| Hotline: 0983.970.780

Vùng lan quí Sa Pa nguy cơ xóa xổ

Thứ Ba 09/08/2011 , 10:56 (GMT+7)

Cùng với việc khai thác vô tội vạ hiện vùng lan Sa Pa đang xuất hiện một căn bệnh lạ, đang lan rộng, vùng lan quí Sa Pa trước nguy cơ bị xóa sổ…

Sa Pa có rất nhiều loài lan, chúng mọc hoang dại trong rừng. Hiện chưa thống kê được Sa Pa có bao nhiều loài lan, nhưng các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều giống lan quí trong những cánh rừng ở Sa Pa.

Ngoài việc khai thác lan hoang dại, nhiều gia đình đã trồng lan, xây dựng những vườn lan để kinh doanh. Cùng với việc khai thác vô tội vạ hiện vùng lan Sa Pa đang xuất hiện một căn bệnh lạ, đang lan rộng, vùng lan quí Sa Pa trước nguy cơ bị xóa sổ… 

Một số loài lan quí hiếm trồng trong nhà lưới VQG Hoàng Liên

Khai thác vô tội vạ

Vào những ngày chợ phiên, quanh khu vực nhà thờ thị trấn Sa Pa, hay dọc con đường từ Sa Pa xuống tận Trung Chải, Tòng Sành người dân hai bên đường bày bán những giò phong lan hoang dại với đủ màu sắc mới được khai thác trên những cánh rừng đại ngàn cho khách du lịch. Không chỉ người dân Sa Pa, bà con các dân tộc sống cạnh Vườn Quốc gia Hoàng Liên ở hai huyện Tam Đường, Tân Uyên thuộc tỉnh Lai Châu cũng khai thác hoa lan để bán. Giá mỗi giò lan chỉ từ 10.000- 25.000đ, thậm chí có giò chỉ 5.000đ, đó là những giò lan nhỏ, hoa không đẹp, màu sắc kém rực rỡ.

Vợ chồng Giàng A Lềnh, xã Bản Khoang đeo một lù cở (gùi) lan khai thác tuần qua trên rừng mang xuống chợ bán. Lềnh nói tiếng Kinh khá sõi, anh bảo tôi: Cây hoa này à? Ngày trước thì có nhiều đấy, rừng nào cũng có. Bây giờ ít rồi, vì mọi người ở thôn bản mình ai cũng lấy đem bán nên không còn nhiều đâu. Phải đi xa vào tận trong rừng sâu, trèo lên cành cao mới lấy được đấy. Khó lắm… Hỏi ra mới biết, bây giờ đang vào mùa giáp hạt, vợ chồng Lềnh rủ nhau lên rừng gần cả tuần nay mới kiếm được lù cở lan này mang xuống chợ bán lấy tiền đong gạo. Tôi đếm có khoảng hơn hai chục giò, toàn giò nhỏ, chưa giò nào có nụ, nếu bán hết số lan kia chắc cũng chỉ được hai trăm ngàn đồng. Xem ra cũng khó bán lắm, nhiều người đến hỏi chơi chơi vài câu rồi đi.

Hôm nay thứ bảy, chưa đông khách du lịch nên cũng chỉ có năm, sáu người bán hoa lan, nghe mấy bà bán hàng ở đây thì chủ nhật mới đông người bán. Bà con từ trên núi xuống, người gùi kẻ vác tha hồ mà chọn. Trước đây có nhiều, bây giờ cũng ít rồi, nhiều hôm gặp khách ở Hà Nội, Hải Phòng… mua hàng bao tải, họ chất đầy thùng xe ô tô. Không ít khách hàng là người Trung Quốc, họ chọn kỹ lắm… Phong lan chẳng có giá bằng địa lan, nhiều chậu lan ở đây giá từ chục triệu đến vài chục triệu. Chứ mấy giò lan kia bán ra chỉ đủ ăn vài bát phở. Đối với bà con mấy chục ngàn cũng là quí lắm rồi…

Theo báo cáo của VQG Hoàng Liên, trong khu vực vườn quản lý có 250 loài phong lan phân bố tự nhiên trong rừng, nhiều loài lan quý hiếm như­: Hồng thảo Sa Pa, Hồng huyền, Tân thanh củ bóng, Hài kép, Hài đốm, Hồng hoàng, Kim điệp, Hoàng thảo u lồi… Một số loài lan quí hiếm sống ở độ cao từ 1.500-2.000m, đó là các loài Lan hài, Lan môi dày, Gấm đất…Một số loài sống trên độ cao trên 2.000m gồm: Thanh đạm nhăn, Hoàng thảo trúc bạch và một số loài lan loọng… Một số loài lan được người dân mua về trồng kinh doanh, nhiều nhất vẫn là địa lan (loài lan mọc trên đất), gồm: Lan sứa Sa Pa, Gấm đất Nhật, Kiếm hồng hoàng Sa Pa, Hoàng thảo long nhãn (Kiếm cò râu, Kiếm cò đỏ), Lan sậy và các giống lan hài…

Người dân bán hoa lan bên đường

Tất cả những loài lan có mặt trên các cánh rừng Sa Pa đều được người dân khai thác bán cho khách du lịch, không ít loài lan đặc hữu của VQG Hoàng Liên, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới đang được các du khách Trung Quốc săn lùng ráo riết. Tình trạng khai thác lan rừng hoang dại một cách vô tội vạ đã khiến nhiều loài lan quí hiếm trước nguy cơ bị xoá sổ.

Xuất hiện bệnh lạ trên địa lan

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Lào Cai: Chúng tôi sơ bộ nhận định, bệnh xuất hiện trên các vườn địa lan của người dân ở Sa Pa là do vi khuẩn và nấm. Muốn gọi tên đúng bệnh gì phải lấy mẫu xét nghiệm. Chi cục BVTV đang trình UBND tỉnh Lào Cai đề tài khoa học: Xây dựng hệ thống phòng trừ dịch bệnh tổng hợp trên cây địa lan, nhằm đưa ra qui trình kỹ thuật trồng, chăm sóc để cứu vùng lan Sa Pa, bảo tồn và phát triển những loài lan quí hiếm…

Ông Phạm Quang Diện - tổ 2, thị trấn Sa Pa là một trong những hộ đầu tiên trồng và nhân giống các loài địa lan, gia đình ông hiện có khoảng 1.000 chậu địa lan. Mỗi dịp Tết ông xuất bán từ 120-150 chậu, thu chừng 300 triệu. Nhưng 3 năm nay trên vườn lan nhà ông xuất hiện bệnh đốm lá và thối nõn, mới đầu bệnh thấy ở một vài nhánh, sau lan ra cả bụi và các chậu lan khác với tốc độ rất nhanh.

Ông Diện thở dài: Tôi đã phun nhiều loại thuốc, tìm đủ mọi cách chữa, nhưng chẳng ăn thua gì. Hàng ngày nhìn thấy vườn lan rạc đi vì bệnh, chết ngay trước mắt mình thật đau xót mà không thể nào cứu được. Thiệt hại vô kể, tính ra khoảng 600 triệu chứ không ít…

Thống kê chưa đầy đủ riêng trên địa bàn thị trấn Sa Pa có khoảng 150 hộ trồng địa lan, hộ nhiều có từ 800-1.200 chậu, hộ ít có từ 200-300 chậu. Hộ nào làm được nhà lưới thì bị bệnh ít hơn, còn lại hầu như không vườn lan nào là không bị bệnh. Các hộ trồng lan ở Sa Pa như đang ngồi trên chảo lửa, đứng ngồi không yên. Ông Đỗ Mạnh Hùng - tổ 11 có 1.800 chậu, mặc dù vườn lan nhà ông trồng trong nhà lưới nhưng bệnh đốm lá và thối nõn đã bắt đầu tấn công. Ông lo ngại, nếu không tìm ra bệnh và cách trị thì không thể nào cứu vãn được vườn lan.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.