| Hotline: 0983.970.780

Vui Tết không quên ruộng đồng: Đề phòng dịch hại lúa ĐX

Thứ Sáu 13/01/2012 , 09:43 (GMT+7)

Cho đến tuần đầu tháng 1/2012, ĐBSCL vẫn còn một vài địa phương chưa gieo sạ xong vụ lúa ĐX...

Cho đến tuần đầu tháng 1/2012, ĐBSCL vẫn còn một vài địa phương chưa gieo sạ xong vụ lúa ĐX. Phần lớn diện tích đất lúa chậm trễ gieo sạ thuộc vùng chân ruộng sâu, hạ tầng thủy lợi không đảm bảo chủ động bơm tát.

Theo dự đoán ban đầu của Sở NN-PTNT các tỉnh trong vùng, ảnh hưởng lũ năm 2011 khá lớn, nước rút chậm và tác động triều cường biển Đông nên lúa vụ ĐX xuống giống trễ hơn lịch thời vụ. Tại Cần Thơ, đến cuối tháng 12/2011, nông dân mới gieo sạ khoảng 88.000 ha. Đợt gieo sạ sớm tại vùng thủy lợi chủ động nguồn nước, đến nay lúa đã gần 2 tháng tuổi. Ước có khoảng 60.000 ha lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh và khoảng 2.000 ha làm đòng.

Để đề phòng dịch bệnh hại lúa xảy ra ngày giáp tết, Sở NN-PTNT Cần Thơ triển khai phân công cán bộ nông nghiệp, trạm BVTV các quận huyện trực, theo dõi tình hình sâu bệnh và khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết: Theo kế hoạch vụ lúa ĐX, ĐBSCL trồng 1.550.000 ha, đến ngày 10/1/2012 tiến độ xuống giống đạt hơn 95%, còn hơn 60.000 ha vẫn tiếp tục xuống giống. Các địa phương khuyến cáo lịch xuống giống lúa ĐX sớm bắt đầu từ đầu tháng 10/2011, vào tháng 11 tập trung gieo sạ cao điểm đồng loạt và đến đầu tháng 12 kết thúc.

Tuy nhiên vụ lúa ĐX năm nay nước lũ rút chậm, nhiều vùng nội đồng nước còn ngập sâu, đến tháng 11/2011 tiến độ xuống giống chỉ đạt 50%, phần diện tích còn lại gieo sạ trong tháng 12/2011 và dự tính trễ lắm đến đầu tháng 1/2012 xuống giống dứt điểm.

Việc xuống giống chậm trễ khiến ngành nông nghiệp các tỉnh lo lắng. Nông dân canh tác ở những vùng lúa xuống giống chậm có thể phải đối phó với hạn, mặn xâm nhập giai đoạn cuối vụ; ảnh hưởng tới bố trí lịch thời vụ cho vụ HT, lúa vụ 3 trong năm.

Thế nhưng mùa lũ cũng đem lại lợi ích cho vùng đất lúa hai bên sông Tiền, sông Hậu. Lũ mang phù sa màu mỡ tưới tắm đồng ruộng nên lúa phát triển tốt. Ngành nông nghiệp một số địa phương khuyến cáo nông dân sử dụng hạn chế các loại phân đạm, chỉ bón ở mức hợp lý và không nên lạm dụng chất kích thích, phân bón lá.

Thời tiết những ngày cận tết se lạnh, một số nơi có sương sớm buổi sáng dễ gây bệnh đạo ôn, cháy bìa lá. Hiện nay bệnh đạo ôn lá xuất hiện ở hầu hết các tỉnh trong vùng  với diện tích nhiễm là 22.720 ha, giảm 14.752 ha so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ nhiễm bệnh phổ biến 5-10%, nơi cao trên 20%. Các tỉnh xuất hiện bệnh đạo ôn lá phổ biến như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Long An, Bạc Liêu…

Về bệnh đạo ôn cổ bông, có 8.653 ha nhiễm bệnh, giảm 748 ha so cùng kỳ năm trước, tỷ lệ nhiễm bệnh phổ biến 5-10%, nơi cao tỷ lệ trên 20%. Bệnh này xuất hiện ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh…

Bệnh ốc bươu vàng tưởng chừng sau lũ lớn về sẽ sinh sôi nhiều, nhưng đến nay chỉ có 20.665 ha nhiễm ốc bươu vàng, giảm 14.257 ha so với cùng kỳ năm trước, với mật số phổ biến 2-4 con/m2, nơi cao trên 6 con/m2 (500 ha). Ốc bươu vàng xuất hiện và gây hại phổ biến ở các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang… Bên cạnh đó, bệnh sâu cuốn lá nhỏ có 11.650 ha bị nhiễm, giảm 7.082 so với cùng kỳ năm trước, mật số phổ biến từ 10-20 con/m2, nơi cao trên 40 con/m2 (100 ha).

Các tỉnh xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ là Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu… Ngoài ra, một số đối tượng dich hại khác như bệnh bạc lá (9.126 ha), bệnh đốm vằn (6.458 ha), bệnh lem lép hạt (5.354 ha), chuột (4.660 ha), sâu đục thân (2.687 ha).

Ông Trần Ngọc Thể, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hậu Giang cho biết: Tổng diện tích lúa ĐX bị nhiễm các loại dịch hại trên 8.700 ha, tăng 3.394 ha. Trong đó 4.325 ha nhiễm rầy nâu, 2.479 ha nhiễm bệnh đạo ôn, 1.169 ha bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại và một số sâu bệnh khác.

Dự báo trước Tết Nguyên đán còn một đợt rầy nở, do đó bà con nông dân cần cảnh giác, đề phòng sâu rầy tấn công trên diện rộng. Mặt khác, thời tiết se lạnh là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển mạnh và gây hại trà lúa ở giai đoạn đẻ nhánh. Vì vậy khi phát hiện trên đồng ruộng có vết chấm kim, bà con nên sử dụng các loại thuốc đặc trị đạo ôn để phòng trừ. Ngoài ra, trà lúa ĐX đã xuất hiện bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên giống lúa IR 50404 làm 43 ha nhiễm bệnh.

Ở Vĩnh Long rầy nâu đã xuất hiện nhưng mật độ còn trong vòng kiểm soát, trong khi đó bệnh đạo ôn đang có chiều hướng tăng. Hiện tại, đã có trên 1.044 ha lúa ở giai đoạn đẻ nhánh, đòng trỗ tại các huyện Long Hồ, Mang Thít, Trà Ôn và Vũng Liêm bi bệnh đạo ôn với tỷ lệ từ 6-14%. Bệnh đang tiếp tục phát sinh và gây hại trên trà lúa gieo trồng giống nhiễm, sạ dầy, bón thừa phân đạm.

Chi cục BVTV Vĩnh Long khuyến cáo nông dân bám sát đồng ruộng, phát hiện sớm bệnh để phòng trị kịp thời. Khi bệnh chớm xuất hiện có thể sử dụng một trong các loại thuốc đặc trị phun xịt theo “4 đúng”. Bệnh đạo ôn trên bông có thể phòng ngừa bằng cách xử lý thuốc đặc trị trước và sau trổ 7 ngày. Mặt khác cần bón phân cân đối giúp cây lúa khỏe, tăng cường bón phân kali cho lúa cứng cây, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất lợi của thời tiết. Hạn chế tối đa việc phun các loại thuốc gốc lân hữu cơ phổ rộng hoặc thuốc có gốc cúc tổng hợp trừ sâu ăn lá, để bảo tồn thiên địch. Tùy theo sự xuất hiện và gây hại của từng đối tượng mà có biện pháp xử lý phù hợp. Các trạm BVTV phải theo dõi tình hình dịch bệnh và báo cáo trước 14 giờ hàng ngày về Chi cục, Sở NN- PTNT, Trung tâm BVTV phía Nam và Cục BVTV, Cục Trồng trọt.

Cục BVTV cảnh báo hiện nay trong toàn vùng ĐBSCL có 41.881 ha lúa bị nhiễm rầy, tăng 10.094 ha so với cùng kỳ năm trước, với mật độ trung bình 1.000-2.000 con/m2, nơi cao trên 3.000-6.000/m2 (khoảng 4.899 ha). Rầy nâu xuất hiện tập trung ở Bạc Liêu, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long. Bệnh VL, LXL trong vùng cao điểm có 48,5 ha bị nhiễm, tăng 48,5 ha so với cùng kỳ, chủ yếu ở Hậu Giang, Đồng Tháp.

Tại Đồng Tháp, rầy nâu đã xuất hiện và gây hại 707,5 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ và hiện đã có 15 ha nhiễm nặng, mật độ 3.000- 5.000 con/m2; 114 ha nhiễn trung bình, mật độ 1.500 - 3.000 con/m2, còn lại nhiễm nhẹ. Ngoài ra, bệnh đạo ôn trên lá đã gây hại 3.425 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng; trong đó có 10 ha nhiễm trung bình. Bệnh VL-LXL đã xuất hiện và gây hại rải rác. Ngành nông nghiệp tỉnh này khuyến cáo không phun thuốc trừ sâu cho lúa dưới 40 ngày sau sạ nhằm hạn chế ảnh hưởng thiên địch, tránh bộc phát dịch hại ở giai đoạn sau.

Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho biết: Trong những ngày nghỉ tết bệnh đạo ôn có khả năng phát triển và giống IR 50504 là dễ nhiễm nhất. Chính vì vậy đối với những trá lúa trên những cánh đồng xả lũ cần bón phân cân đối, tránh để dư đạm. Vụ ĐX 2011- 2012 xuống giống trễ hơn 15- 20 ngày so với cùng kỳ năm trước nên trà lúa làm đòng và trổ rơi vào những ngày tết.

Hiện nay, bên cạnh công tác phòng chống dịch hại, Sở NN-PTNT các tỉnh trong vùng cho biết đang chuẩn bị khắc phục hiện tượng thiếu nước, xâm nhập mặn cuối vụ ĐX 2011-2012 và đầu vụ HT sớm 2012 ở các huyện thuộc vùng ven biển; đồng thời khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên phát hiện và quản lý kịp thời các đối tượng rầy phấn trắng, nhện gié, muỗi gây lá hành, đạo ôn cổ bông. Với diễn biến thời tiết khá thuận lợi và hoạt động kiểm soát phòng chống dịch hại tốt, kỳ vọng vụ lúa ĐX tiếp tục thắng lợi lớn.

Ông Phạm Văn Quỳnh (ảnh), GĐ Sở NN-PTNT Cần Thơ: Không chủ quan, lơ là

Đến thời điểm này diện tích xuống giống vụ lúa ĐX ở Cần Thơ là 88.000 ha, đạt 100% kế hoạch. Mặc dù năm nay đất được tăng lượng phù sa do lũ lớn, giúp lúa phát triển nhanh, tốt nhưng cũng rất dễ tạo cơ hội cho sâu bệnh và rầy nâu tấn công trong những ngày tết.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân, trong những ngày vui xuân đón tết không nên lơ là thăm đồng ruộng để đảm bảo thắng lợi vụ lúa ĐX. Qua tết, Cần Thơ sẽ thu hoạch khoảng 1.000 ha lúa ĐX sớm. Hiện nay, giá lúa trên 5.000 đ/kg, đảm bảo nông dân có thể lãi trên 30%. Hy vọng đầu năm mới Nhâm Thìn giá lúa tăng cao hơn.

Ông Đoàn Chí Vững, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp: Phòng ngừa là chính

Vụ lúa ĐX năm nay lịch xuống giống có trễ hơn so với các năm, nhưng đến thời điểm này tỉnh Đồng Tháp đã xuống giống hoàn tất (trên 207.500 ha). Đồng Tháp là tỉnh đầu nguồn nên bị thiệt hại nhiều do lũ nhưng bù lại lũ cũng giúp bà con nông dân giảm được chi phí phân bón rất lớn trong vụ ĐX này.

Năm nay lịch nghỉ tết khá dài so với mọi năm. Chúng tôi luôn khuyến cáo bà con nông dân không được chủ quan trong những ngày tết. Trong chăm sóc lúa phải giảm bón phân đạm. Nếu bón thừa đạm sẽ dẫn đến cây đổ ngã, năng suất kém. Thông thường hàng năm vụ lúa ĐX có đợt rầy nâu bùng phát, nếu không kịp thời phát hiện ngăn chặn sẽ dễ bị cháy rầy. Chính vì vậy biện pháp phòng ngừa được đặt lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Văn Đồng (ảnh), GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang: Coi chừng rầy nâu

Đến thời điểm này nông dân Hậu Giang đã hoàn thành việc xuống giống 77.000 ha lúa ĐX theo kế hoạch. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số diện tích nhỏ lẻ, điều kiện khó khăn không thể xuống giống tập trung theo lịch thời vụ, nông dân đang tiếp tục gieo sạ, nhiều khả năng diện tích lúa ĐX 2011-2012 của tỉnh sẽ đạt 80.000 ha. Nhìn chung, trà lúa gieo sạ tâp trung trong tháng 11 và 12 hiện đang phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, bà con đang tích cực chăm bón để ra giêng sẽ có vụ mùa bội thu.

Về tình hình dịch bệnh trên lúa, tới thời điểm này đã phát hiện 43 ha lúa bị bệnh VL-LXL, chủ yếu ở giống IR 50404, với mức độ gây hại từ 5-10%, tập trung ở TP Vị Thanh. Ngành đã hướng dẫn bà con cách xử lý để tránh lây lan. Toàn tỉnh hiện có trên 4.000 ha lúa bị nhiễm rầy với mật độ trung bình. Năm nay thời gian nghỉ tết dài nên ngành khuyến cáo bà con nông dân nên thường xuyên thăm đồng, để kịp thời phát hiện và phun thuốc phòng trừ. Riêng đối với các ngành chuyên môn như BVTV, Thú y… chúng tôi chỉ đạo phải phân công người túc trực 24/24 để nắm bắt tình hình dịch hại trên địa bàn, khuyến cáo, hướng dẫn bà con cách xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.

Ông Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Kiên Giang: Dịch bệnh rất dễ xảy ra

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong dịp Tết Nguyên đán sẽ có đợt thời tiết lạnh kéo dài, đây sẽ là cơ hội tốt để một số dịch bệnh trên lúa bùng phát mạnh như: đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông. Trong khi đó, tết năm nay thời gian nghỉ dài, nông dân thường ít đi thăm đồng vào những ngày này nên nguy cơ dịch bệnh rất dễ xảy ra.

Vì vậy, ngành khuyến cáo nông dân phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm dịch bệnh và phòng trị kịp thời. Nếu ruộng lúa đã nhiễm hai loại bệnh nói trên thì phải ngưng ngay việc bón phân đạm, bơm nước trên ruộng đầy đủ theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa và chọn các loại thuốc đặc trị để phun xịt. Đối với các giống lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông cần chủ động phun thuốc vào giai đoạn trước và sau khi trổ để phòng ngừa. Trong suốt thời gian nghỉ tết, Chi cục sẽ phân công cán bộ theo dõi, điều tra sâu bệnh trên đồng ruộng định kỳ để kịp thời xử lý.

Đ.T.Chánh - L.H.Vũ

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm