| Hotline: 0983.970.780

Vựa vải thiều Hải Dương nguy cơ mất mùa vải chính vụ

Thứ Tư 10/04/2019 , 11:50 (GMT+7)

Thời tiết bất lợi, cây vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) có tỷ lệ đậu quả chỉ đạt dưới 30%, thậm chí có xã mất trắng. Người dân chỉ biết ngóng vào nguồn thu từ cây vải sớm để kéo lại.

Cả vườn đậu 3 chùm vải

Xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà là địa phương có truyền thống trồng cây vải từ nhiều năm nay. Nhưng theo người dân, dù kinh nghiệm có dày tới đâu, vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.

Chùm vải thiều hiếm hoi trong vườn vải của một hộ dân xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà

Ông Lê Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bính cho biết, địa phương hiện có 289ha vải. Trong đó, diện tích vải sớm trên 200ha, vải thiều chính vụ còn khoảng 20ha.

Theo tính toán của xã Thanh Bính, vụ này những ai trồng vải thiều coi như mất trắng bởi tỷ lệ đậu quả chỉ dưới 10%. Không đâu xa, ngay như nhà ông Hải là một ví dụ điển hình.

Trong vườn nhà ông Hải có những cây vải cổ thụ 50 năm tuổi, hằng năm ra hoa, đậu quả đều đặn. Nhưng năm nay, đi mỏi chân đếm cả vườn được đúng 3 chùm vải đang đậu quả li ti như đầu ngón tay út.

Theo người dân, nguyên nhân cây phân hoá thành lộc chứ không ra hoa đậu quả là do thời tiết bất lợi

Giữa trưa nắng, ông Vũ Văn Mùi (64 tuổi), thôn Hạ Vĩnh, xã Thanh Bính vẫn đội mũ cối, phăm phăm dẫn chúng tôi đi thăm vườn vải. Đi cả vườn vải thiều, ông Mùi cho biết, duy nhất một cây cho đậu được vài chùm quả. "Nguyên nhân thì do thời tiết là chính. Nhà tôi cũng áp dụng kỹ thuật như mọi năm mà không được".

Cũng theo ông Mùi, không chỉ vải thiều, cây vải sớm của gia đình ông có tỷ lệ đậu quả cũng thấp, chỉ bằng 40% năm 2018. Ông Mùi khẳng định, một phần cũng do chủ quan. Với thời tiết bất thuận như vừa qua, nếu nhà nào cẩn thận, tiến hành khoanh cây 3 – 4 lần, tỷ lệ ra hoa, đậu quả sẽ cao hơn.
 

Trông chờ cây vải sớm

Với thực tế hiện nay, người dân Thanh Bính nói riêng, huyện Thanh Hà nói chung đang chỉ biết trông chờ vào cây vải sớm. Ông Lê Văn Hải khẳng định, mặt bằng chung, diện tích cây vải sớm cho quả là thấp nhưng vẫn đạt 70% so với 2018. Nếu như 2018, vải sớm cho sản lượng 3.500 tấn thì năm nay dự kiến sẽ đạt 2.200 tấn, phấn đấu đạt 2.500 tấn.

Dù người dân đã tiến hành khoanh cây như mọi năm nhưng cây vải thiều vẫn mất mùa

Vị này khẳng định, vải vẫn là cây trồng chủ lực của địa phương khi có tới 100% số hộ dân tham gia. Năm 2018, cây vải mang về cho người dân Thanh Bính khoảng 52,2 tỷ đồng. Tới nay, Thanh Bính đã có gần 80ha vải được cấp chứng nhận VietGAP. 100% các hộ trồng vải đều đã áp dụng kỹ thuật sản xuất theo hướng VietGAP.

Nói về cán cân giữa vải sớm và vải thiều, bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thanh Hà cho biết, thời gian qua có việc một số người dân chặt vải thiều để trồng vải sớm. Tuy nhiên, với những vùng vải VietGAP đã quy hoạch để xuất khẩu thì người dân không được tự ý thay thế.

Theo ông Hải, cán cân giữa vải sớm và vải thiều cứ lệch dần do vải sớm ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết hơn, năng suất trội hơn, thu hoạch sớm nên được giá hơn. Tuy nhiên, xã vẫn giữ lại một diện tích vải thiều bởi đây là giống gốc, là đặc sản vùng miền không thể thiếu.

"Chúng tôi đang tích cực hướng dẫn người dân chăm sóc các diện tích vải sớm đã đậu quả. Đồng thời động viên người dân đừng quá lo lắng, theo quy luật thị trường, dự báo năm nay giá vải sẽ tăng cao, bù lại sản lượng thâm hụt do thời tiết", ông Hải chia sẻ.
 

Vẫn sẽ có "Lễ hội vải thiều"

Trao đổi với NNVN, bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thanh Hà cho biết, diện tích vải sớm đã đậu quả đang sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, với cây vải thiều chính vụ tỷ lệ đậu quả toàn huyện chỉ dưới 30%. "Nếu cây vải ra hoa gặp thời tiết lạnh, khô thì sẽ đậu quả rất cao. Nhưng năm nay thời tiết ít lạnh, ra Tết có lạnh nhưng kèm mưa phùn nên cây phân hoá thành lộc hết mà không ra hoa, đậu quả", bà Lan giải thích.

Tuy nhiên, theo bà Lan, người dân không nên quá lo lắng, bởi theo quy luật những năm trước đây, thị trường tự đẩy giá trị quả vải nên cao do thiếu hụt nguồn cung.

Bù lại, diện tích vải sớm cho tỷ lệ đậu hoa khá, người dân đang tích cực chăm sóc chờ ngày thu hoạch

Bà Lan khẳng định, việc người dân cần làm hiện nay là tập trung chăm sóc những diện tích đã ra hoa, đậu quả thật tốt. Thời gian qua, Phòng NN-PTNT huyện thường xuyên phối hợp các xã tập huấn, khuyến cáo người dân quan tâm tới phòng trừ sâu bệnh. "Chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, dự kiến tới đây sẽ vẫn tổ chức Lễ hội vải thiều. Song song với đó là đem quả vải Thanh Hà đi nhiều địa phương để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Về xuất khẩu, chúng tôi dự kiến vẫn xuất khẩu đi một số thị trường khó tính như Úc, Mỹ, Canada, Pháp hay Singapore…", bà Lan thông tin.

Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, sản lượng vải của năm nay dự kiến đạt khoảng 32.000-33.000 tấn, bằng một nửa so năm 2018. Hải Dương đã chủ động, tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải.

 

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 11 tháng đạt gần 235 triệu USD

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

DT Group nhận giải thưởng Sao Vàng đất Việt

Khánh Hòa Việc DT Group được vinh danh với giải thưởng Sao Vàng đất Việt đã khẳng định cho những nỗ lực không ngừng nghỉ, uy tín và chất lượng của thương hiệu rong nho.