| Hotline: 0983.970.780

Phận trồng dưa xa xứ

Thứ Tư 01/02/2023 , 07:46 (GMT+7)

GIA LAI Vì mưu sinh, những nông dân trồng dưa hấu từ Bình Định, Phú Yên phải ngược xuôi nơi đất khách quê người sống cuộc đời 'du mục', đón Tết trong lán trại tạm bợ.

Những ngày đầu năm mới, cơn mưa xuân bất chợt ùa về làm vơi dịu đi cái nắng oi ả của vùng đất “chảo lửa” Krông Pa (Gia Lai). Trên cánh đồng dưa hấu mênh mông, xanh mướt, thi thoảng những đàn chim bay lượn càng tô vẽ thêm cho bức tranh yên bình nơi đây. Dưới ruộng, bà con đang cần mẫn tỉa tót các nhánh dây dưa hấu, tiếng cười đùa rộn rã như báo hiệu một vụ mùa bội thu.

20230125_104757

Đến Krông Pa thời điểm này bắt gặp những cánh đồng dưa mênh mông, xanh mướt. Ảnh: Tuấn Anh.

Tết trong lán trại

Huyện Krông Pa được xem là thủ phủ trồng dưa của tỉnh Gia Lai với diện tích hơn 1.000ha. Chính bởi nơi đây có khí hậu thổ nhưỡng phù hợp trồng dưa hấu nên đã thu hút được nông dân từ nhiều nơi đến thuê đất để trồng. Trong đó, người Bình Định chiếm đa số với khoảng 80% là chủ nhân của các ruộng dưa.

Trong tiết trời xuân, anh Nguyễn Văn Chín, chủ nhân của ruộng dưa hấu 2ha tại buôn Tang (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) ngồi trong lán trại hướng ánh mắt về nơi xa xăm với nhiều tâm trạng. Thấy tôi đến hỏi chuyện về trồng dưa, anh Chín cười nhẹ: “Tôi không nhớ mình đã làm được bao nhiêu vụ dưa hấu, chỉ nhớ đã làm được hơn 10 năm trong nghề”.  

Anh Chín quê ở Thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), vượt hàng trăm cây số lên huyện Krông Pa thuê đất trồng dưa. Trung bình 1 năm anh làm 2 đến 3 vụ dưa hấu ở các nơi khác nhau. Vừa xong vụ dưa hấu ở xã Ia Lâu, huyện Chư Prông vào tháng 7 vừa qua, anh Chín nhanh chóng đến xã Phú Cần tìm đất để làm vụ dưa hấu thứ 2 trong năm. Xong vụ dưa hấu này, anh sẽ tiếp tục di chuyển về quê hương Bình Định làm vụ dưa hấu thứ 3.

Dưa hấu cũng giống như cây khoai lang, càng trồng trên mảnh đất quen thuộc, trái không lớn và chất lượng cũng kém ngon. Do vậy, những nông dân trồng dưa ở Bình Định phải đi nhiều nơi thuê đất trồng dưa. Rồi qua những người quen, bắt mối sang các tỉnh Tây Nguyên và cuộc đời của những anh chàng xa xứ trên những cánh đồng dưa bắt đầu từ đó.

20230125_090537

Anh Chín lang bạt nơi đất khách quê người trồng dưa hấu. Ảnh: Tuấn Anh.

“Phận những người làm dưa lang bạt, nay đây mai đó, cả năm chỉ tranh thủ được ở nhà được vài ngày”, anh Chín bộc bạch.

Ở những ruộng trồng dưa, tất cả đều có chung một kiểu nhà tạm bợ, khung bằng cây tre, mái vách đều che bạt. Bên trong treo 1 - 2 chiếc võng để ngủ, sang hơn thì có chiếc giường, phía dưới là bếp ga mini cùng chiếc rổ đựng chén bát. Quần áo và các vật dụng sinh hoạt thì vứt lộn xộn đúng nghĩa với cuộc sống của những người Digan (một tộc người du mục).  

