| Hotline: 0983.970.780

Vực dậy tre, luồng xứ Thanh

Thứ Tư 02/03/2016 , 13:15 (GMT+7)

UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Kế hoạch phát triển tre, luồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến 2030, với tổng nguồn lực “kích cầu” lên đến 1.466 tỷ đồng.

Để khắc phục tình trạng thoái hóa tre, luồng ở các huyện phía tây, giữ ổn định diện tích, tăng sản lượng của cây trồng chủ lực này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Kế hoạch phát triển tre, luồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến 2030, với tổng nguồn lực “kích cầu” lên đến 1.466 tỷ đồng.

Lao dốc

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích tre, luồng lớn nhất cả nước với hơn 152.000 ha (chiếm 13,72% tổng diện tích đất tự nhiên); trong đó diện tích tre nứa thuần loài 79.492 ha; rừng tre hỗn giao với gỗ 1.761 ha; diện tích luồng hơn 71.000 ha. Phần lớn diện tích trên tập trung tại các huyện nghèo miền núi phía tây như Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân..., nếu khai thác tối đa có thể đạt gần 94 triệu cây/năm, gồm 42 triệu cây luồng và 52 triệu cây tre khác.

Hàng chục năm nay, tre, luồng được xem là cây trồng chủ lực xóa đói giảm nghèo và chiếm đến 50%, thậm chí 70 - 80% tổng thu nhập của người dân nơi đây. Tuy nhiên, giá trị cây luồng hiện rất thấp khiến người nông dân không còn mặn mà.

Ông Lê Văn Đốc, PGĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa nhấn mạnh: “Giá bán luồng trung bình hiện chỉ đạt 1.100đ/kg, thấp hơn rất nhiều so với giá bán tầm vông tại Lâm Đồng (4.500đ/kg), cây mao trúc (moso) tại Trung Quốc (2.800đ/kg). Mức thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích chỉ đạt 6 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế thấp như vậy nên cũng dễ hiểu vì sao không ít hộ dân phá luồng chuyển sang trồng các cây khác”.

Ông Đốc phân tích, nguyên nhân do người dân chưa có điều kiện đầu tư thâm canh, việc khai thác tràn lan, ồ ạt, không tách lọc luồng già để chặt mà khai thác cả luồng non làm rừng luồng xuống cấp rất nhanh. Hơn nữa, đất trồng luồng vốn là đất đồi núi, mỗi gốc trồng xuống khai thác trong hàng chục năm gây xói mòn, bạc màu đất, vì thế bây giờ phải chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp khác để khai thác hết tiềm năng đất đai.

Anh Đoàn Văn Sỹ ở xã Lương Trung, huyện Bá Thước cho hay, gia đình anh có 5 ha luồng được trồng từ những năm 1990. Năm 2011, vì rừng luồng bắt đầu thoái hóa, hiệu quả kinh tế thấp nên chuyển sang trồng mía.

“Trước đây luồng là thu nhập chính của gia đình nhưng do cây bị sâu bệnh phá hoại, còi cọc, giá bán lại thấp nên tôi phải phá đi để trồng cây khác. Bây giờ thu nhập từ cây mía tuy không giàu nhưng cũng cao hơn luồng nhiều lần”, anh Sỹ nói.

Trên cơ sở kế hoạch đã xây dựng, từ nay đến 2020, định hướng đến năm 2030 Thanh Hóa dự kiến huy động hơn 1.466 tỷ đồng xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân tham gia phát triển lĩnh vực tre luồng trên địa bàn.

Được biết, quá trình khảo sát tại 5 huyện trọng điểm trồng luồng của tỉnh cho thấy, có tới 67,6% số hộ gia đình có rừng luồng bị thoái hóa; 79,6% số hộ có diện tích bị sâu bệnh. Trong khi đó, người dân chưa quan tâm đến việc chăm sóc rừng luồng, tỷ lệ số hộ bón phân cho luồng mới đạt 14,1%.

Phát triển bền vững tre, luồng

Để vực dậy cây trồng chủ lực này, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng phương án phát triển và quản lý diện tích tre, luồng theo hướng bền vững với 6 mục tiêu cụ thể, gồm: Phấn đấu đến năm 2020 thâm canh gần 30.000 ha tre luồng, sản lượng khai thác 0,92 triệu tấn/năm; năm 2030 diện tích thâm canh đạt 57 nghìn ha, sản lượng khai thác đạt 1,75 triệu tấn luồng/năm. Tập huấn, chuyển giao công nghệ cho 11.000 người dân trồng luồng và hơn 430 lượt cán bộ khuyến nông tại các huyện.

Năm 2020, phát triển 5 nhà máy sản xuất tre luồng với công suất trung bình 70.000 tấn sản phẩm/nhà máy/năm và 100 doanh nghiệp vệ tinh cung cấp nguyên liệu thô cho nhà máy, doanh thu khoảng 3.500 - 4.000 tỷ/năm; đến năm 2030 có trên 10 nhà máy sản xuất và hệ thống 180 - 200 doanh nghiệp vệ tinh, doanh thu đạt 9.000 - 10.000 tỷ/năm.

Mục tiêu tiếp theo là củng cố, phát triển 50 - 55 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đến năm 2020 doanh thu từ ngành hàng này đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Đồng thời tạo công ăn việc làm cho 4.000 lao động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến tre luồng và 6.000 lao động trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ, nâng mức thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng lên 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Cuối cùng là năm 2020, nâng giá thu mua nguyên liệu tăng thêm từ 1 - 1,5 lần so với giá hiện nay.

Vậy giải pháp trọng tâm là gì? Ông Lê Văn Đốc thông tin, trước mắt Thanh Hóa sẽ thực hiện 4 kế hoạch với sự chỉ đạo, “cầm tay chỉ việc” của các sở ban ngành; UBND các huyện; một số doanh nghiệp lớn như Cty CP Công nông nghiệp Tiến Nông; Cty CP Mía đường Lam Sơn; các viện, trường...

“Có 15 dự án đề xuất ưu tiên thực hiện khi kế hoạch được phê duyệt, nổi bật như: Dự án phục tráng, thâm canh rừng luồng bền vững; mô hình nâng cao năng lực và thu nhập cho người trồng luồng; xây dựng hệ thống vườn ươm giống cây luồng; nghiên cứu sản xuất phân bón chuyên dùng thâm canh rừng luồng; lắp ráp dây chuyền sản xuất đũa tre xuyên mắt... Đây đều là những “chiếc phao” hứa hẹn vực dậy ngành tre luồng xứ Thanh trong thời gian tới”, ông Đốc nói.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.