Ngày 2/12/2022, Vườn Quốc gia Cúc Phương tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị, nguyên Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn và đại diện các địa phương, ban, ngành...
Cách đây 60 năm, ngày 7/7/1962, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/TTg về việc thành lập Khu rừng cấm Cúc Phương. Với văn bản quy phạm ấy, Cúc Phương trở thành vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Từ năm 1985, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã xây dựng vườn cây thực vật với diện tích 167 héc ta và là một trong ba vườn thực vật đầu tiên của Việt Nam được ghi trong danh mục Vườn thực vật quốc tế.
Năm 2013, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã hợp tác với Hội Động vật Frankfurt (CHLB Đức) triển khai dự án bảo tồn các loài thú linh trưởng quý hiếm của Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có 2 trung tâm cứu hộ khác là: Trung tâm Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê; Trung tâm Bảo tồn rùa. Đây cũng là đơn vị đi đầu trong công tác nghiên cứu và chăm sóc tê tê trong môi trường nuôi nhốt, được thế giới ghi nhận, đánh giá cao.
Đến nay, với diện tích hơn 22.000 ha Cúc Phương lưu giữ và bảo tồn hơn 2.000 loài thực vật thuộc 117 bộ và hơn 2.000 loài động vật quý hiếm, đặc biệt là Voọc Mông trắng, Báo gấm, Gấu ngựa...
Sau 60 năm, ở đây đã hình thành 167 khu rừng đặc dụng với hành lang pháp luật, hệ thống chính sách và hàng loạt cơ chế ngày càng hoàn thiện, mang tính khoa học, phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế; đồng thời, nhận thức về giá trị và vai trò của thiên nhiên của cộng đồng thay đổi tích cực từng ngày. Cũng nhờ đó, một đội ngũ nhân lực được rèn giũa, trưởng thành, dệt nên những thành quả đáng tự hào của lâm nghiệp cách mạng Việt Nam.
Cũng từ cánh rừng này, rất nhiều thế hệ thanh niên ngành lâm nghiệp, rất nhiều kỹ sư, công nhân kỹ thuật trẻ tốt nghiệp trong nước và trở về từ tu nghiệp nước ngoài đã hăm hở đi theo tiếng gọi của đại ngàn Cúc Phương; mặc cho nắng rát, gió rét, mưa rừng; vượt qua cơm độn, bo bo, cala thầu và còn đó những chiến sĩ kiểm lâm khởi nguồn từ bộ đội, …họ đã gửi lại quê hương, về đây tận hiến; trao gửi yêu thương, đắp xây mái ấm gia đình, sống yên bình cùng cộng đồng cư dân bản địa.
Cúc Phương của ngày nay là thành quả của sự quan tâm, đầu tư từ Chính phủ; kết quả của sự hợp tác, tham gia có trách nhiệm quốc tế, là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chung tay của cư dân vùng đệm và nhiều lắm những tổ chức, cá nhân đã dành trọn tình yêu cho màu xanh và sự bình yên của những cánh rừng.