Nhiều hộ lỗ tiền tỷ
Theo thống kê của phòng NN-PTNT Krông Pa, toàn huyện có khoảng 1.000ha trồng dưa hấu với sản lượng 40.000 tấn. Thay vì nở nụ cười giống như các vụ thu hoạch trước đó, các hộ trồng dưa hiện méo mặt khi giá dưa hấu xuống thấp chỉ còn hơn 1.000 đồng/kg khiến nhiều nông dân bị lỗ nặng, rơi vào cảnh nợ nần.
Vụ dưa hấu năm nay, anh Hồ Thanh Tuấn, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa cùng các anh em trong gia đình thuê hơn 17ha đất thôn Teng, xã Chư Rcăm để trồng dưa. Năm nay khí hậu ở Krông Pa thuận lợi, dưa phát triển tốt, năng suất bình quân đạt trên 40 tấn/ha. Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng với năng suất dưa hấu, anh Tuấn cùng các anh em khóc ròng khi giá dưa hấu rớt thê thảm.
Hiện thương lái chỉ thu mua 1.500 đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư 1ha dưa hấu lên tới 160 triệu đồng, nên mỗi ha nông dân thua lỗ từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
“Trước Tết Nguyên đán, giá dưa hấu vẫn còn khoảng 180 - 200 triệu đồng/ha, nhưng sau tết bắt đầu rớt giá thê thảm. Cách đây vài ngày, chúng tôi còn bán được giá 100 triệu đồng/ha, giờ chỉ còn 60 triệu đồng/ha mà thương lái cũng không mặn mà mua. Với hơn 17ha trồng dưa, anh em tôi tính toán vụ này lỗ hơn 1 tỷ đồng." Anh Tuấn ngậm ngùi cho biết.
Từ huyện Mang Yang đến xã Phú Cần, huyện Krông Pa thuê đất trồng dưa, anh Huỳnh Ngọc Hồng như đang ngồi trên đống lửa khi vườn dưa 1,5ha của gia đình chỉ còn vài ngày nữa đến thời điểm thu hoạch.
Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thấy thương lái nào đến hỏi mua. Gọi điện thương lái viện lý do cửa khẩu sang Trung Quốc đóng cửa nên không thể chở dưa sang bên đó bán được. Trong khi, giờ này năm ngoái, thương lái đến tranh nhau hỏi mua dưa hấu với gia rất cao.
“Vườn dưa của gia đình khoảng 1 tuần nữa cho thu hoạch, nếu giá vẫn như hiện tại khoảng 60 triệu đồng/ha xem như lỗ nặng. Chúng tôi chỉ biết hy vọng vài ngày tới thông quan cửa khẩu, giá dưa tăng lại để người dân đỡ khổ”, anh Hồng lo lắng.
Thua lỗ nhưng vẫn tiếp tục đầu tư
Ngồi bên lán trại với vẻ mặt thất thần, anh Trương Văn Hưng, xã Phú Cần, huyện Krông Pa cho biết, gia đình vừa bán tháo cắt lỗ vườn dưa 2ha với giá 120 triệu đồng, bởi dưa chín nếu không bán nhanh sẽ mắt trắng.
Năm nay, gia đình anh Hưng dồn toàn bộ công sức chăm sóc vườn dưa hấu với hy vọng thu được quả ngọt. Thực tế, chất lượng dưa hấu năm nay rất tốt, năng suất cũng rất cao, trên 40 tấn/ha. Nhưng mọi hy vọng tan thành mây khói khi cửa khẩu đóng cửa, hàng hóa không lưu thông được khiến việc tiêu thụ nông sản trong nước nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Giá dưa xuống thấp, gia đình anh Hưng vụ này thua lỗ hơn 100 triệu đồng.
Mặc dù thua lỗ, nhưng anh Hưng khẳng định vẫn sẽ tiếp tục đầu tư trồng dưa. Bởi theo anh Hưng, so với trồng cây thuốc lá hay khoai mì, dưa hấu cho thời gian thu hoạch ngắn, chỉ khoảng 3 tháng, trong khi chăm sóc cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt, nếu cửa khẩu thông quan, lợi nhuận từ dưa hấu mang lại rất cao.
Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết, hầu hết diện tích trồng dưa hấu ở Krông Pa là do người dân các tỉnh Phú Yên, Bình Định lên thuê đất canh tác. Người dân địa phương cũng có trồng dưa nhưng chỉ số ít tập trung ở xã Phú Cần, còn lại chủ yếu cho thuê đất với giá 20-25 triệu đồng/ha và đã nhận tiền từ trước.
Theo ông Duyên, vụ dưa năm nay dù thua lỗ nhưng sang năm người dân vẫn sẽ tiếp tục đầu tư trồng dưa với hy vọng gỡ lại mùa vụ thất bại. Hơn nữa, nông dân không làm nông không biết làm công việc gì khác. Với những người trồng dưa, họ đã đầu tư các trang thiết bị máy móc, lại có kỹ thuật trồng qua nhiều vụ dưa nên không thể nói bỏ là bỏ ngay để trồng cây khác được.
Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết, trồng dưa hấu mang lại lợi nhuận lớn, hơn hẳn cây thuốc lá hay khoai mì. Năm nay không may vụ thu hoạch dưa rơi đúng vào thời điểm cửa khẩu đóng cửa nên giá không được như kỳ vọng. Chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân tiếp cận phương pháp trồng mới để chất lượng, năng suất cao hơn. Năm nay do dịch nên Trung Quốc đóng cửa, năm sau thị trường mở cửa trở lại, dưa hấu sẽ lại được giá thôi”, ông Thảo chia sẻ.