người dân.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hỗ trợ sinh kế và 12.000 vịt giống giúp nông dân thoát nghèo

THANH HÓA Ngày 16/5, tại Thường Xuân, Tập đoàn Mavin phối hợp với tổ chức World Vision trao tặng 12.000 vịt giống trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế giai đoạn 2022 - 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.