| Hotline: 0983.970.780

Bắc Kạn từng kì vọng sản xuất ô tô trước Vinfast hàng chục năm

Thứ Tư 08/06/2022 , 08:31 (GMT+7)

Nhà máy sản xuất ô tô Tralas tại xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn đã chế tạo được hai chiếc xe nhưng không bán được nên đã bị bỏ hoang nhiều năm....

Thương hiệu ô tô Tralas

Đỉnh cao của việc mang thiết bị lỗi thời, lạc hậu lên Bắc Kạn đắp chiếu là Nhà máy sản xuất ô tô Tralas, do Công ty CP Sản xuất và Chế tạo ô tô Tracimexco đầu tư tại xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn vào năm 2006. Viễn cảnh được vẽ ra khi doanh nghiệp đến dầu tư là sẽ xây dựng nhà máy sản xuất ô tô hàng đầu Việt Nam.

Mặc dù thời điểm đó, quãng đường từ Hà Nội đi theo Quốc lộ 3, qua Thái Nguyên và lên tới Bắc Kạn phải mất 4h đồng hồ, trong khi địa phương này rất khó để thu hút lao động có tay nghề cao để sản xuất. Thêm vào đó, Bắc Kạn là tỉnh miền núi phía bắc, không có đường thủy, đường sắt để vận chuyển hàng hóa, trong khi thị trường tại tỉnh Bắc Kạn nhỏ (với dân số chưa tới 300.000 người). Xét về mặt kinh tế, việc sản xuất và lắp giáp ô tô tại đây là hoàn toàn không khả thi.

Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Tralas được Công ty CP Sản xuất và chế tạo ô tô Tracimexco xây dựng trên diện tích hơn 6,5 ha đất ruộng tại xã Xuất Hóa (nay là phường Xuất Hóa, TP Bắc Kạn) vào năm 2006 với tổng giá trị đầu tư 42 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó với lý do nhà máy có lắp ráp được 2 xe ô tô, nhưng không bán được sản phẩm nên đắp chiếu.

Nhà máy sản xuất ô tô Tralas nay trở thành xưởng sản xuất gỗ của doanh nghiệp đang thuê lại. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nhà máy sản xuất ô tô Tralas nay trở thành xưởng sản xuất gỗ của doanh nghiệp đang thuê lại. Ảnh: Toán Nguyễn.

Theo báo cáo của Cục Thuế Bắc Kạn, Công ty CP Sản xuất và chế tạo ô tô Tracimexco đang nợ ngân sách Nhà nước là 2,22 tỷ đồng, công ty đã bị cưỡng chế nợ thuế, thu hồi giấy phép và bị đóng mã số thuế từ ngày 19/03/2020.

Ông Vy Công Suất, Chủ tịch UBND phường Xuất Hóa cho biết, nhà máy ô tô Tralas không hoạt động và bỏ hoang nhiều năm. Từ 2014 đến nay, có 2 nhà máy chế biến gỗ thuê lại hạ tầng, mặt bằng của Công ty Tracimexco để hoạt động và luôn duy trì được khoảng 200 công nhân là người dân địa phương.

Tuy nhiên, việc sản xuất chế biến gỗ là trái theo giấy phép được cấp, các doanh nghiệp đến hoạt động không đảm bảo về môi trường. Vì hành vi này mà đã bị tỉnh Bắc Kạn xử phạt vi phạm hành chính hơn 155 triệu đồng.

Điểm đến của các doanh nghiệp không có năng lực về tài chính

Trước những năm 2010, thị xã Bắc Kạn trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư ít tên tuổi và không có năng lực tài chính, kinh nghiệm trong chính lĩnh vực mà họ đến đăng ký. Hệ lụy của những dự án đó là việc Nhà nước không thu được thuế phí, hàng chục hecta đất đai bỏ hoang lãng phí hàng chục năm, còn người dân địa phương thì thiếu đất sản xuất. Nhất là những người trước đây nhượng lại đất nông nghiệp cho các doanh nghiệp xây dựng nhà máy, với lời hứa sẽ tạo điều kiện cho lao động địa phương, ưu tiên những hộ mất đất có công ăn, việc làm và thu nhập cao.

Nhà máy tinh bột sắn Bắc Kạn được đầu tư xây dựng tại thôn Thác Giềng, xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn, được kỳ vọng là cánh chim đầu đàn cho ngành công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh Bắc Kạn, giúp hàng ngàn hộ nông dân có thu nhập đột phá từ trồng sắn cao gấp nhiều lần sản xuất thông thường. Thời điểm đó, doanh nghiệp đầu tư là Công ty TNHH Hải Anh được cả hệ thống chính trị của tỉnh Bắc Kạn tạo điều kiện về thủ tục đất đai, hỗ trợ vay vốn và sát sao có mặt dự khởi công, khánh thành và thường xuyên kiểm tra tiến độ xây dựng. Nhưng từ ngày khánh thành dự án, thì nhà máy này chưa có một ngày hoạt động, ngoài việc bật máy chạy thử, gặp sự cố và chết hẳn.

Trong quá trình đầu tư dự án, ngày 26/2/2003, Chủ đầu tư là Công ty TNHH Hải Anh đã đạt thỏa thuận và ký vay vốn với Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) tỉnh Bắc Kạn. Phía BIDV Bắc Kạn đã giải ngân cho Công ty TNHH Hải Anh vay 16,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần tài sản mà Hải Anh đưa ra thế chấp cho khoản vốn vay lại chính là “toàn bộ tài sản nhà máy chế biến tinh bột sắn Bắc Kạn và toàn bộ phần vốn tự có đã đầu tư cho dự án”. Có nghĩa là, Công ty Hải Anh vay vốn của ngân hàng, dùng vốn đó để mua sắm thiết bị, sau đó lại dùng chính những thiết bị này làm tài sản thế chấp.

Khu đất trước đây là nhà máy tinh bột sắn Bắc Kạn, giờ đã được doanh nghiệp khác mua đấu giá từ ngân hàng và hoạt động trong lĩnh vực khác. Ảnh: Toán Nguyễn.

Khu đất trước đây là nhà máy tinh bột sắn Bắc Kạn, giờ đã được doanh nghiệp khác mua đấu giá từ ngân hàng và hoạt động trong lĩnh vực khác. Ảnh: Toán Nguyễn.

Điều đáng nói là dây chuyền thiết bị máy móc của doanh nghiệp này nhập về lại kém chất lượng, không vận hành sản xuất được. Khi đó (từ ngày 12/4 đến 14/4/2004), Trung tâm Đo lường khảo nghiệm và giám định máy nông nghiệp đã tiến hành giám định chất lượng lắp đặt dây chuyền và thiết bị chế biến tinh bột sắn tại Công ty Hải Anh. Tại buổi giám định, sau khi chạy thử 1 giờ, đã có 1 mô tơ trong dây chuyền bị cháy. Kết quả giám định cũng kết luận: “Chất lượng chế tạo và lắp đặt không đạt yêu cầu, dây chuyền không hoạt động được...”.

Ngoài 2 doanh nghiệp nói trên, trên địa bàn thành phố Bắc Kạn hiện nay còn 2 doanh nghiệp cũng trong tình trạng tương tự, đó là Nhà máy Xi măng Bắc Kạn (tại phường Xuất Hóa) và Nhà máy May Bắc Kạn (tại tổ 4, phường Đức Xuân). Những dự án hoạt động không hiệu quả, đắp chiếu và để hoang phí quỹ đất hàng chục hecta. Nhưng tỉnh Bắc Kạn rất khó thu hồi các dự án  này để chuyển cho các doanh nghiệp có nhu cầu thật sự đăng ký đầu tư. Lý do vì các nhà máy đều đã là tài sản thế chấp khó đòi của các ngân hàng.

Nhà máy may Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nhà máy may Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nói thêm về Công ty CP xi măng Bắc Kạn DATC, được thuê 60.233m2 đất tại Suối Viền, xã Xuất Hóa (thị xã Bắc Kạn) để sử dụng mục đích xây dựng nhà máy xi măng lò đứng. Thời hạn thuê đất đến ngày 9/8/2052 với giá thuê đất là 500 đồng/m2/năm. Phương thức nộp tiền hàng năm và nộp vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Bắc Kạn. Theo hợp đồng đã ký, nếu tính từ năm 2012 thì còn phải mất 30 năm nữa mới hết thời hạn cho thuê. Nhưng thực tế thì Công ty Cổ phần xi măng Bắc Kạn DATC không có hoạt động gì đã hơn 10 năm nay.

Ngày 10/12/2014, Tòa án nhân dân thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn) ra Quyết định số 01/2014/QĐST – KDTM công nhận thỏa thuận giữa nguyên đơn là Ngân hàng BIDV và bị đơn là Công ty CP xi măng Bắc Kạn DATC. Theo đó, Công ty CP xi măng Bắc Kạn DATC có trách nhiệm trả cho BIDV chi nhánh Bắc Kạn toàn bộ số tiền nợ gốc, nợ lãi quá hạn và lãi phát sinh theo 02 hợp đồng tín dụng cho đến khi thi hành án xong. Số tiền tính đến ngày 11/5/2014 là hơn 6,2 tỷ đồng. Sau đó tài sản của doanh nghiệp này đã được ngân hàng bán đấu giá cho một đơn vị khác làm về lĩnh vực sản xuất vật liệu.

Phần đất xây dưng nhà ở công công nhân, nhà điều hành của nhà máy xi măng Bắc Kạn trở thành bãi lau sậy um tùm ngay cửa ngõ thành phố Bắc Kạn. Ảnh: Toán nguyễn.

Phần đất xây dưng nhà ở công công nhân, nhà điều hành của nhà máy xi măng Bắc Kạn trở thành bãi lau sậy um tùm ngay cửa ngõ thành phố Bắc Kạn. Ảnh: Toán nguyễn.

Còn khu vực làm nhà ở cho công nhân và nhà điều hành rộng trên diện tích 1,8ha của nhà máy xi măng Bắc Kạn, nằm ngay sát với Quốc lộ 3, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn đã tham mưu UBND tỉnh thu hồi diện tích này. Nhưng đến nay cũng chưa có giải pháp xử lý để tránh lãng phí đất đai, tài sản trên khu đất này đã hư hỏng do không có người ở, toàn bộ khuôn viên được bao trùm bởi cỏ dại, lau sậy um tùm án ngữ ngay cửa ngõ của thành phố Bắc Kạn.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.