| Hotline: 0983.970.780

Vùng ‘đất hứa’ của nghề du canh trồng dưa hấu

Thứ Ba 30/05/2023 , 06:21 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Nhơn Hạnh - xã khu Đông của thị xã An Nhơn (Bình Định) được mệnh danh là nơi chưa nắng đã hạn nay trở thành ‘vùng đất hứa’ của nghề trồng dưa hấu du canh.

Cây dưa hấu làm thay đổi cả vùng đất

Nhơn Hạnh - xã khu Đông của thị xã An Nhơn (Bình Định) là địa phương thuần nông, khi chưa có hồ chứa nước Định Bình, sản xuất lúa ở đây rất vất vả, cây lúa thường xuyên bị “khát nước” vào vụ hè thu. Từ khi có hệ thống thủy lợi Định Bình - Văn Phong cấp nước ổn định cho hệ thống Tân An - Đập Đá thì cây lúa ở Nhơn Hạnh - xã cuối nguồn của thị xã An Nhơn không còn tình trạng thiếu nước tưới, năng suất lúa bình quân ở đây tăng lên 75 tạ/ha.

Bát ngát những cánh đồng dưa hấu ở xã Nhơn Hạnh (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Bát ngát những cánh đồng dưa hấu ở xã Nhơn Hạnh (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Chẳng những thế, nhờ có nước tưới ổn định, những năm gần đây nông dân Nhơn Hạnh còn có thêm thu nhập nhờ chuyển đổi từ trồng các diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây dưa hấu, vì dưa hấu cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Không chỉ vậy, thấy đất ở Nhơn Hạnh trồng dưa hấu hiệu quả, lực lượng chuyên du canh trồng dưa hấu ở khắp nơi đã đổ xô về đây thuê đất để làm.

Theo ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Hạnh, HTX có 350ha đất lúa, những năm trước đây, nông dân cũng đã chuyển đổi trồng dưa hấu trên đất lúa, nhưng diện tích chỉ khoảng 40 - 50ha. Thế nhưng 4 năm gần đây, riêng trên địa bàn HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Hạnh đã có gần 100ha đất lúa chuyển sang trồng dưa hấu, nếu tính cả xã thì dưa hấu đã “soán ngôi” hơn 160ha đất lúa, phần nhiều là người chuyên du canh trồng dưa hấu về đây thuê đất để trồng.

Những ngày cuối tháng 5, đi qua các cánh đồng Dương Xuân, Thái Xuân, Hòa Tây thuộc HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Hạnh, chúng tôi thấy dưa hấu nhiều hơn lúa. Dọc 2 bên đường bê tông, hiện ra trước mắt là những cánh đồng dưa hấu bát ngát. Có vùng mới chỉ lên luống, phủ bạt, người trồng đang đội nắng cầm cây chọt lỗ để chuẩn bị xuống giống; có vùng cây dưa hấu đã lên xanh, người trồng đang tất bật chăm sóc.

Hai bên con mương chạy dọc đường bê tông, cứ cách một quãng lại thấy đặt một máy bơm nước cạnh con mương để phục vụ tưới cho dưa hấu. Điểm xuyết trên những cánh đồng dưa hấu là những lán trại được dựng tạm bợ, mái lợp bạt màu xanh làm chỗ “tạm cư” cho những người du canh trồng dưa hấu trên đất Nhơn Hạnh.

Một số diện tích dưa hấu vụ hè thu ở xã Nhơn Hạnh mới được lên luống, chọt lỗ để chuẩn bị xuống giống. Ảnh: V.Đ.T.

Một số diện tích dưa hấu vụ hè thu ở xã Nhơn Hạnh mới được lên luống, chọt lỗ để chuẩn bị xuống giống. Ảnh: V.Đ.T.

Vừa lui cui trong lán trại với công việc ủ giống để ngày mai cho hạt giống vào bầu, chuẩn bị sản xuất vụ hè thu 2023, anh Huỳnh Minh Long (48 tuổi), người ở xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn, Bình Định) chuyên du canh trồng dưa hấu vừa trò chuyện: “Năm 2017, tôi là người đầu tiên đến Nhơn Hạnh thuê đất trồng dưa hấu.

Hàng năm, vừa qua tết nguyên đán là tôi vào Sông Hinh (Phú Yên) thuê đất trồng dưa. Xong vụ dưa ở Phú Yên tôi lại về Bình Định, xuống xã Nhơn Hạnh thuê đất trồng tiếp. Đến tháng 7 tôi lại lên Tây Nguyên, công việc trồng dưa hấu cứ thế xoay vòng kín cả năm. Khi về Nhơn Hạnh tôi không ngờ ở đây rất phù hợp với cây dưa bởi đất ở đây mát nhờ có gió biển. Đất mát thì không bị hiện tượng “dưa rút”, cây dưa phát triển tốt, cho năng suất rất cao và ổn định”.

“Nếu làm lúa, nông dân chỉ có lãi khoảng 1 triệu đồng/sào (500m2)/vụ, đó là vụ đông xuân được mùa, chứ vụ hè thu thì lãi ít hơn do năng suất thấp hơn. Trong khi nếu chuyển sang trồng dưa hấu, nông dân có lãi đến 7 - 8 triệu đồng/sào/vụ. Nếu cho người trồng dưa hấu du canh thuê đất thì nông dân được trả 2,1 triệu đồng/sào/vụ trong thời gian 2 tháng, thu nhập hơn gấp đôi so với làm lúa mà không phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, lại có thời gian đi làm việc khác kiếm thêm thu nhập”, ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Hạnh phân tích.

“Vùng đất hứa” của người trồng dưa hấu du canh

Suốt cuộc trò chuyện, đôi tay của anh Huỳnh Minh Long không lúc nào ngớt việc, nhưng miệng cũng không ngớt cười khi nghe tôi hỏi những câu khá ngớ ngẩn: “Dưa rút là gì vậy”? Anh Long giải thích: Lẽ ra trong quá trình phát triển thì đọt cây dưa ngày càng dài ra, thế nhưng khi xảy ra hiện tượng “dưa rút” thì đọt dưa không dài ra mà cứ ngày càng rút ngắn lại, do vậy người trồng dưa gọi hiện tượng này là “dưa rút”.

Anh Huỳnh Minh Long ngâm ủ hạt giống dưa hấu chuẩn bị xuống giống vụ hè thu 2023. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Huỳnh Minh Long ngâm ủ hạt giống dưa hấu chuẩn bị xuống giống vụ hè thu 2023. Ảnh: V.Đ.T.

“Khi cây dưa đã bị hiện tượng này là không cho trái, mất năng suất dữ lắm. Thà cây dưa bị bệnh mình còn phun thuốc BVTV để trị, nhưng với hiện tượng dưa rút là vô phương, không có thuốc gì trị được. Người trồng dưa hấu chúng tôi đoán già đoán non là do đất nóng quá khiến cây dưa không phát triển được. Thế nhưng dưa hấu trồng trên đất Nhơn Hạnh cây dưa ít bị hiện tường này nhờ đất ở đây mát. Trồng dưa ở những vùng gần núi, đất nóng, hiện tượng dưa rút sẽ xuất hiện đại trà”, Long nói.

Vụ hè thu 2023 này, anh Long về Nhơn Hạnh thuê 2,3ha đất tại HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Hạnh để trồng dưa hấu, giá thuê đất là 44 triệu đồng/ha/vụ. Để trồng 2,3ha đất, anh ngâm 40 bao hạt giống dưa hấu Phù Đổng (100gr/bao). Hạt dưa hấu sau 5 ngày gieo vào bầu, những bầu cây giống đã mọc sẽ được cho ra vồng đất. Thời tiết vụ hè nắng nóng, chỉ 22 ngày sau là dưa hấu bắt nhánh, 1 cây dưa anh Long chỉ để lại 2 - 3 nhánh và chỉ để lại 2 quả.

“Từ giai đoạn cây dưa hấu bắt nhánh đến thu hoạch chỉ khoảng 35 ngày, nên dưa trồng ở Bình Định khoảng 2 tháng là thu hoạch. Còn dưa hấu trồng ở Tây Nguyên và Sông Hinh (Phú Yên) do thời tiết lạnh nên cây dưa lâu bắt nhánh hơn, sau khi trồng 30 ngày cây dưa mới bắt nhánh nên thu hoạch muộn hơn dưa trồng ở Bình Định”, anh Long cho hay.

Những lán trại làm nơi 'tạm cư' cho những người du canh trồng dưa hấu. Ảnh: V.Đ.T.

Những lán trại làm nơi “tạm cư” cho những người du canh trồng dưa hấu. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Long tính, mức đầu tư tất tần tật từ tiền thuê đất, giống, phân bón, thuốc BVTV, công cán, chi phí tưới nước… cho 1 sào (sào 500m2) dưa hấu trong vụ hè thu này tiêu tốn khoảng 7,5 - 8 triệu đồng (150 - 160 triệu đồng/ha). Do vùng đất anh Long thuê ở Nhơn Hạnh nằm xa mương lớn nên phải tốn thêm chi phí đóng giếng để lấy nước tưới. Mạch nước ngầm ở Nhơn Hạnh bị nhiễm phèn nên phải lọc mới tắm giặt được, còn nước uống và nấu ăn phải dùng nước bình, cuộc sống của những người du canh trồng dưa hấu do đó cơ cực vô cùng.

“Chỉ 2 vợ chồng làm không xuể nên tôi phải thuê 1 lao động thường xuyên với mức lương 7 triệu đồng/tháng để phụ làm những công việc kéo bạt, bắt nhánh. Năng suất dưa trồng ở Nhơn Hạnh cho bình quân từ 1,8 - 2,2 tấn/sào. Mấy năm nay giá dưa vụ hè thu rất ổn định. Vụ hè thu năm ngoái tôi bán 2 đợt dưa, mỗi đợt gần 2 tấn. Đợt bán vào tháng 6 dưa có giá 8.300đ/kg, đợt bán sau đó 1 tháng dưa hạ còn 7.600đ/kg. Tính bình quân cả vụ 8.000đ/kg dưa, 1 sào dưa hấu tôi bán được gần 16 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 8 triệu đồng”, anh Long cho hay.

Anh Huỳnh Minh Long luôn tay với những công việc chuẩn bị cho vụ dưa mới. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Huỳnh Minh Long luôn tay với những công việc chuẩn bị cho vụ dưa mới. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Long bắt đầu vào nghề du canh trồng dưa hấu từ năm 2013, tính đến nay đã có 7 năm trong nghề. Trong 7 năm ấy, anh nhận "quả ngọt" cũng nhiều mà nếm "trái đắng" cũng không ít. Bởi theo anh phân tích, trồng dưa hấu đầu tư cao, nhưng giá cả hầu như do thương lái quyết định, còn đầu ra do thị trường Trung Quốc quyết định, người trồng luôn “cầm dao đằng lưỡi” nên nhiều người cho rằng trồng dưa hấu là “nghề mạo hiểm”.

Có năm thị trường Trung Quốc đóng cửa, giá dưa hấu chỉ còn 3.000đ/kg, nếu người trồng dưa gặp rủi ro mấy vụ liền như thế là lỗ chỏng gọng, thậm chí không còn khả năng sản xuất vụ mới, vì không còn biết mượn đâu ra tiền để làm vốn, có không ít người phải bán nhà trả nợ.

“Rủi ro nhiều, nhưng làm dưa hấu cũng mê lắm, có người trồng một vụ đã lãi cả tỷ đồng. Nhờ trời thương, vụ dưa hè thu năm 2022 tôi trồng ở Nhơn Hạnh thắng lợi, tiếp đến vụ đông xuân 2023 tôi thuê 3ha ở Sông Hinh (Phú Yên) làm tiếp, xuống giống vào đầu tháng chạp năm trước, đến cuối tháng 2 âm lịch năm nay thu hoạch, bán được 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí tôi còn lãi 500 triệu đồng. Vụ hè thu này về lại Nhơn Hạnh, tôi mong sao thời tiết thuận lợi, giá cả và thị trường ổn định thì tôi có vụ dưa thứ 3 thắng lợi liên hoàn”, anh Huỳnh Minh Long chia sẻ.

Xem thêm
Khó tháo nút thắt môi trường trong chăn nuôi tập trung

Nghệ An Huyện Yên Thành có thế mạnh về chăn nuôi tập trung với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên điều này cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Bảo tồn giống bưởi cơm của xứ Mường

Hòa Bình Sớm đó, khi thảm cỏ còn đẫm sương đêm, tôi cùng anh Lương Văn Thảo (xóm Má 1, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) leo lên quả đồi cao trước mặt.