Vụ dưa tại huyện Krông Pa được bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, sau 3 tháng chăm bón là đến mùa thu hoạch. Thời điểm này, dưa bắt đầu công đoạn chọn trái. Trung bình 1 gốc sẽ có 3 dây và mọc ra nhiều trái dưa non. Theo nguyên tắc, một gốc chỉ được chọn 2 trái dưa tốt nhất, còn lại phải cắt bỏ hết để đảm bảo đủ dinh dưỡng và trái phát triển tốt hơn.

Anh Chín cho biết, thời điểm chọn trái rơi đúng vào thời điểm những ngày Tết, nên gia đình phải túc trực, không được sum vầy đón xuân như bao người khác. Qua Tết, rảnh rang anh tranh thủ đi mua ít bánh kẹo, ai đến chơi thì mời ghé lại cùng nhâm nhi ly trà hàn huyên về câu chuyện năm mới.

20230125_104225

Ở cái tuổi lục tuần, ông Công phải xa quê hương đi trồng dưa hấu. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhấp ngụm nước trà, anh Chín kể: Anh bắt đầu bén duyên với vùng đất Krông Pa từ năm 2016. Khi ấy, được người quen giới thiệu khí hậu, thổ nhưỡng, anh nhận thấy vùng đất nơi đây rất phù hợp trồng dưa hấu. So với các nơi khác, đất Krông Pa trồng dưa hấu cho năng suất cao hơn hẳn.

“Nghề trồng dưa đã quyện vào người rồi, không bỏ được đâu. Với lại, mình có kỹ thuật, kinh nghiệm trồng dưa nên quyết định gắn bó với nghề này”, anh Chín tâm sự.

Rời lán trại của anh Chín, chúng tôi di chuyển đến ruộng dưa của ông Nguyễn Thành Công cách đó không xa. Ông Công (60 tuổi) quê ở Thị xã An Nhơn (Bình Định) lên trồng dưa ở đây đã được 2 mùa vụ. Nhưng nói về thâm niên trồng dưa, ông Công đã có hơn 20 năm trong nghề.

Cũng như bao nông dân khác từ Bình Định lên thuê đất trồng dưa, ông Công năm nay cũng không được về quê đón Tết cùng gia đình bởi ruộng dưa rơi vào thời điểm “chọn trái” rất quan trọng. Một mình đón Tết trong lán trại, ông mua thùng bia, ký thịt bò, ai đến chơi thì đem ra tiếp đón.

“Nhìn người người ngược xuôi đi sắm Tết, sum họp cùng gia đình nghĩ cũng buồn. Nhưng dưa đang thời kỳ chọn quả, không thể bỏ về được. Những ngày cận Tết kiếm không ra nhân công nên mình phải phải túc tắc làm”, ông Công bộc bạch.

20230125_090819

Với những người trồng dưa hấu, chiếc lán trại tạm bợ xem như là nhà. Ảnh: Tuấn Anh.

Ở cái tuổi lục tuần, ông Công cảm nhận rõ sự trống vắng trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Nhưng vì mưu sinh, những người trồng dưa phải chấp nhận đón một cái Tết nơi đất khách quê người.

Với ông Công, làm nông nghiệp chẳng có nghề nào lợi nhuận như nghề trồng dưa. Một vụ dưa kéo dài chỉ 3 tháng, vốn đầu tư một ha khoảng 160 triệu đồng, nếu trúng mùa và được giá thì thu về được từ 300 - 400 triệu đồng.

Vụ dưa nhiều kỳ vọng năm Quý Mão

Dưa hấu phần lớn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên giá cả thường không cố định. Thậm chí, vào thời điểm thu hoạch, giá dưa lên xuống theo từng ngày, từng giờ, người dân chỉ biết nín thở dõi theo.

