| Hotline: 0983.970.780

Đi dọc vùng bãi ngang

Vựa rau nức tiếng ở nơi chỉ có nắng, gió và cát

Thứ Bảy 15/10/2022 , 08:15 (GMT+7)

NGHỆ AN Giữa vùng đất chỉ có nắng, gió và gió, các loại rau màu mỏng manh tưởng chừng khó trụ vững, nhưng lại 'đẻ' ra tiền, sản phẩm chinh phục khắp trong Nam ngoài Bắc.

Empty

Từ một vùng đất cát bãi ngang cằn cỗi, nông dân Quỳnh Minh đã "xanh hóa" thành vùng chuyên canh rau màu, từng bước áp dụng công nghệ cao. Ảnh: Việt Khánh.

Nơi 95% nông dân trồng rau màu

Bài liên quan

Nói về hành trình "xanh hóa" đất cát vùng bãi ngang ở huyện Quỳnh Lưu, những người tường tận quả quyết rằng, không ai nắm chắc và "nằm lòng" câu chuyện kỳ diệu này hơn ông Hồ Diên Vỹ, thành viên chủ chốt của HTX Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Minh, đồng thời là Phó Chủ tịch UBND xã này.

Vốn là dân nông nghiệp nên khi bàn đến lĩnh vực này, ông Vỹ tỏ rõ sự hứng khởi, bao nhiêu cảm xúc cứ thế tuôn trào. Theo ông Vỹ, Quỳnh Minh là xã bãi ngang với trên 5.000 nhân khẩu, diện tích tự nhiên 406ha nhưng quỹ đất chuyên sản xuất hoa màu chiếm gần phân nửa.

“Quỳnh Minh lúc này phát triển đa ngành nghề nhưng trồng màu luôn là chủ đạo, thị trường có rau gì Quỳnh Minh có rau đó. 95% dân số chúng tôi đều trồng màu, đây là nguồn thu nhập chính của bà con nông dân, giàu có thì chưa dám bàn nhưng nghề này tạo thu nhập khá ổn định, mức sống ở khu vực nông thôn như thế là chấp nhận được”.

Empty

Ông Hồ Diên Vỹ kể về hành trình đưa vùng đất cát bãi ngang xã Quỳnh Minh thành vựa rau nức tiếng. Ảnh: Việt Khánh.

Để hạn chế rủi ro và nâng cao thu nhập cho bà con, HTX đã có kế hoạch bài bản, phù hợp tình hình thực tế cũng như nhu cầu của thị trường. Từ đó, phải gieo trồng đúng với cơ cấu thời vụ, tranh thủ tiết trời khô thoáng của vụ xuân, Quỳnh Minh ưu tiên bố trí 120 – 140ha để trồng màu, riêng hành hoa, hành lá phủ kín phần lớn diện tích. 2 loại này dễ trồng nhưng đặc tính chung là khá “đỏng đảnh”, gặp sự cố bất thường về thời tiết, thiên tai rất dễ mất trắng, nhưng tránh được ngập úng thì nhà nông chắc mẩm thắng lớn.

Xuất phát từ đặc tính đó, từ cuối thu hàng năm, người Quỳnh Minh đã chủ động giảm mạnh diện tích trồng hành, cơ bản chỉ duy trì khoảng 30 - 40ha, ngược lại dành đến 120ha “đất vàng” dành để gieo trồng đa dạng rau, củ, cứ thế luân phiên gối vụ, tâm thế luôn sẵn sàng đáp ứng theo thị hiếu của thị trường.

Rau màu Quỳnh Minh đa dạng về chủng loại, sản lượng đủ lớn để cung ứng, kết hợp thêm chất lượng đã được kiểm chứng từ lâu, cứ thế thương hiệu không ngừng được bồi đắp. Quá trình canh tác, kinh doanh thuận lợi đã tạo ra bước chuyển rõ rệt. Khi đời sống được đảm bảo, đã thôi thúc nông dân nơi đây làm lớn, nghĩ lớn.

Cái hay từ cách trồng màu của Quỳnh Minh là phù hợp với điều kiện của người dân địa phương. Cánh thanh niên sức dài vai rộng chẳng cần bàn đến, ngay cả người luống tuổi, vốn dĩ không phù hợp với những công việc thiên về tay chân cũng biết cách tạo ra sự khác biệt. Đơn cử như Cựu chiến binh Hoàng Nhân, trú tại xóm 3, trên quỹ đất chỉ chừng 1 sào thôi, ông chỉ chuyên tâm sản xuất giống (bắp cải, súp lơ, su hào) để cung cấp cho những địa bàn như các huyện Nghi Lộc, TP Vinh, Diễn Châu. Ông Nhân còn kết hợp thêm trồng hành truyền thống, giúp ổn định nguồn thu cho 2 ông bà với thu nhập 50 - 70 triệu đồng/năm dễ như trở bàn tay.

Empty

Chỉ với vỏn vẹn 1 sào đất cát (500m2), ông Hoàng Nhân đã có thu nhập dễ dàng từ 50 - 70 triệu đồng/năm. Ảnh: Việt Khánh.

Đánh giá thực tâm xuyên suốt hành trình đã qua những lời trên không hề khoa trương, trái lại càng khẳng định chủ trương, đường lối hoàn toàn đúng đắn của cấp chính quyền xã Quỳnh Minh. Đành rằng Quỳnh Minh đang sở hữu trong tay “thương hiệu vàng” cùng một Hợp tác xã (HTX) kiểu mẫu đáng ngưỡng mộ, được xem là điểm sáng của toàn tỉnh Nghệ An nhưng đâu biết rằng thành quả hôm nay là sự kết tinh, hun đúc từ chính sức mạnh đôi tay cùng trí óc sáng tạo vô tận của những con người dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đối mặt với thách thức, gian nan.

“Bất lợi của Quỳnh Minh là không có cảng cá, người dân muốn kinh doanh ngành nghề thủy sản đa phần phải hùn vốn, hợp tác với người vùng khác, đó quả thực là lực cản. Tuy nhiên cái khó không thể bó cái khôn, nhận thấy điều kiện tự nhiên phù hợp, chúng tôi kiên định phát triển trồng màu, qua đó từng bước nâng tầm quy mô và chất lượng theo hướng hàng hóa, liên kết bền vững. Tính bình quân, một ha rau màu mang lại cho người dân Quỳnh Minh 420 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người 40 – 50 triệu đồng/năm”, ông Hồ Diên Vỹ cho biết.

Có một HTX kiểu mẫu, mỗi thành viên đóng 500 triệu đồng

30 năm về trước, xã Quỳnh Minh có đến 3 mô hình HTX, 1 làm nông nghiệp, 2 làm muối. Thời kỳ này khó khăn đủ bề, động đến đâu vướng đến đó, không bắt nhịp được với vòng xoay của thời cuộc. Thành thử các HTX càng duy trì càng bi đát, niềm tin của xã viên cứ thế rơi rụng dần, rốt cuộc phải giải thể đồng loạt.

Gắn bó từ thuở còn sơ khai, bản thân ông Hồ Diên Vỹ thực sự cám cảnh với thực trạng lúc bấy giờ. Ôm tâm tư nặng trĩu đằng đẵng nhiều năm trời khiến thâm tâm ông bứt rứt không thôi. “Nghề trồng màu ở Quỳnh Minh hình thành lâu lắm rồi, từ ngày cơ sở hạ tầng còn sơ sài, trang thiết bị còn thiếu thốn, chưa có cả điện đường, lắm hôm trời đêm nhá nhem, tối đen như hũ nút bà con phải dò dẫm, lúi húi gánh nước từ xa tít về tưới cho từng luống rau, không nhàn như bây giờ. Năm 1993, Quỳnh Minh mới chính thức có điện chiếu sáng, kể từ đây đời sống, sinh hoạt thường nhật của nông dân mới đỡ cơ cực phần nào.

Empty

HTX Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Minh thay da đổi thịt không ngừng sau 12 năm. Ảnh: Việt Khánh.

"Mãi đến năm 2009, tôi khi đó là Trưởng Ban nông nghiệp xã cùng các thanh viên khác đã mạnh dạn tham mưu trình hồ sơ, tiến tới thành lập HTX kiểu mới, một năm sau đã được tỉnh chấp thuận. Những ngày đầu không hề giản đơn nhưng bằng nỗ lực, quyết tâm của mỗi thành viên, HTX Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Minh đã không ngừng thay da đổi thịt, từng bước vươn mình trở thành điểm sáng của ngành nông nghiệp”, ông Hồ Diên Vỹ hồ hởi.

Nói thì dễ nhưng để làm được là cả câu chuyện dài kỳ, để trụ vững không thể khoác lên mình chiếc áo sờn cũ, ngược lại phải nghĩ cách thoát ra khỏi tình cảnh “bình mới rượu cũ”.

Năm 2017, HTX chủ động xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn với đa dạng các loại cây trồng, đặc biệt là 30ha áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Đến năm 2019, HTX mạnh dan mở rộng thêm 15ha trồng khoai tây công nghệ cao, mục tiêu nhằm giảm tải cho các mặt hàng khác, đồng thời giải quyết tình trạng được mùa mất giá. Mô hình hiệu quả tất sẽ có nhiều người theo, đó là lý do vì sao số thành viên của HTX đến nay đã lên đến con số 960.

20220923_094628

Rau màu Quỳnh Minh chinh phục được nhiều thị trường khắp trong Nam ngoài Bắc. Ảnh: Việt Khánh.

Không chạy theo số đông, có toan tính, biết chọn lọc, chẳng khó lý giải khi rau màu Quỳnh Minh tạo dựng được chỗ đứng riêng biệt. Tính toán sơ bộ, hàng năm Quỳnh Minh xuất ra thị trường hơn 12.000 tấn rau, củ các loại, điểm đến rất đa dạng, từ TP Vinh (Nghệ An) ra tới Thanh Hóa, Hà Nội, rồi ngược vào Huế, Đà Lạt… 

“Mỗi giai đoạn mỗi khác, nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng đang thay đổi rõ rệt, họ chú trọng về chất thay vì lượng như trước đây. Nắm bắt được điều đó, HTX Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Minh xác định phải có những bước chuyển căn cơ, chủ trương tập trung vào những mặt hàng có giá trị. Bên cạnh đó, việc lựa chọn đối tác phân phối cũng khắt khe hơn, dễ dãi thái quá sớm muộn cũng đánh mất thương hiệu mà thôi”, ông Vỹ chia sẻ thêm.

Năm 2019, ông Vỹ đã manh nha làm mô hình nhà lưới ứng dụng công nghệ cao trên quỹ đất 3,5ha, tứ bề nhìn đâu đâu cũng chỉ có phi lao và cát trắng. Bởi thế khi bàn đến đa phần đều lắc đầu tắp lự, cố gắng lắm ông Vỹ mới thuyết phục được 19 thành viên trong HTX. Quả thật người dám nghĩ là người có thể làm việc lớn, chính những nông dân quanh năm quần quật với ruộng đồng, mạnh bạo góp vốn lên đến 500 triệu đồng/thành viên ngày ấy đang được thụ hưởng những thành quả ngọt ngào nhất từ mô hình nhà lưới ứng dụng công nghệ cao của HTX.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.