LTS: Bọ ánh kim hoa hại hồi đang là mối lo âu hàng đầu cho các rừng hồi xứ Lạng. Đây là loài sâu hại rất khó trị dứt điểm, lại phát tán nhanh. Nếu không phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển của cây hồi.
>> Cục BVTV vào cuộc truy “bọ lạ”
>> Hoang mang “bọ lạ” tấn công cây hồi
Vừa qua, sau khi đăng bài “Hoang mang bọ lạ tấn công cây hồi” (NNVN, số 142, ngày 17/7/2012), Ban biên tập đã nhận được bài viết của TS. Cao Anh Đương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường, người đã từng có thời gian “nằm rừng” hơn nửa năm (1994-1995) tại cánh rừng hồi thuộc xã Yên Phúc, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn để nghiên cứu về loài sâu hại nguy hiểm này. Sau đây là bài viết của TS. Cao Anh Đương để bạn đọc hiểu rõ thêm về loài “bọ lạ” trên cây hồi.
MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ BỌ ÁNH KIM HOA HẠI CÂY HỒI VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ
Cây hồi có tên khoa học là Illicium verum Hook.f., là cây nguyên sản, phân bố trong một vùng sinh thái hẹp của thế giới. Cây hồi chỉ trồng được ở một phần diện tích của tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam của Trung Quốc và một phần diện tích của tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh của Việt Nam.
Hồi ở Lạng Sơn có chất lượng tinh dầu tốt nhất thế giới và nổi tiếng với tên gọi “Hồi xứ Lạng”. Đến nay Lạng Sơn đã trồng được 33.400 ha rừng hồi chiếm 71% tổng diện tích rừng hồi của cả nước. Sản lượng quả hồi (hoa hồi) khô đạt trên 6.500 tấn trong năm 2010, đem lại giá trị XK khoảng 600 - 650 tỷ đồng/năm. Đây cũng là một trong những sản phẩm XK chủ lực của tỉnh.
Tinh dầu hồi là sản phẩm được chưng cất từ lá, quả và hạt, nhưng chủ yếu từ quả. Đây là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm. Gần đây tinh dầu hồi còn được nhiều người biết đến khi được sử dụng để SX Tamiflu là thuốc đặc trị các bệnh cúm, nhất là cúm A/H1N1, H5N1, H3N2... hay chế biến các loại thuốc xoa bóp, nội tiết, tiêu hóa. Ngoài ra, nó còn dùng để chế biến các đồ mỹ phẩm cao cấp, làm gia vị. Bã quả hồi cũng được dùng để chế biến thuốc trừ sâu, làm men thuốc...
Tuy nhiên, hiện nay sự tồn tại và phát triển của cây hồi xứ Lạng nói riêng, ở VN nói chung đang bị đe dọa nghiêm trọng. Theo thông báo tình hình dịch hại của Cục BVTV trong (từ 18-24/5/2012) thì mật độ bọ ánh kim hoa trưởng thành hại lá từ 30-60 con/cây, cao 100-700 con/cây, cục bộ 500-1.100 con/cây, tổng diện tích bị hại là 255,4 ha, trong đó 29 ha bị hại nặng.
Riêng ở tỉnh Lạng Sơn, Báo Nhân Dân điện tử ngày 16/7/2012 có trích dẫn báo cáo của Chi cục trưởng Chi cục BVTV Lạng Sơn Hoàng Văn Đẩy cho biết trên địa bàn tỉnh đã có trên 500 ha rừng hồi bị sâu lạ ăn trụi hết lá, có cây mật độ sâu lên đến hàng trăm con. Các huyện Văn Quan, Bình Gia, Cao Lộc... bị sâu phá hại nặng nề. Đặc biệt là ở xã Xuất Lễ (Cao Lộc) có hơn 150 ha rừng hồi bị sâu tàn phá.
Điều này đã được Báo NNVN (số 142, ngày 17/07/2012) báo động khi đăng bài viết “Hoang mang bọ lạ tấn công cây hồi”, ngày 18/7/2012 NNVN lại tiếp tục đưa tin "Cục BVTV vào cuộc truy bọ lạ". Ngoài ra còn có nhiều bài viết khác đăng trên các báo, trang web cũng đưa tin về thiệt hại do loài "bọ lạ" này gây ra đối với cây hồi.
Hồi xứ Lạng giảm năng suất nghiêm trọng nếu không có biện pháp phòng trừ hiệu quả
Đọc các tin tức trên khiến tôi không thể ngồi yên và mong muốn được chia sẻ, đóng góp một phần những kết quả mà tôi đã từng tham gia nghiên cứu và biết về loài bọ lạ này khi thực hiện luận án tốt nghiệp ĐH (năm 1994-1995) với đề tài "Điều tra thành phần sâu bệnh hại hồi và nghiên cứu đặc điểm, sinh học, sinh thái của một số loài sâu, bệnh hại chính tại xã Yên Phúc, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn", dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Trần Đình Chiến và GS.TS. Vũ Triệu Mân (Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội), sự giúp đỡ của chú Hoàng Văn Bát (Chi cục BVTV Lạng Sơn) và đặc biệt là sự cưu mang, giúp đỡ của gia đình cựu chiến binh, Trung tá Đàm Đức Hải (chợ Bãi, xã Yên Phúc) trong thời gian tôi "nằm rừng" thực hiện đề tài này.
Về tên gọi khoa học
Theo kết quả điều tra, nghiên cứu của chúng tôi, vào thời điểm đó tuy cây hồi bị tới 19 loài sâu, 5 loài bệnh khác nhau gây hại nhưng nổi bật và nguy hiểm nhất là bọ ánh kim hoa, loài sâu hại được Bộ môn côn trùng, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội lúc đó xác định có tên khoa học là Oides leucomeleana Pic. Cho đến nay tên gọi khoa học này cũng chưa được kiểm định và khẳng định là đúng chính xác hay chưa.
Nhưng đáng chú ý là trong một thông báo của Bảo tàng Australia vào tháng 6/2011 đã khẳng định rằng mẫu sâu ánh kim hoa hại hồi thu thập từ vùng Lạng Sơn, phía bắc VN chắc chắn là 1 loài của giống Oides, thuộc họ phụ Galerucinae, họ ánh kim (Chrysomelidae), bộ cánh cứng (Coleoptera). Như vậy, hiện nay chúng ta có thể tạm xác định được tên gọi khoa học của bọ ánh kim hoa hại hồi là Oides sp.
Về khởi điểm phát sinh và quy luật gây hại
Theo chúng tôi đã tìm hiểu khi thực hiện đề tài thì bọ ánh kim hoa đã được phát hiện gây hại đầu tiên ở xã Yên Phúc, Văn Quan từ đầu những năm 1990. Tại thời điểm năm 1994, theo ước tính nó đã gây hại nặng hơn 10 ha hồi của xã Yên Phúc. Ở thời kỳ cao điểm, mật độ sâu có thể lên tới 3-4 con/lá. Sâu non và trưởng thành ăn hết lá, đọt cây hồi làm cây hồi xơ xác, mất khả năng quang hợp, bị còi cọc, phát triển kém, không hoặc ít cho hoa, quả trong các vụ tiếp theo và phải mất 2-3 năm sau (nếu không bị sâu gây hại) mới phục hồi lại được.
Loài bọ ánh kim hoa này chỉ thấy phát sinh và gây hại trên cây hồi (đơn thực). Giai đoạn sâu non và trưởng thành gây hại cho cây hồi bằng cách ăn hại lá, búp lá, đọt lá suốt từ khi cây hồi ra chồi, nảy lộc cho đến khi cây ra hoa, kết quả. Hàng năm chúng thường phát sinh gây hại nặng từ tháng 2-3 đến tháng 7-9 hàng năm.
Những rừng hồi trồng ở đỉnh đồi, sườn đồi hoặc ở hướng nam và đông nam thường bị bọ ánh kim hoa hại nặng hơn so với trồng ở chân đồi hoặc trồng ở hướng tây và bắc. Những vạt rừng hồi bị bọ ánh kim hoa gây hại nặng nhìn từ xa như vừa bị “cháy rừng” hoặc như vừa bị giặc Mỹ phun thuốc diệt cỏ “da cam” trong các bộ phim về chiến tranh VN trước đây, trông rất xơ xác và thảm hại.
Về đặc điểm sinh học, sinh thái
Bọ ánh kim hoa là loài côn trùng thuộc nhóm biến thái hoàn toàn, quá trình sinh trưởng phát triển trải qua 4 pha phát dục khác nhau đó là trứng, sâu non, nhộng và trưởng thành.
- Trứng: Được đẻ thành từng ổ dạng "tổ sáp" (trứng nằm trong 1 cục sáp và gắn chặt với nhau bởi sáp hay keo do sâu tiết ra khi đẻ trứng), như "tổ kiến" nhỏ bám chắc vào cành, đặc biệt là các góc cành tăm, đôi khi trứng còn được đẻ ở cuống lá (nhưng rất ít vì có lẽ là lá dễ bị rụng).
Khi mới đẻ, ổ trứng có màu trắng sữa, sau chuyển dần sang màu xám ghi và dần dần hòa cùng màu với màu vỏ cành hồi nên rất khó phát hiện. Việc phát hiện ra vị trí đẻ trứng của bọ ánh kim hoa là một trong những phát hiện mới nhất trong luận án của tôi và là công việc khó khăn nhất của chúng tôi khi nghiên cứu về loài sâu hại nguy hiểm này.
Trước đó, nhiều người đều cho rằng bọ ánh kim hoa đẻ trứng dạng rải rác vào bên trong lớp biểu bì lá tạo thành các u lồi trên mặt lá. Tuy nhiên, sau khi thực nghiệm nuôi sâu nhiều lần tại rừng hồi, tôi đã phát hiện ra rằng đó chỉ là nơi ký sinh của 1 loài muỗi ký sinh trên lá hồi. Còn vị trí đẻ trứng của bọ ánh kim hoa thì đúng như mô tả ở trên. Rất tiếc là tôi không còn giữ bức hình chụp trực tiếp nào về các ổ trứng này.
Vì không có điều kiện về thời gian để nghiên cứu trong khuôn khổ 1 luận án tốt nghiệp ĐH nên chúng tôi chưa xác định được thời gian phát dục của pha trứng. Nhưng qua tìm hiểu quy luật phát sinh gây hại của loài bọ ánh kim hoa hại hồi này, chúng tôi cho rằng có thể có hiện tượng "nghỉ đông" ở giai đoạn trứng, vì trứng thường thấy được đẻ rộ từ khoảng tháng 6-8, nhưng chỉ thấy nở rộ vào khoảng tháng 2-3 năm sau. Việc xác định chính xác thời gian phát dục và có hay không hiện tượng "nghỉ đông" ở giai đoạn trứng cần tiếp tục được quan tâm nghiên cứu để làm cơ sở cho việc dự tính, dự báo và phòng trừ sâu về sau. (Còn nữa)