| Hotline: 0983.970.780

Vương Chính Đức, ông 'vua Mèo' giàu có trên cao nguyên đá Đồng Văn

Thứ Sáu 06/07/2018 , 14:30 (GMT+7)

Do buôn bán thuốc phiện với người Pháp nên Vương Chính Đức giàu có rất nhanh, có tài liệu nói rằng 1/3 số thuốc phiện Pháp mua ở Đông Dương bán ra ngoài thế giới là do “Vua Mèo” cung cấp...

Lâu đài của cha con nhà họ Vương ở mảnh đất Sà Phìn trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) mảnh đất tận cùng của đất nước đến bây giờ vẫn còn lấp lánh ánh hào quang của hai cha con ông “vua” Vương Chính Đức, Vương Chí Sình đã theo Cụ Hồ chống Pháp giữ vững vùng biên ải…

16-39-40_v1
Cụ Vương Chính Đức (ảnh sưu tầm trên Intenet)

Lần đầu tiên tôi lên Đồng Văn vào khoảng tháng 4/1998, khi chạm chân tới dốc Cán Tỷ thì bắt đầu cảm nhận thấy sự hùng vĩ và hiểm trở của vùng đất cực Bắc nơi này. Mảnh đất in đậm dấu ấn của cha con họ Vương là Vương Chính Đức, Vương Chí Sình.

Qua rất nhiều tài liệu, tôi được biết các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc Việt Nam, phần lớn đã di cư từ phía Nam Trung Quốc nhằm trốn tránh các cuộc chiến tranh sắc tộc do người Hán phát động nhằm tiêu diệt các sắc tộc nhỏ để chiếm đất đai ruộng nương.

Trong số các dân tộc trốn chạy người Hán có dân tộc Mông. Trước đây họ sống ở bình nguyên Hoàng Hà phì nhiêu, mặc dù là dân tộc thiểu số nhưng họ không chịu khuất phục người Hán. Chiến tranh diễn ra liên miên, họ phiêu dạt khắp nơi, cuối cùng họ tụ lại trên vùng núi phía Bắc Việt Nam. Bởi thế, mối thù của dân tộc Mông đối với người Hán là mối thù truyền kiếp từ đời này sang đời khác.

Người Mông di cư tới Đồng Văn vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, Vương Chính Đức với tên là Vàng Dúng Lùng sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, cha mất khi ông còn nhỏ. Vốn thông minh lại gan dạ và có máu giang hồ. Lên 10 tuổi ông đã đặt chân khắp mảnh đất Đồng Văn, có lần bỏ nhà vài tháng trời, có lần khi trở về nhà mẹ ông suýt không còn nhận ra ông nữa.

16-39-40_v2
Lâu đài nhà Vương xây dựng theo kiến trúc phong kiến Trung Quốc (ảnh sưu tầm trên intenet)

Nhà Thanh lúc bấy giờ lo ngại người Mông ở Đồng Văn câu kết với nhóm người nổi dậy ở phía Nam Trung Quốc nên cho quân tiến đánh. Thủ lĩnh người Mông ở Đồng Văn khi đó là Vừ Phán Lùng đã lãnh đạo nghĩa quân chống lại quân Thanh và quân Pháp đang tiến hành bình định các dân tộc miền núi phía Bắc. Vừ Phán Lùng do bị phản bội nên bị quân phiến loạn Trung Quốc giết, Vàng Dí Tủa lên thay lãnh đạo nghĩa quân một thời gian thì bị bệnh mất. Do mưu trí và dũng cảm nên Vàng Dúng Lùng được suy tôn làm thủ lĩnh để lãnh đạo cộng đồng người Mông trên cao nguyên Đồng Văn.

Dưới sự lãnh đạo của Vàng Dúng Lùng, nghĩa quân biết dựa vào núi rừng hiểm trở đánh bại các phiến quân từ bên kia biên giới tràn sang, đồng thời chặn đứng các cuộc xâm lấn của giặc Pháp từ Cao Bằng sang và từ Hà Giang lên. Năm 1990, Pháp đã huy động một đội quân hùng hậu kết hợp với binh lính địa phương là các dân tộc Tày, Thái thông thuộc địa hình từ Cao Bằng đánh sang. Quân của Vàng Dúng Lùng với vũ khí thô sơ không chống cự nổi đành để mất Đồng Văn cho quân Pháp chiếm đóng. Vàng Dúng Lùng lãnh đạo nghĩa quân rút vào rừng sâu chiến đấu ròng rã mấy năm trời khiến cho quân Pháp nhiều lần thất bại thảm hại, có nguy cơ không giữ nổi Đồng Văn.

16-39-40_v3
Lâu đài nhìn từ phía ngoài (ảnh chụp tháng 4/1998)

Pháp nhận thấy cần phải dùng người Mông để trị người Mông nên Hiệp ước Pháp- Mèo được ký kết tháng 10/1913 với nhiều điều khoản, trong đó có điều khoản Phát rút khỏi Đồng Văn, trả Đồng Văn cho Vàng Dúng Lùng cai quản theo hình thức tự trị, cho phép Vàng Dúng Lùng thu mua và bán thuốc phiện cho Pháp. Triều đình nhà Nguyễn đã phong cho Vàng Dúng Lùng chức quan Bang Cơ, được cấp mũ áo quan của triều Nguyễn, thay mặt triều đình cai trị vùng đất Đồng Văn. Bắt đầu từ đó Vàng Dúng Lùng sử dụng tên Vương Chính Đức. Từ “Vua Mèo” được người dân gọi đối với Vương Chính Đức.

Vua Mèo Vương Chính Đức và đại gia đình quý tộc của ông

Do buôn bán thuốc phiện với người Pháp nên Vương Chính Đức giàu có rất nhanh, có tài liệu nói rằng 1/3 số thuốc phiện Pháp mua ở Đông Dương bán ra ngoài thế giới là do “Vua Mèo” cung cấp. Sản lượng thuốc phiện có năm Đồng Văn đạt 20 tấn/năm, chất lượng thuốc phiện của Đồng Văn cũng ngon nhất, nên được các lái buôn người Pháp rất mê.

Tiền thu được từ buôn bán thuốc phiện, Vương Chính Đức tiến hành xây dựng lâu đài của mình để khẳng định vị thế của “Vua Mèo” trên đất Đồng Văn. Ông đã chọn mảnh đất hình mai rùa trên đất Sà Phìn quê hương ông đế xây dựng lâu đài. Mảnh đất nằm trong thung lũng Sà Phìn bốn bề núi đá bao bọc, đó chính là thành lũy bảo vệ cho lâu đài. Với vị trí hiểm yếu như vậy, những người từ bên ngoài muốn vào được Sà Phìn phải vượt qua những vách đá tai mèo dựng đứng sắc lẹm, chỉ cần một động tĩnh nhỏ quân lính của Vương Chính Đức đã phát hiện ra.

16-39-40_v4
Mộ vợ của “Vua Mèo”

Theo nhiều người dân kể lại, Vương Chính Đức thuê thợ xây dựng là người Tàu ròng rã mấy năm trời. Sau khi hoàn thành, “Vua Mèo” tổ chức một bữa tiệc linh đình để chiêu đãi thợ, các thợ ăn uống no say và được ông trả công một túi bạc trắng lớn cùng nhiều quà cáp có giá trị. Sáng hôm sau đoàn thợ ra về, nhưng tới biên giới thì bị một toán cướp chặn lại cướp hết của cải rồi bị giết sạch(?).

Lâu đài họ Vương được xây dựng theo kiến trúc của vua chúa Trung Quốc, có ba lớp nhà: Tiền dinh, trung dinh và hậu dinh. Nối ba lớp nhà hai tầng bằng gỗ, tường đất nện (kiến trúc của dân tộc Mông Dao, Pa Dí, Hà Nhì…vùng núi cao) là khoảng sân lát đá. Vợ chồng Vương Chính Đức ở lớp nhà trong cùng tường xây bằng đá xanh, có một đường hầm thoát hiểm khi có biến, phía sau lâu đài có một kho đựng tiền được xây dựng khá kiên cố. Xung quanh lâu đài là hàng rào xếp bằng đá xanh dày 0,8m, cao trên 2m, người bên ngoài khó vượt qua hàng rào đó để xâm nhập lâu đài.

Nằm trên vùng núi đá hiểm trở, lại là vùng biên ải các triều đại phong kiến Trung Quốc đều nhòm ngó đất Đồng Văn. Trước ngày Cách mạng tháng 8/1945 bùng nổ, Cụ Hồ nhận thấy vai trò của “Vua Mèo” Vương Chính Đức nên cử cán bộ thuyết phục Vương Chính Đức cùng Việt Minh kháng Pháp, đuổi Nhật, chống bọn Tàu Tưởng.

16-39-40_v5
Người đàn ông nói về ngôi mộ của “Vua Mèo”

Sau khi Vương Chính Đức mất, quyền được trao lại cho người con thứ tên là Vương Chí Sình tiếp tục sự nghiệp đánh đuổi giặc Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Vương Chí Sình tham gia Quốc hội khoá I và kết nghĩa làm anh em, đổi tên cho ông là Vương Chí Thành, tặng ông thanh bảo kiếm, ngoài vỏ khắc 8 chữ: "Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ".

16-39-40_v6
Cổng vào lâu đài
16-39-40_v7
Tường đá quanh lâu đài
16-39-40_v8
Tác giả trước cổng lâu đài nhà Vương

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.