| Hotline: 0983.970.780

Những làng rau VietGAP rộn ràng vào tết

Chủ Nhật 19/01/2020 , 16:00 (GMT+7)

Những ngày cuối năm, chủ những vườn rau an toàn sản xuất theo hướng VietGAP ở Bình Định luôn tất bật với công việc thu hoạch để cung ứng cho thị trường ngày tết.

Về làng rau Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận được không khí hối hả trên những vườn rau. Trên những cánh đồng rau lúc nào cũng kín người, họ liền chân liền tay chăm sóc, thu hoạch. Ông Trần Ngọc Quang, thành viên của nhóm nông dân cùng sở thích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở đây, chia sẻ: “Ngoài 2 sào rau ăn lá, gia đình tôi còn có 1 sào đậu bắp cũng đang cho thu hoạch cung ứng cho Co.opmart Quy Nhơn từ nay tới tết”.

Nông dân làng rau Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn, Bình Định) đang chăm sóc cà chua.

Vừa hái rau, nông dân Trần Văn Tín vừa cho biết thêm: “Với hơn 2 sào đất màu của gia đình tôi trồng rau thu hoạch quanh năm, nhưng vụ rau giáp tết luôn cho thu nhập cao hơn ngày thường nên phải lo chăm sóc để rau đạt chất lượng cao nhất. Năm nay không có mưa lũ nên tất cả những vụ rau trong năm đều cho thu hoạch ổn định. Hơn 4 năm sản xuất rau an toàn, vợ chồng tôi có việc làm thường xuyên nên càng lúc càng gắn bó với công việc”.

Theo ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTXNN Phước Hiệp, hiện ở địa phương có 7 nhóm nông dân cùng sở thích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với 178 thành viên tham gia trồng trên diện tích 10ha.

“Vụ rau tết năm nay các thành viên sản xuất đậu bắp, khổ qua, dưa leo, cải, xà lách. Sản phẩm làm ra được HTX thu mua, sơ chế, đóng gói, gắn nhãn mác trước khi cung cấp cho Co.opmart Quy Nhơn, Co.opmart An Nhơn, Big C Quy Nhơn”, ông Thăng cho hay.

Nông dân trồng rau VietGAP ở Bình Định đang thu hoạch cải cúc bán tết.

Trên những cánh đồng rau ở xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) và Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn) hiện nông dân cũng dồn sức cho vụ rau tết. Ông Đinh Văn A Nham, trưởng nhóm nông dân cùng sở thích sản xuất rau an toàn ở làng K3, cho biết: “Nhóm của tôi gồm 28 thành viên, sản xuất 2ha các loại rau ôn đới cung cấp cho siêu thị Big C Quy Nhơn, trong đó có 1ha đã thu hoạch được 30 tấn bán với giá từ 6.000 - 6.500 đồng/kg. Hiện các thành viên đang nỗ lực chăm sóc diện tích còn lại để cung cấp trong dịp tết”.

Bà Lê Thị Ngà, thành viên HTXNN Thuận Nghĩa cũng đang huy động các thành viên trong gia đình thu hoạch rau để bán. Bà Ngà cho hay: “Nhu cầu rau an toàn của người tiêu dùng đang tăng dần, HTX yêu cầu các thành viên thu hoạch tăng cường thu hoạch rau để cung cấp Co.opmart Quy Nhơn, Co.opmart An Nhơn. Nhờ thời tiết nắng ấm, nên 5 sào rau cúc, rau cải, hành, ngò của tôi phát triển mạnh. Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ngày nào gia đình tôi cũng có rau để bán”.

HTXNN Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) thu mua rau VietGAP của nông dân sơ chế trước khi cung ứng cho các siêu thị trong tỉnh.

Hiện nay ở Bình Định, bình quân mỗi ngày mỗi đơn vị sản xuất rau an toàn thu hoạch, cung ứng cho các siêu thị trong tỉnh từ 400 - 500kg và cung cấp thêm ra thị trường 2 tấn rau an toàn.

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hiện toàn tỉnh này có 28 nhóm nông dân với 703 nông hộ cùng sở thích sản xuất rau an toàn hợp chuẩn VietGAP trên diện tích 56ha. Năm 2019, riêng Co.opmart Quy Nhơn, Co.opmart An Nhơn, Big C Quy Nhơn đã tiêu thụ khoảng 320 tấn rau an toàn của nông dân với giá cao hơn từ 15 - 30% so với giá rau thông thường bán tại các chợ.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Bí quyết để TP.HCM đạt tỷ lệ tiêm phòng dại trên 90%

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM vẫn chưa xuất hiện một ổ bệnh dại nào nhờ tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó mèo luôn ở mức rất cao trong những năm qua.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm