Thương lái đến tận ruộng đặt cọc
Những ngày này tại “thủ phủ” dưa hấu huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), công nhân từ các tỉnh Phú Yên, Bình Định kéo về làm công, thu hoạch dưa khiến cho không khí nơi đây tấp nập, nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. Trên mọi ngả đường, hàng trăm chiếc xe tải ùn ùn di chuyển ra các cánh đồng để vận chuyển dưa đem đi tiêu thụ. Các thương lái cũng hối hả đến tận các ruộng để đặt cọc và thu mua cho người dân. Với người trồng dưa, nụ cười đã nở trên môi khi có một mùa vụ thắng lợi, thu về hàng trăm triệu đồng/ha.
Theo nhiều người trồng dưa, những ngày qua thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại giúp cho giá dưa tăng mạnh, cao gấp 2 - 3 lần so với những ngày đầu năm. Hiện tại, thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 220 triệu đồng/ha. Thậm chí, những ruộng dưa hấu chưa thu hoạch, thương lái cũng sẵn sàng đặt cọc thu mua với giá 300 triệu đồng/ha.
Tại cánh đồng dưa Buôn Dù (xã Ia Mlah, huyện Krông Pa), anh Đặng Văn Công (trú tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đang ngồi tính toán sổ sách về vụ dưa vừa mới bán cho thương lái. Theo đó, ruộng dưa gần 2ha với năng suất 40 tấn/ha của gia đình anh được thương lái thu mua với giá 220 triệu đồng/ha. Anh Công cho biết, năm nay chi phí đầu tư tiền thuê đất, phân bón, nhân công tăng cao, trung bình 1ha hết khoảng 140 triệu đồng. Tuy nhiên với giá bán 220 triệu/ha, gia đình vẫn thu lợi nhuận 150 triệu đồng trên diện tích gần 2ha.
“Năm nay, thời tiết không thuận lợi khiến chất lượng dưa hấu của tôi không tốt nên giá bán không được như kỳ vọng, chỉ khoảng 8.800 đồng/kg. Trong khi những ruộng dưa khác, chất lượng tốt, quả từ 4 kg trở lên, thương lái sẵn sàng mua với giá 12.000 đồng/kg”, anh Công chia sẻ.
Xuôi về xã Phú Cần, nơi có diện tích lớn trồng dưa hấu với 187ha, chủ yếu dân từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên thuê đất trồng. Tại đây, người dân cũng đang khẩn trương thu hoạch khi giá dưa tăng cao.
Ông Nguyễn Thành Vinh quê ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định lên xã Phú Cần thuê 4ha đất trồng dưa hấu với chi phí 23 triệu đồng/ha. Do vị trí đất trồng dưa của gia đình gần ngay bãi bồi sông Ba nên cho chất lượng quả rất tốt, năng suất khoảng 40 tấn/ha. Cùng với giá bán thời điểm hiện tại khoảng 12.000 đồng/kg, gia đình ông Vinh thu lợi nhuận đáng kể.
“Năm ngoái do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 kéo theo thị trường Trung Quốc đóng cửa nên vụ dưa hấu của gia đình bị lỗ. Hiện tại, Trung Quốc mở cửa nên nhu cầu thu mua dưa hấu tăng, dẫn đến giá cũng cao gấp nhiều lần so với năm ngoái. Đây là tín hiệu mừng cho những người trồng dưa hấu như chúng tôi”, ông Vinh vui mừng cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hà, thương lái thu mua dưa hấu từ huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cũng đang tất bật trên các cánh đồng huyện Krông Pa để thu mua dưa hấu cho người dân. Theo bà Hà, thị trường Trung Quốc mở cửa kéo theo giá dưa hấu trong nước cũng tăng lên đáng kể. Với những ruộng dưa bình thường, thương lái thu mua khoảng 220 triệu đồng/ha.
“Hiện chúng tôi đang thương lượng với những ruộng dưa chưa thu hoạch, sẵn sàng đặt cọc để thu mua với giá 300 triệu đồng/ha với điều kiện dưa đạt chất lượng”, bà Hà nói và cho biết, trung bình mỗi vụ bà thu mua, tiêu thụ khoảng 3.000 tấn dưa hấu.
Cũng theo bà Hà, việc giá dưa hấu ngày càng tăng cao do thị trường trong nước và Trung Quốc đang tiêu thụ rất tốt nên các thương lái sẵn sàng đón đầu để nâng giá thu mua cho người dân. Hiện các thương lái thu mua dưa cho người dân chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số ít tiêu thụ ở trong nước, tập trung ở các tỉnh phía bắc như Hải Dương, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An…
Vẫn phải thận trọng
Còn nhớ vụ dưa hấu năm ngoái, do ảnh hưởng dịch Covid-19, Trung Quốc đóng cửa, giá chỉ còn 2.000 đồng/kg, thậm chí thương lái không thu mua, người trồng dưa thiệt hại nặng. Mặt khác, dù thời điểm này Trung Quốc mở cửa thị trường nhưng giá dưa lên xuống theo từng ngày, từng giờ rất bấp bênh.
Vừa thu hoạch ruộng dưa hấu 7,5ha với giá 230 triệu đồng/ha, anh Nguyễn Xuân Tùng (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) vẫn cảm thấy tiếc nuối vì giá bán còn thấp. Chỉ vài ngày sau đó, giá dưa hấu đã tăng lên hơn 300 triệu đồng/ha.
Dù tiếc nuối nhưng anh Tùng vẫn cảm thấy an ủi khi vụ dưa năm nay cho gia đình anh lợi nhuận gần 90 triệu đồng/ha. Qua đó, phần nào bù lỗ cho vụ dưa hấu năm ngoái khi giá thấp, thương lái gần như không đến thu mua.
Chuẩn bị dọn dẹp đồ đạc để di chuyển xuống Phú Yên chuẩn bị làm vụ dưa hấu tiếp theo, anh Tùng cho biết, dù giá cả và thị trường rất bấp bênh nhưng gia đình anh vẫn tiếp tục đầu tư trồng dưa hấu. Bởi theo anh Tùng, gia đình vốn thuần nông, bản thân anh cũng gắn bó với nghề trồng dưa hơn 10 năm nên có nhiều kinh nghiệm. Mặt khác, trồng dưa hấu cho lợi nhuận cao hơn so với cây lúa, khoai mì.
"Thủ phủ” dưa hấu huyện Krông Pa có gần 1.000ha với sản lượng hơn 40.000 tấn, tập trung nhiều nhất tại các xã Đất Bằng, Ia Mlah, Phú Cần, Ia Rsai…
Ông Võ Ngọc Châu, Trưởng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết, giá dưa hấu trước Tết Nguyên đán Quý Mão tăng cao lên 18.000 đồng/kg, nhưng sau Tết lại giảm mạnh xuống còn 3.000 - 5.000 đồng/kg. Hiện tại, giá dưa hấu đã tăng trở lại khoảng 300 triệu đồng/ha, có nơi gần 400 triệu đồng/ha với điều kiện trái to, năng suất tốt.
“Những năm qua, do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên giá dưa hấu không ổn định. Chính vì vậy, địa phương cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng, không nên sản xuất ồ ạt sẽ gặp khó khăn về thị trường. Ngoài ra, người dân cần phải sản xuất theo quy trình kỹ thuật, nếu không năng suất sẽ không đạt”, ông Châu nói và cho biết, việc khuyến cáo người dân trồng dưa đang gặp khó khăn do đa phần bà con ở Bình Định, Phú Yên đến thuê đất để trồng.
Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết, diện tích trồng dưa trên địa bàn rất lớn nhưng chưa phải là cây trồng chủ lực bởi không bền vững. Tuy nhiên, nếu được mùa, được giá, bà con thu về lợi nhuận rất lớn. Việc những người dân từ Bình Định, Phú Yên về đây trồng dưa hấu phần nào giúp cho kinh tế địa phương phát triển, các dịch vụ trở nên nhộn nhịp hơn. Hơn nữa, việc thuê đất trồng dưa cũng giúp cho người dân bản địa có thêm thu nhập từ tiền cho thuê đất, trung bình 20 - 22 triệu đồng/ha chỉ trong 3 tháng.