Năm ngoái, ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường Trung Quốc đóng cửa, giá dưa hấu rớt thê thảm xuống dưới 2.000 đồng/kg, thương lái cũng không đến thu mua, nhiều người dân mất trắng.

Anh Nguyễn Văn Chín nhớ lại: “Năm trước gia đình trồng 2,4ha dưa, khi thu hoạch giá chỉ còn 1.500 đồng/kg, gia đình thua lỗ hơn 200 triệu đồng”.

20230125_083408

Dự kiến, 20 ngày nữa sẽ cho thu hoạch dưa. Ảnh: Tuấn Anh.

Bỏ qua thất bại, anh Chín tiếp tục “đặt cược” cho vụ dưa năm nay với nhiều hi vọng khi thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Theo đó, nhiều mặt hàng nông sản đã được xuất khẩu trong những ngày đầu năm.

Lấy điện thoại gọi cho các thương lái, nghe thông tin giá dưa hấu đang tăng trở lại, a Chín vui mừng chia sẻ: “Thời điểm trước Tết, giá chỉ khoảng 2.000 đồng/kg, hiện tại giá đã tăng lên 4.500 đồng/kg. Nếu giá này được giữ nguyên, người trồng dưa mới chỉ hòa vốn bởi giá phân bón năm nay tăng cao. Hi vọng trong vài ngày tới, đúng vào thời điểm thu hoạch, giá dưa sẽ còn tăng hơn nữa để người dân có lợi nhuận, bù lỗ cho vụ dưa năm ngoái”.

Cũng kỳ vọng vào vụ dưa hấu, ông Nguyễn Thành Công đánh giá, năm nay dưa hấu cho chất lượng rất tốt, trung bình ước năng suất sẽ đạt khoảng 40 tấn/ha. Nghe thông tin được biết, giá thời điểm này (mùng 4 Tết) đã lên 8.000 đồng/kg. Nếu giá này được giữ nguyên cho đến khi thu hoạch thì người dân thu lời được khoảng 160 triệu đồng/ha.

Cũng vào thời điểm này năm ngoái, ông Công trồng 2,6ha dưa, đến khi thu hoạch giá rớt thảm xuống chỉ còn hơn 1.000 đồng/kg, gia đình ông lỗ hơn 200 triệu đồng.

20230125_105027

Tất cả cùng hi vọng vụ dưa hấu năm nay được mùa, được giá. Ảnh: Tuấn Anh.

“Năm nay, dịch bệnh Covid-19 đã được đẩy lùi, thị trường Trung Quốc cũng đã mở cửa trở lại, hi vọng những người trồng dưa hấu như chúng tôi sẽ có một mùa vụ thắng lợi”, ông Công chia sẻ.

Ông Võ Ngọc Châu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết, trong những năm qua, Krông Pa luôn là vùng "đất lành” cho những người xa xứ ở Bình Định, Phú Yên lên thuê đất trồng dưa. Krông Pa không chỉ có quỹ đất rộng lớn, giàu dinh dưỡng mà nơi đây còn có nguồn nước tưới phong phú, rất thích hợp để cây dưa hấu phát triển.

Riêng vụ dưa hấu năm nay cho chất lượng rất tốt, năng suất đạt trên 40 tấn/ha. Ngay sau Tết, thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại nên giá dưa hấu cũng đã tăng lên mức 8.000 đồng/kg. Với giá này, người dân thu lợi nhuận trung bình khoảng 150 triệu đồng/ha.

“Thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại, dịch Covid-19 cũng không còn nên người dân đang đặt nhiều kỳ vọng vào vụ dưa năm nay sẽ được mùa, được giá. Được biết, nhiều thương lái cũng đã đến đặt cọc mua dưa hấu cho các hộ dân. Mong mỏi lớn nhất của các hộ dân là sau Tết giá dưa sẽ nhích lên để người trồng dưa có lời”, ông Võ Ngọc Châu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa chia sẻ.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất