| Hotline: 0983.970.780

Vực lại vựa cam Cao Phong: Tạo quỹ đất an toàn cho chu kỳ mới

Thứ Ba 17/10/2023 , 06:11 (GMT+7)

HÒA BÌNH Quy trình tạm thời tái canh cây ăn quả có múi giúp người trồng cam Cao Phong có cơ sở khoa học, tạo quỹ đất an toàn khi xuống giống chu kỳ mới.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Hòa Bình, vùng cam Cao Phong sau một chu kỳ phát triển sẽ già cỗi, phải trồng lại chu kỳ mới. Bên cạnh đó, do quá trình canh tác lâu năm, sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc BVTV hoá học đã khiến đất chai cứng, mất kết cấu, hệ vi sinh vật có ích trong đất nghèo nàn.

Việc xuống giống cam trong chu kỳ mới đang được hầu hết các vườn cam trong vùng lõi Cao Phong tiến hành theo quy trình tái canh cây ăn quả có múi rất chặt chẽ. Ảnh: Trung Quân.

Việc xuống giống cam trong chu kỳ mới đang được hầu hết các vườn cam trong vùng lõi Cao Phong tiến hành theo quy trình tái canh cây ăn quả có múi rất chặt chẽ. Ảnh: Trung Quân.

Tại nhiều vườn trồng, các đối tượng sâu, bệnh gây hại gia tăng, tích lũy mật độ và gây hại nghiêm trọng. Đặc biệt là các đối tượng gây hại ở bộ rễ của cây như rệp sáp giả, tuyến trùng ký sinh, nấm fusarium, nấm phytophthora... làm cây suy kiệt, tàn lụi sớm.

Do sinh vật gây hại ở dưới đất nên người sản xuất khó phát hiện, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng chống và thường áp dụng sai biện pháp xử lý. Điều này gây khó khăn cho công tác chỉ đạo sản xuất và việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cây ăn quả có múi.

Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hòa Bình cho biết, nhằm tái canh hiệu quả vựa cam Cao Phong nói riêng, các vùng cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh nói chung, Sở NN-PTNT Hòa Bình đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh xây dựng quy trình tạm thời hướng dẫn trồng tái canh và phòng chống các sinh vật gây hại trên cây ăn quả có múi.

Các biện pháp kỹ thuật tái canh cây ăn quả có múi được xây dựng trên cơ sở áp dụng kết quả các đề tài khoa học đã nghiệm thu; các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được công bố cũng như ý kiến của các nhà khoa học, viện nghiên cứu và những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của người sản xuất.

Bà Trần Thị Thoa (Khu 1, thị trấn Cao Phong) xuống giống cam chu kỳ mới với quy trình rất nghiêm ngặt. Ảnh: Trung Quân.

Bà Trần Thị Thoa (Khu 1, thị trấn Cao Phong) xuống giống cam chu kỳ mới với quy trình rất nghiêm ngặt. Ảnh: Trung Quân.

Theo đó, quy trình tái canh được thực hiện bài bản qua các bước: Xử lý tàn dư thực vật; luân canh cây trồng; xác định thành phần, mức độ tồn dư của các sinh vật gây hại trong đất khi kết thúc luân canh; chuẩn bị hố trồng và xử lý đất; chuẩn bị cây giống; theo dõi, xử lý sau trồng. Quy trình cũng phân tích, chỉ rõ biện pháp phòng bệnh và kỹ thuật phục hồi vườn cây ăn quả có múi có hiện tượng vàng lá thối rễ...

Rảo quanh vùng lõi trồng cam của huyện Cao Phong, hầu hết các diện tích đã hết chu kỳ khai thác, thay vì chặt bỏ cây già cỗi, trồng mới hoặc trồng xen cây non ngay lập tức như trước đây, người dân đã áp dụng nhiều biện pháp cải tạo đất trước khi gieo trồng.

Bà Trần Thị Thoa (Khu 1, thị trấn Cao Phong) đang chăm sóc vườn cam mới xuống giống được 10 ngày phấn khởi cho biết, gia đình có 3.000m2 trồng cam (190 gốc). Đến cuối năm 2020, sau 14 năm khai thác, vườn cam của gia đình đã có dấu hiệu giảm năng suất, nhiều cây có biểu hiện mắc bệnh greening, vàng lá thối rễ. Gia đình đã chặt bỏ và có ý định trồng lại lứa cam mới. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ nông nghiệp địa phương, Công ty TNHH Một thành viên Cao Phong (tiền thân là Nông trường Cao Phong) thông tin, cảnh báo về tình hình bệnh hại trong đất và hướng kỹ thuật xử lý, gia đình đã trồng luân canh cây chuối trong vòng 3 năm mới quay lại trồng cam.

Theo ông Lê Văn Năm (khu 2, thị trấn Cao Phong), việc sử dụng giống cam sạch bệnh và trồng theo quy trình kỹ thuật bài bản khiến các hộ cảm thấy an tâm hơn rất nhiều. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Lê Văn Năm (khu 2, thị trấn Cao Phong), việc sử dụng giống cam sạch bệnh và trồng theo quy trình kỹ thuật bài bản khiến các hộ cảm thấy an tâm hơn rất nhiều. Ảnh: Trung Quân.

Theo bà Thoa, việc trồng luân canh cây khác vừa giúp người dân "lấy ngắn nuôi dài", phát huy hiệu quả sử dụng đất, vừa tạo độ phì nhiêu, cải thiện hệ vi sinh vật có lợi trong đất. Đặc biệt, việc luân canh có tác dụng rất lớn trong việc cắt đứt mầm bệnh trên cây cam, tạo thuận lợi cho công tác trồng mới sau này.

“Sau thời gian luân canh trồng chuối, bằng mắt thường nhận thấy đất trồng đã có sự thay đổi khi trở nên tơi xốp hơn, cộng với việc gia đình được chương trình tái canh cây ăn quả có múi của tỉnh hỗ trợ 100% cây giống sạch bệnh, hướng dẫn kỹ thuật xử lý đất và gieo trồng nên cảm thấy rất tin tưởng vào lứa cam mới này”, bà Thoa phấn khởi cho biết.

Tương tự, ông Lê Văn Năm (khu 2, thị trấn Cao Phong) cũng đang hồ hởi xuống giống lứa cam mới trên diện tích 7.000m2 sau khi đã luân canh trồng ngô 3 năm liên tiếp.

Ông Năm chia sẻ, sau khi chu kỳ khai thác lứa cam trước đây kết thúc, gia đình đã thuê máy múc lật đất lấy toàn bộ rễ cây tiêu hủy, cày xới rồi chuyển sang trồng ngô. Khi gần hết thời gian luân canh, sử dụng máy phay tiếp tục đánh tơi đất, đào hố có kích thước 70*70cm, sâu 50cm, dùng vôi tôi tạo lớp phủ toàn bộ đáy và thành hố, cho phân chuồng, lân xuống hố ủ trong vòng 4 tháng. Trước khi xuống giống mới khoảng 10 ngày, tiến hành đảo phân ủ trong hố, bổ sung chế phẩm vi sinh xử lý sạch đất rồi mới xuống giống.

Giống cam sạch bênh, cộng với quy trình tái canh bài bản đang hứa hẹn sẽ giúp vùng cam Cao Phong 'hồi sinh' trong chu kỳ mới. Ảnh: Trung Quân.

Giống cam sạch bênh, cộng với quy trình tái canh bài bản đang hứa hẹn sẽ giúp vùng cam Cao Phong "hồi sinh" trong chu kỳ mới. Ảnh: Trung Quân.

Đặc biệt, trong chu kỳ mới này, gia đình ông cũng như các hộ trong vùng không tìm cách trồng xen cây ngắn ngày vào vườn cam như trước đây. Bởi lẽ, quá trình chăm sóc, những loại cây trồng xen này đã làm cho thảm thực vật trong vườn bị triệt tiêu, khi có mưa đất rất dễ bị xói mòn, rửa trôi chất dinh dưỡng.

“Tỉnh, huyện hỗ trợ cây giống, chế phẩm vi sinh, doanh nghiệp hỗ trợ cày bừa đất, mình chỉ việc tuân thủ kỹ thuật theo hướng dẫn thì còn gì thuận lợi bằng. Nếu cứ trồng theo phong trào như giai đoạn trước thì chẳng những vườn cam không giữ được mà có khi cả sản nghiệp cũng dễ bay hơi vì chi phí đầy tư cho vườn cam không hề nhỏ”, ông Lê Văn Năm chia sẻ.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.