| Hotline: 0983.970.780

Vực lại ngành mía đường xứ Tuyên

Thứ Năm 17/03/2022 , 07:05 (GMT+7)

TUYÊN QUANG Sau nhiều năm tụt dốc về diện tích và sản lượng, ngành mía đường Tuyên Quang đang có những tín hiệu tích cực khi vùng nguyên liệu đang dần được mở rộng trở lại.

Giữ chân người trồng mía

Đến giữa tháng 3/2022, Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương kết thúc vụ ép mía 2021 - 2202, tuy không phải là vụ ép thắng lợi nhưng vụ mía năm nay đánh dấu sự dần phục hồi của ngành mía đường Tuyên Quang.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương cho biết, dự kiến kết thúc vụ ép mía năm 2021 - 2022, tổng sản lượng mía nguyên liệu của Công ty đạt hơn 100.000 tấn và hơn 10.000 tấn đường kính trắng, lượng đường tồn kho gần như không còn.

Đến giữa tháng 3, vụ ép mía năm 2021 - 2022 của Công ty Cổ phần mía đường Tuyên Quang sẽ kết thúc. Ảnh: Đào Thanh.

Đến giữa tháng 3, vụ ép mía năm 2021 - 2022 của Công ty Cổ phần mía đường Tuyên Quang sẽ kết thúc. Ảnh: Đào Thanh.

Bài liên quan

Giá đường kính trắng đầu vụ đạt 17.000 đến 18.000 đồng/kg, đến nay giảm xuống còn 16.500 đến 16.600 đồng/kg. Với mức giá này, Công ty vẫn đảm bảo duy trì được mức thu mua mía nguyên liệu như cam kết với nông dân và dần phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như vùng nguyên liệu.

Cùng với khôi phục vùng mía nguyên liệu, niên vụ 2022 - 2023, Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương sẽ thực hiện thu mua mía với mức giá là 950 đồng/kg. Từ vụ thu hoạch mía 2022 - 2023 đến hết niên vụ 2024 - 2025, Công ty sẽ cam kết thu mua mía nguyên liệu với giá 1.000/kg và 1.130 đồng/kg với mía giống ngọn từ mía nguyên liệu; từ 1.350 đồng/kg với mía giống lấy từ vườn mía hè từ 6 đến 8 tháng tuổi.

Công ty cũng thực hiện định mức đầu tư với diện tích mía trồng mới, trồng lại là 35.000.000 đồng/ha và 20.000.000 đồng với mía lưu gốc; hỗ trợ chuyển đổi từ đất trồng cây hàng năm sang khác sang trồng mía là 3.000.000 đồng/ha; chuyển đổi từ đất đang trồng cây lâu năm sang trồng mía là 5.000.000 đồng/ha. Đối với ban chỉ đạo trồng mía cấp xã, sẽ được hỗ trợ 500 đồng/tấn; ban chỉ đạo trồng mía thôn sẽ được hỗ trợ 1.000 đồng/tấn...

Anh Đào Văn Đồng, người trồng mía ở thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương cho biết, giá mía nguyên liệu vụ ép vừa qua đã được điều chỉnh theo hướng tăng sẽ có lợi cho người trồng mía. Với giá 950 nghìn đồng/tấn thì 3,4 ha mía của gia đình anh ước thu khoảng gần 300 tấn, tổng thu nhập khoảng 270 triệu đồng. Nếu vụ mía 2022 - 2023, việc áp dụng mức giá thu mua mía nguyên liệu được thực hiện 1 triệu đồng/tấn, số tiền thu về từ trồng mía của gia đình anh sẽ cao hơn. Vì vậy, anh Đồng dự tính niên vụ mới này anh sẽ mở rộng diện tích mía trên đất vườn nhà.

Việc thu mua mía ổn định với mức giá 950.000 đồng/kg đã giúp ngành mía đường Tuyên Quang đang dần khởi sắc trở lại. Ảnh: Đào Thanh.

Việc thu mua mía ổn định với mức giá 950.000 đồng/kg đã giúp ngành mía đường Tuyên Quang đang dần khởi sắc trở lại. Ảnh: Đào Thanh.

Với tình hình nông dân tích cực quay lại với cây mía như hiện nay, dự báo vụ ép mía năm 2022 - 2023 của Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương sẽ tiếp tục khá hơn mọi năm, bởi đầu vụ trồng mới năm 2022 này, vùng nguyên liệu mía của Công ty dự kiến sẽ trồng mới từ 250 đến 300 ha, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu lên khoảng 2.200 ha (năm ngoái, vùng mía nguyên liệu giảm khoảng 500ha).

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương thừa nhận, việc khôi phục vùng nguyên liệu mía đường cũng gặp không ít khó khăn, bởi nhiều diện tích trồng mía trước kia người dân đã chuyển sang trồng cây ăn quả, cây rừng mà chu kỳ kéo dài trong nhiều năm. Cùng với đó, do những năm trước việc thu mua mía giá thấp, lại không kịp thời nên nhiều người dân vẫn còn tâm lý e ngại trong việc quay lại hoặc mở rộng vùng nguyên liệu.

Theo tính toán của Công ty, với quy mô và sản lượng của vùng nguyên liệu được duy trì như hiện nay, nếu giá đường kính trắng đạt 16.000 đồng/kg thì Công ty vẫn đảm bảo có lãi sau khi trừ các khoản chi phí, tuy nhiên nếu giá thấp hơn thì ngành mía đường sẽ lại tiếp tục gặp khó khăn.

Một khó khăn khác mà ngành mía đường Tuyên Quang gặp phải, đó là trong vụ ép 2021 - 2022 này, nhiều lò mật thủ công mua giá cao hơn nên đã xẩy ra tranh chấp vùng nguyên liệu với Công ty, trong khi Công ty đã ký hợp đồng cam kết và đầu tư giống, phân bón với người dân. Hiện tượng này rất cần có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương nhằm giúp giữ vững cam kết và diện tích vùng nguyên liệu cho Công ty.

Nhân rộng cánh đồng lớn

Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương đặt mục tiêu đến năm 2023 - 2024, diện tích vùng nguyên liệu đạt 4.800ha, năng suất trung bình đạt 72 tấn/ha và đến năm 2024 - 2025 diện tích vùng nguyên liệu sẽ đạt 6.000ha, năng suất trung bình đạt 80 tấn/ha.

Giá đường đang ở mức tốt, giúp nhà máy mua mía nguyên liệu cho nông dân. Ảnh: Đào Thanh.

Giá đường đang ở mức tốt, giúp nhà máy mua mía nguyên liệu cho nông dân. Ảnh: Đào Thanh.

Để đạt được mục tiêu này, ngoài các chính sách ưu đãi thu hút người trồng mía, việc nâng cao chất lượng giống để nâng cao năng suất, sản lượng, áp dụng mô hình cánh đồng lớn cũng như cơ giới hóa đã được công ty tập trung triển khai.

Hiện nay, 100% chương trình làm đất tại các cánh đồng mía của tỉnh Tuyên Quang đã áp dụng cơ giới hóa. Theo đó, Công ty đã duy trì 11 máy làm đất hỗ trợ bà con vùng nguyên liệu. Với những vùng Công ty không kịp hỗ trợ máy làm đất, sẽ hỗ trợ bà con 5 triệu đồng/ha để đầu tư làm đất.

Trong vụ ép 2022 - 2023, Công ty sẽ triển khai 5 mô hình cánh đồng lớn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó mô hình cánh đồng lớn tại xã Phú Lương, huyện Sơn Dương diện tích hơn 3ha; mô hình tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương diện tích 4ha; mô hình tại xã Tam Đa, huyện Sơn Dương, diện tích 3ha; mô hình tại xã Bình Xa, huyện Hàm Yên, hơn 5ha; mô hình tại xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa.

Hiện tại, các địa phương triển khai mô hình đã hoàn thành thủ tục ký kết với dân để cùng triển khai mô hình cánh đồng lớn theo phương châm cùng giống, cùng trà và cùng biện pháp canh tác. Đến nay, mô hình tại xã Phú Lương, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương các hộ dân đã hoàn thành việc rà soát, đăng ký xây dựng cánh đồng lớn. Tại 3 mô hình còn lại đang được triển khai và có sự đồng thuận nhất trí cao của bà con nông dân.

Niên vụ 2022 - 2023, ngành mía đường Tuyên Quang dự kiến sẽ mở rộng được thêm 300 ha mía nguyên liệu, đưa các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Ảnh: Đào Thanh.

Niên vụ 2022 - 2023, ngành mía đường Tuyên Quang dự kiến sẽ mở rộng được thêm 300 ha mía nguyên liệu, đưa các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Hầu Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Phú Lương, huyện Sơn Dương cho biết, hiện nay vùng mía nguyên liệu của xã là 95 ha, so với vụ trước thì vụ này vùng nguyên liệu tăng khoảng 10 đến 15 ha. Cùng với đó, năm nay là năm đầu tiên xã triển khai mô hình cánh đồng mía lớn với diện tích 3 ha, được bà con rất đồng tình hưởng ứng trồng giống mía Roc22. Chính quyền cũng như bà con mong muốn Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương thực hiện đúng cam kết về giá cũng như thời gian thu mua mía nguyên liệu. Như vậy, chắc chắn vùng nguyên liệu mía trên địa bàn sẽ ổn định và có thể mở rộng.

Việc thay đổi cơ cấu giống cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng được ngành mía đường Tuyên Quang chú trọng. Với những diện tích mía trồng mới trong niên vụ 2022 - 2023, chỉ trồng các giống mía KK3, LK9211.

Mới đây, Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương cũng thực hiện ký kết với trường Đại học Tân Trào triển khai làm mía nuôi cấy mô. Dự kiến trong niên vụ 2022 - 2023, Công ty sẽ triển khai trồng từ 5 đến 10ha giống mía nuôi cấy mô. Ưu điểm nổi bật của giống này là nhân nhanh được giống mía chất lượng tốt như KK3 sản xuất ra những cây giống thuần chủng, sạch bệnh, khỏe mạnh, sinh trưởng phát triển tốt

Với những giống truyền thống cho năng suất và trữ lượng đường tốt, cũng sẽ được phục tráng lại như giống Roc22, MI bởi trên nhiều diện tích đồng đất tại tỉnh Tuyên Quang chỉ có những giống này mới phù hợp để sinh trưởng đảm bảo năng suất và đạt độ đường cao.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.