Cây hồi quý như vàng
Mường Khương là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Lào Cai, có diện tích 55 nghìn ha. Trong đó, gần ½ diện tích (23,4 nghìn ha) là rừng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, ổn định xã hội... và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Trong khi đó, cây hồi được người dân địa phương trồng có tuổi đời gần 20 năm, tới nay cây đã cho thu hoạch. Cây hồi cho thấy đây là loại cây phát triển, sinh trưởng tốt và phù hợp với điều kiện của vùng cao của Mường Khương. Theo người dân, những cây hồi này đã cho thu hoạch quả từ 12-15kg quả tươi/cây/năm, giá bán dao động từ 30-40 nghìn đồng/kg…
Cây hồi là cây lâm sản ngoài gỗ được người dân Việt Nam trồng cách đây 100 năm, chủ yếu ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Quảng Ninh với diện tích 50 nghìn ha. Các sản phẩm từ hồi được tiêu thụ mạnh ở Ấn Độ, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước Châu Âu.
Ở các nước có ngành công nghiệp chế biến phát triển, hồi là nguyên liệu chính trong sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm, đặc biệt là axít shikimi trong hoa hồi đã và đang được các công ty dược phẩm trên thế giới sử dụng để sản xuất Tamifly - thuốc chống cúm gia cầm.
Ông Tô Mạnh Tiến – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, trong 3 năm từ 2017-2019, dự án “Trồng cây bản địa và cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng – dự án Jifpro” đã triển khai trồng 20ha hồi trồng tại xã Tả Ngải Chồ. Toàn bộ diện tích trồng hồi trên đều đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo đánh giá của dự án đây là mô hình thành công, cây hồi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương và có thể nhân rộng phát triển.
Cây hồi là cây lâm nghiệp ngoài chức năng phòng hộ còn cho thu hái hoa phục vụ ẩm thực và chiết xuất tinh dầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, chu kỳ kinh doanh dài. Cây hồi đến năm thứ 6 sẽ bắt đầu cho ra hoa, một năm 2 lần vào tháng 3 và tháng 8 với năng suất 50-80kg/cây (đối với cây 10 năm tuổi trở lên). Giá hoa hồi thời điểm cuối vụ năm 2020 tại Lạng Sơn lên đến 60 nghìn đồng/kg.
Sẽ mở rộng diện tích trồng hồi lên 500ha
Ghi nhận tại xã Tả Ngải Chồ, cây hồi sau trồng 2-3 năm có đường kính gốc 1-3cm, chiều cao từ 1,5-3m... Cây xanh tốt, không có sâu bệnh gây hại.
Ông Giàng Quốc Hưng - Bí thư huyện Mường Khương cho biết, mong muốn của người dân là phát triển cây hồi bởi ngoài cây ngô, cây lúa, cây quýt trên địa bàn chưa có cây nào có thể xoá đói giảm nghèo về lâu dài. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trong 5 năm tới, huyện có thể phát triển được 500ha cây hồi, thực hiện tại 3 xã gồm Tả Ngải Chồ, Pha Long, Tung Chung Phố. Trong đó, có 350ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp và 150ha đất chuyển đổi từ đất nương trồng ngô năng suất thấp của người dân để chuyển sang trồng hồi.
Ngoài ra, huyện tổ chức các lớp tham quan tại các tỉnh có diện tích hồi lớn, phát triển như tại Lạng Sơn, Cao Bằng… để người dân có thể trao đổi, học tập kinh nghiệm và triển khai trồng hồi tại địa phương.
Đặc biệt là huyện khuyến khích, thúc đẩy việc thành lập hợp tác xã trồng và tiêu thụ hồi đồng thời thúc đẩy các mô hình liên kết giữa các hợp tác xã với cộng đồng doanh nghiệp, dẩm bảo nâng cao giá trị sản phẩm hồi. Qua đó, ổn định đầu ra cho cây hồi khi trồng hồi với quy mô lớn.
Liên quan việc phát triển cây hồi, tại buổi làm việc với Huyện uỷ Mường Khương, ông Dương Đức Huy – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lào Cai nhấn mạnh tới việc tuyên truyền, vận động người dân về việc trồng hồi, tìm nguồn vốn để hỗ trợ người dân trong giai đoạn đầu khi cây hồi chưa cho thu nhập; có chính sách khuyến kích, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao các giống mới, tiến bộ kỹ thuật vào khâu trồng, chăm sóc, chế biến và bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm từ hồi…
“Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, cán bộ, đảng viên phải là người thực hiện trước, khi thấy hiệu quả người dân sẽ làm theo. Có như vậy, việc phát triển diện tích cây hồi tại địa phương mới đạt được như kế hoạch đặt ra”, ông Huy nhấn mạnh.