| Hotline: 0983.970.780

Vùng cao phát triển chăn nuôi đại gia súc hàng hóa quy mô

Thứ Ba 26/07/2022 , 06:00 (GMT+7)

Những năm qua tỉnh Bắc Kạn xác định chăn nuôi đại gia súc hàng hóa là hướng đi giúp người dân vùng cao làm giàu bền vững, bên cạnh phát triển kinh tế rừng trồng.

Mô hình chăn nuôi trâu bò của HTX Hùng Mạnh, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông. Ảnh: Toán Nguyễn.

Mô hình chăn nuôi trâu bò của HTX Hùng Mạnh, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung

Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn, tổng đàn đại gia súc (trâu, bò, ngựa) trên toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 65.000 con. Dù số lượng giảm so với những năm trước do dịch bệnh, nhưng phương thức chăn nuôi đã được cơ cấu lại theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi quy mô lớn.

Chăn nuôi nông hộ áp dụng khoa học công nghệ là hướng đi hiện nay, góp phần ổn định thị trường tiêu thụ và giá bán sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Để phát triển chăn nuôi, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ của các chương trình dự án, qua đó, thu hút được một số doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9 trang trại, 30 tổ hợp tác, 5 hợp tác xã chăn nuôi gia súc, gia cầm, 2 doanh nghiệp chăn nuôi đang phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết sản phẩm đầu ra đạt hiệu quả kinh tế cao và dự kiến mở rộng quy mô chăn nuôi trong thời gian tới.

Huyện Bạch Thông, một địa phương trước đây không phải là vùng tập trung chăn nuôi của tỉnh Bắc Kạn, nhưng đến nay chăn nuôi đại gia súc cũng được chính quyền các cấp đưa vào nghị quyết trong chỉ đạo phát triên kinh tế.

Toàn huyện Bạch Thông hiện có trên 4.500 con trâu, bò, ngựa. Đây cũng chính là địa phương có nhiều mô hình chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang phương thức chăn nuôi tập trung. Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng các cơ sở sản xuất chăn nuôi hàng hóa.

Điển hình trong việc đầu tư có quy mô lớn vào chăn gia súc của người dân bản địa ở tỉnh Bắc Kạn là bà Lành Thị Như (xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông). Bà Như thành lập HTX Hùng Mạnh từ năm 2020, với mục đích phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Tổng kinh phí đầu tư xây dựng chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn, trồng cỏ và mua con giống vào khoảng 5 tỷ đồng. Hiện tại, trại chăn nuôi của HTX Hùng Mạnh có chủ yếu là bò 3b với 80 con, 7 con trâu sinh sản và một số vật nuôi khác như gà, vịt, ngan,…

Bà Lành Thị Như, Giám đốc HTX Hùng Mạnh cho biết: Qua những chuyến đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, chúng tôi quyết định đầu tư chủ yếu vào nuôi con bò 3B vì phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương. Việc chăn nuôi cũng được áp dụng theo khoa học kỹ thuật, đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi, đủ dinh dưỡng. Kết quả rất tốt, đàn bò tăng trọng lượng đạt từ 40 - 50kg/tháng, đàn trâu béo tốt nên sinh sản tốt và lớn nhanh.

Chăn nuôi bán chăn thả tại huyện Na Rì. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chăn nuôi bán chăn thả tại huyện Na Rì. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bắc Kạn mời gọi đầu tư chăn nuôi quy mô lớn

Huyện Na Rì là điểm sáng trong phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi đại gia súc của tỉnh Bắc Kạn, với 2 hình thức là nuôi nhốt và bán chăn thả. Đa số các hộ dân trước đây thường nuôi trâu, bò theo cách thả rông, nhưng nay đã tận dụng nguồn đất để trồng cỏ voi và nuôi nhốt vỗ béo. Việc một gia đình cứ sau 4 - 5 tháng xuất bán một lứa trâu, bò thu về cả trăm triệu đồng đã không còn là chuyện hiếm nữa.

Trung bình một con trâu được nuôi nhốt, mỗi tháng có thể cho thu nhập một triệu đồng. Việc nuôi vỗ béo cho trâu, bò đã được nhân rộng ra tất cả các xã. Chỉ tiêu xuất bán đại gia súc của huyện luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra, với tổng đàn đại gia súc đạt bình quân 8.000 con/năm và có khoảng 134ha cỏ voi làm thức ăn, phục vụ việc nuôi nhốt.

Như ở thôn Nà Kèn, xã Sơn Thành (huyện Na Rì) có 25 hộ dân có đến 10 hộ thực hiện mô hình nuôi nhốt vỗ béo trâu, bò. Mỗi gia đình nuôi từ 3 - 4 con, nhà nhiều nuôi hơn 10 con và tổng diện tích cỏ voi cả thôn lên đến hơn 30 ha.

Từ năm 2021, huyện Ba Bể ban hành kế hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại từ quy mô nhỏ đến vừa, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Huyện Ba Bể quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi trâu, bò tập trung tại các địa phương có lợi thế, gồm: Thượng Giáo, Phúc Lộc, Cao Thượng, Bành Trạch, Quảng Khê, đồng thời khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất ruộng, đất vườn kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn xanh cho phương thức nuôi nhốt vỗ béo, chăn nuôi thương phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa.

Nhìn chung, chăn nuôi tại Bắc Kạn đang có sự chuyển biến tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, tự cung, tự cấp sang chăn nuôi chuyên biệt, sản xuất hàng hóa dưới hình thức chăn nuôi trang trại theo hướng thâm canh bán công nghiệp và công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư kinh phí xây dựng công nghệ chuồng kín trong chăn nuôi, đầu tư thiết bị ăn, uống tự động, bán tự động, chăn nuôi theo quy chuẩn quy định.

Chăn nuôi đại gia súc những năm gần đây tại các địa phương của tỉnh Bắc Kạn có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế, xã hội và góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn.

Ngành chăn nuôi đã và đang mang lại hiệu quả đáng kể, tuy nhiên, chăn nuôi đại gia súc của tỉnh Bắc Kạn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do trên địa bàn tỉnh vẫn hạn chế về số lượng các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư chăn nuôi quy mô lớn mà hầu hết chăn nuôi ở quy mô nông hộ nhỏ lẻ.

Đây là rào cản, thách thức lớn đối với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh cũng như việc tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn còn xảy ra, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, dịch bệnh Viêm da nổi cục… Việc tổ chức liên kết sản xuất gắn với chế biến còn hạn chế, chưa có các cơ sở giết mổ tập trung và các chuỗi liên kết sản xuất.

Nuôi nhốt đại gia súc quy mô lớn đang trở thành xu hướng phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nuôi nhốt đại gia súc quy mô lớn đang trở thành xu hướng phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Để khắc phục những khó khăn trên, nhằm phát huy lợi thế của địa phương, tỉnh Bắc Kạn xác định đến năm 2025, tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Định hướng của Bắc Kạn trong phát triển chăn nuôi trâu, bò là theo hình thức chăn nuôi trang trại từ quy mô nhỏ đến vừa, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng và gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên doanh.

Theo ông Đỗ Xuân Việt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn, tỉnh đề ra mục tiêu duy trì ổn định đàn trâu, bò hàng năm là khoảng 65.000 con, số con xuất chuồng bình quân là 22.000 con/năm, tương đương với sản lượng thịt hơi là hơn 5.000 tấn.

Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, phát triển tối thiểu được 25 trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô vừa và nhỏ, trong đó xây dựng từ 1 - 2 trang chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi kép kín (từ trồng cỏ, nuôi trâu, bò, nuôi giun quế… đến sản phẩm thịt trâu, bò và sản phẩm phụ), tổng đàn trâu, bò nuôi tại các trang trại chiếm khoảng 10% tổng đàn trâu, bò của cả tỉnh.

Xem thêm
Vĩnh Long tiêm miễn phí 60 ngàn liều vacxin phòng bệnh dại

Vĩnh Long Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong năm 2024, tỉnh sẽ tiêm miễn phí 60 ngàn liều vacxin phòng bệnh dại cho đàn chó trên địa bàn.

Bình Thuận phát động chiến dịch diệt chuột

Tỉnh Bình Thuận phát động chiến dịch diệt chuột từ tỉnh đến các thôn xóm, từng hộ dân...

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm