| Hotline: 0983.970.780

Vựa dứa xứ Thanh cần nhà máy chế biến

Thứ Ba 22/10/2019 , 09:11 (GMT+7)

Thanh Hóa có diện tích dứa lớn nhưng hiện chưa có Nhà máy chế biến. 

16-47-47_1
Diện tích dứa tại Thanh Hóa đang có xu hướng tăng.

Không có mối liên kết ổn định với doanh nghiệp, nông dân chủ yếu bán dứa cho thương lái với giá cả bấp bênh. Tình trạng được mùa mất giá đang khiến nhiều nhà vườn đau đầu.

Cánh đồng dứa thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định những ngày tháng 10. Trên cùng một lô thửa nhưng xuất hiện nhiều trà khác nhau. Có trà đã được phủ lưới đen hãm chín, có trà đang thì con gái; có trà bắt đầu ra hoa…

Trồng rải vụ, thu cuốn chiếu, đó là cách mà người dân thị trấn Thống Nhất đang áp dụng để mong bán được dứa cao. Nhưng cách làm này cũng đầy may rủi. Có thời điểm giá cao nhưng năng suất, chất lượng dứa kém; lúc được mùa lại mất giá.

Bà Phạm Thị Hiệp, khu phố 4 có 1 ha đất trồng dứa, mỗi năm thu về 40 - 50 tấn. Với giá bán bình quân 4 triệu đồng/tấn, gia đình bà thu khoảng 160 triệu đồng/năm, trừ chi phí lãi 30 - 40 triệu đồng. Theo bà Hiệp, nếu trồng cùng lúc và thu hoạch rộ thì giá thấp nên gia đình bà cũng như nhiều hộ dân khác phải trồng rải vụ, thu hoạch cuốn chiếu. Mỗi năm, gia đình bà chia làm 2 đợt trồng nhưng hiệu quả kinh tế vẫn chưa như mong đợi.

Người dân Thống Nhất đã có thâm niên trồng dứa trên dưới 30 năm. Thời điểm cây dứa mới du nhập vào vùng đất này, gần như toàn bộ sản phẩm được Nhà máy dứa Như Thanh và Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao vào thu mua. Tuy nhiên, khi Nhà máy dứa Như Thanh giải tán, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và người trồng dứa Thống Nhất chưa tìm được tiếng nói chung, sản phẩm của người trồng dứa ở đây chủ yếu bán cho tư thương. Tình trạng o ép giá là chuyện không hiếm.

16-47-47_2
Nông dân phải trồng rải vụ, thu cuốn chiếu để mong bán được giá.

Bà Lê Thị Yên, khu phố 4 cho biết, gia đình bà có 1 ha đất nhưng cũng phải chia làm 4 trà: “Để trồng nhiều trà mà vẫn điều tiết được cho cây ra hoa, đậu quả là rất khó. Nhưng nếu không chịu khó học hỏi, trồng cùng lúc, thu hoạch rộ thì giá cả thấp lắm. Có những trà gia đình tôi bán với giá 6,2 triệu đồng đồng/tấn nhưng cũng có lúc chỉ bán chưa đến 3 triệu đồng/tấn. Nếu liên kết với doanh nghiệp thì ổn định nhưng giá cả thu mua quá thấp khiến nông dân gần như chẳng còn lãi, đành đánh bạc với trời”.

Không chỉ ở thị trấn Thống Nhất, những năm qua, diện tích dứa ở các địa phương khác tại Thanh Hóa tăng nhanh trong khi đầu ra không ổn định khiến người trồng dứa nhiều phen lao đao.

Ông Trần Văn Thuấn, Giám đốc Nông nghiệp Công ty TNHH MTV Bò sữa Thống Nhất, đơn vị đóng vai trò tổ sản xuất dứa cho nông dân thị trấn Thống Nhất cho biết, căn nguyên dẫn đến việc người trồng dứa gặp khó là do diện tích dứa không ngừng được mở rộng.

Thời gian đầu, việc chuyển từ cây mía sang trồng dứa cho hiệu quả kinh tế rất cao nên nhà nhà trồng dứa. Tuy nhiên, khi diện tích mở rộng, cung vượt cầu thì giá cả xuống thấp. Chỉ tính riêng dứa tại thị trấn Thống Nhất đã có 900 ha. Ngoài ra còn có khoảng 600 ha trồng tại Yên Giang (Yên Định) và một số xã của huyện Ngọc Lặc; huyện Hà Trung khoảng 700 ha; Thạch Thành hiện 500 ha; Bỉm Sơn 630 ha.

Theo thống kê, Thanh Hóa hiện có trên 3,3 nghìn ha dứa, diện tích đang có xu hướng tăng nhưng hiện không có nhà máy chế biến đóng chân trên địa bàn. Do không có mối liên kết bền vững với doanh nghiệp, người trồng dứa Thanh Hóa đang phải đối mặt với quy luật tất yếu của thị trường: Được mùa rớt giá.

16-47-47_3
Dứa là cây giàu tiềm năng ở Thanh Hóa nhưng chưa đem lại hiệu quả như mong đợi.

Theo bà Đỗ Thị Phiến, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạch Thành, có thời điểm, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Ninh Bình vào đặt vấn đề ký hợp đồng thu mua dứa cho nông dân. Tuy nhiên, vì giá thu mua thường thấp hơn thị trường nên nông dân không mặn mà. Bà Phiến cho rằng, để ổn định giá cả và đem lại lợi nhuận cho nông dân, việc thu hút đầu tư một nhà máy chế biến dứa trong thời gian tới là điều hết sức cần thiết.

Đại diện Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, mặc dù người trồng dứa Thanh Hóa đã có ý thức trồng rải vụ và thu hoạch cuốn chiếu nhưng thời điểm đầu vụ, tư thương thu mua chưa ít nên giá dứa thường thấp. Giá dứa thường cao khi nhu cầu tăng lên, nhất là vào mùa hè. Trước tình hình giá dứa những năm qua xuống thấp, Thanh Hóa đã liên hệ với một số siêu thị, đơn vị thu mua nhưng tình hình cũng không mấy khả quan.

Xem thêm
Rau quả Việt Nam có cơ hội ở Thụy Điển nhờ khác biệt mùa vụ

Thụy Điển là thị trường có tiềm năng lớn với rau quả Việt Nam, do thị trường này nhập khẩu rau quả với khối lượng lớn và sự khác biệt về mùa vụ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Syngenta hỗ trợ xây trường học và nhà ở cho hộ nghèo

ĐẮK LẮK Syngenta Việt Nam hỗ trợ xây nhà ở cho 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn và 1 điểm trường tại xã Tân Tiến và Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk).