| Hotline: 0983.970.780

Vực dậy ngành nuôi biển Quảng Ninh: [Bài 3] Niềm tin với biển cả

Thứ Tư 23/10/2024 , 06:30 (GMT+7)

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tin tưởng, với quyết tâm 'sống vì biển, làm giàu từ biển', các doanh nghiệp, HTX, hộ nuôi trồng thủy sản sẽ sớm vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.

Trận bão số 3 (Yagi) khiến ngành thủy sản Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề, tập trung ở 3 địa phương có nhiều hộ nuôi biển là Vân Đồn, Cẩm Phả và Quảng Yên. Cơn bão đến không chỉ cuốn đi lồng bè, thủy hải sản đang nuôi trồng, mà còn thổi bay cả "sổ đỏ" của biết bao nhà nuôi biển.

Trắng tay và nợ nần, chán nản cùng tuyệt vọng là tình cảnh của nhiều người nuôi biển sau bão. Nhưng rồi họ đã xốc lại tinh thần để làm lại từ đầu, phải quyết tâm bám biển, lấy lại những gì đã mất từ biển.

Bà con ngư dân Quảng Yên đóng lại bè, chuẩn bị xuống giống hàu vụ mới. Ảnh: Cường Vũ.

Bà con ngư dân Quảng Yên đóng lại bè, chuẩn bị xuống giống hàu vụ mới. Ảnh: Cường Vũ.

Làm lại từ đầu

1 tháng sau bão, anh Trần Văn Tuấn, trú xã Hoàng Tân (Quảng Yên) đã bắt tay vào công việc đóng lại lồng bè bị đánh tan. Anh Tuấn bảo, đây chính là thời điểm thích hợp nhất để xuống giống vụ mới, khi nhiệt độ và khí hậu mát mẻ. Bởi nếu muộn hơn, nước lạnh, hải sản chậm lớn, hiệu quả kinh tế sẽ giảm đi. 

"Các chính sách hỗ trợ lúc này là rất kịp thời. Ngay sau khi được ngân hàng hỗ trợ vay vốn 500 triệu đồng, tôi đã mua ngay cá để tái sản xuất, đồng thời gia cố các bè mảng, cố gắng vực dậy, làm lại từ đầu", anh Tuấn chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Văn Công, trú phường Hoàng Tân (Quảng Yên), bão số 3 khiến toàn bộ bè nuôi hàu sắp thu hoạch của gia đình bị mất hết, ước tính thiệt hại khoảng hơn 2 tỷ đồng. Thiệt hại quá lớn nhưng anh Công không nản chí, hàng ngày vẫn cặm cụi nhặt nhạnh từng thanh tre, mảng gỗ để thêm thắt vào đóng lại bè mới, quyết tâm vực dậy nghề nuôi biển "gia truyền". 

Ngành thủy sản tại TX Quảng Yên chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ngành thủy sản tại TX Quảng Yên chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ở huyện Vân Đồn, "thủ phủ" của nghề nuôi biển, anh Phạm Văn Thân là một trong 5 hộ dân đầu tiên được huyện Vân Đồn ra quyết định giao biển với diện tích 5.000m2. Khu vực đang nuôi cá lồng bè của gia đình anh Thân nằm trong phạm vi 3 hải lý tính từ đường triều kiệt và thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của huyện theo điểm a, khoản 2, điều 44 của Luật Thủy sản.

"Trận bão số 3, 280 ô lồng nuôi cá của gia đình bị bão đánh sập gần hết. Nhìn cảnh hoang tàn lúc đó thật sự gia đình không còn thiết tha làm ăn gì nữa. Nhưng được sự động viên của địa phương, lại được UBND huyện Vân Đồn giao khu vực nuôi trồng thủy sản, tôi có thêm động lực để tái thiết sản xuất sau bão. Nếu như nhà ở trên đất liền là sổ đỏ thì với những hộ nuôi trồng dưới biển như chúng tôi, quyết định giao biển cũng chính là căn cứ để chúng tôi yên tâm đầu tư và vay vốn phát triển nuôi trồng", anh Thân phấn chấn nói và tin rằng nếu công việc "thuận buồm xuôi gió" thì chỉ 2 năm bà con có thể vực dậy, trả nợ được ngân hàng.

Không chỉ tại Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh cũng đã bắt tay vào khôi phục sản xuất. Đến nay đã có khoảng 35% cơ sở trên địa bàn tỉnh xuống giống nuôi hàu. Trong thời gian tới, số cơ sở nuôi thủy sản khôi phục sản xuất sẽ tăng dần nếu được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để có nguồn lực vực dậy, tiếp tục tái thiết sản xuất sau bão. 

Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết: Đến ngày 15/10, huyện đã cơ bản giao cho các hộ dân có nhu cầu tái thiết sản xuất với trên 6.000ha khu vực biển trên địa bàn. Toàn huyện đã có 50% số lồng bè nuôi cá được các hộ khôi phục trở lại so với thời điểm trước bão số 3 và đã trên 50 hộ xuống giống gần 300ha hàu. Còn lại các hợp tác xã, hộ dân khác cũng đang khẩn trương sắp xếp lại vùng nuôi, tiến hành thả phao và xuống giống khi có đủ các điều kiện. Đối với diện tích ngoài 3 hải lý, huyện cũng đã xác nhận khu vực biển cho các hộ dân, đơn vị.

Theo ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên, để đảm bảo sinh kế cũng như an sinh xã hội trên địa bàn, nhất là đối với các hộ nuôi trồng thủy sản, Quảng Yên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hỗ trợ tối đa các hộ phục hồi sản xuất. Trong đó, thị xã đã làm việc với các ngân hàng trên địa bàn để rà soát, tiến hành gia hạn, khoanh nợ cho các trường hợp khách hàng trên địa bàn bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 vừa qua có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay mới phục hồi sản xuất.

"Sau Vân Đồn, Quảng Yên cũng đã tiến hành trao quyết định giao khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển cho các hộ dân đầu tiên, khẳng định sự đồng hành của chính quyền địa phương và cam kết luôn hỗ trợ cùng ngư dân tháo gỡ khó khăn, sớm khôi phục hoạt động nuôi trồng thủy sản vốn là thế mạnh của Quảng Yên trong nhiều năm qua", ông Thắng nói.

Người nuôi trồng thủy sản huyện Vân Đồn đã thả cá giống để bắt đầu vụ sản xuất mới. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người nuôi trồng thủy sản huyện Vân Đồn đã thả cá giống để bắt đầu vụ sản xuất mới. Ảnh: Nguyễn Thành.

Niềm tin vào biển

Để ngành thuỷ sản, đặc biệt là nuôi biển phục hồi sau những thiệt hại do bão số 3 gây ra, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã liên tục có những buổi làm việc với khối chính quyền, bà con nhân dân và các tổ chức tín dụng trên địa bàn, đề nghị đồng hành, triển khai gấp các giải pháp hỗ trợ cho hộ nuôi trồng thủy sản. 

"Việc cần nhất lúc này là các tổ chức tín dụng khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất, cho vay mới… đối với các hộ nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại do bão. Bên cạnh đó tỉnh đã kiến nghị lên Chính phủ đề nghị sửa đổi một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp, chưa có tiền lệ để giúp người dân, doanh nghiệp vượt khó sau bão", ông Huy cho hay. 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tin tưởng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm "sống vì biển, làm giàu từ biển", các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh sẽ sớm vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất một cách bền vững.

Người dân tích cực sửa chữa cơ sở hạ tầng để tái sản xuất. Ảnh: Cường Vũ.

Người dân tích cực sửa chữa cơ sở hạ tầng để tái sản xuất. Ảnh: Cường Vũ.

"Tin rằng với niềm tin, ý chí, sự quyết tâm tái thiết sản xuất và kinh nghiệm của người dân, với sự đồng hành của các cấp chính quyền và tổ chức xã hội, sự sẻ chia từ những chính sách hỗ trợ thiết thực, những khó khăn do thiên tai sẽ qua, sản xuất thuỷ sản Quảng Ninh sẽ trở lại bài bản, bền vững, giá trị cao, góp phần phát triển kinh tế thuỷ sản chung trên toàn tỉnh", ông Huy nhấn mạnh. 

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Agribank, cho biết, sau cơn bão số 3, ngành lâm, thủy sản tại Quảng Ninh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tỉnh Quảng Ninh và nhiều tổ chức hội, hiệp hội ngành thủy sản đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp và người nuôi thủy sản sớm ổn định sản xuất. Trong đó, ngành Ngân hàng tăng quy mô chương trình tín dụng ưu đãi lĩnh vực lâm, thủy sản lên 60.000 tỷ đồng là giải pháp cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục hồi sản xuất kinh doanh.

"Giữa tháng 9/2024, toàn ngành Ngân hàng đã giải ngân chương trình tín dụng ưu đãi lâm, thủy sản đạt 36.000 tỷ đồng, vượt 6.000 tỷ đồng so với quy mô 30.000 tỷ đồng được bổ sung hồi tháng 2/2024. Trong đó, Agribank dẫn đầu giải ngân cho vay với 7.183 tỷ đồng tới hơn 5.000 lượt khách hàng. Việc bổ sung thêm quy mô chương trình tín dụng lâm, thủy sản tại thời điểm này nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn trong thời điểm cuối năm", ông Ấn thông tin. 

Với gần 3.000 cơ sở nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh Quảng Ninh đã bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3 vừa qua. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng những người ngư dân vẫn vươn lên mạnh mẽ, khôi phục sản xuất ngay sau bão qua đi. Hiện thủy sản là lĩnh vực thế mạnh, có đóng góp quan trọng lên tới 50% trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Xem thêm
Nuôi cá đặc sản trên sông Kiến Giang

QUẢNG BÌNH Nhánh sông Kiến Giang chảy qua trước làng Phú Ninh đã được bà con tận dụng phát triển nghề nuôi cá chình cho thu nhập cao.

Dẹp ngư cụ cấm, đánh bắt kiểu tận diệt

Để việc đánh bắt thủy sản được bền vững, ngoài việc thả tôm cá tái sinh, Đồng Nai đang mạnh tay dẹp bỏ ngư cụ cấm và hỗ trợ tiền chuyển đổi cho người dân.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.

Bình luận mới nhất