| Hotline: 0983.970.780

'Vua Mèo' Hoàng A Tưởng khét tiếng vùng cao nguyên Bắc Hà

Thứ Năm 05/07/2018 , 14:27 (GMT+7)

Hoàng A Tưởng một thổ ty khét tiếng vùng cao nguyên Bắc Hà trên thượng nguồn sông Chảy. Nằm trong đường dây buôn bán thuốc phiện xuyên Á, Hoàng A Tưởng bắt người dân đóng thuế bằng thóc gạo, lợn gà, trâu bò và thuốc phiện.

Lâu đài của ông “vua Mèo” mang đậm kiến trúc Pháp kết hợp kiến trúc dân tộc Tày, được xây dựng bằng mồ hôi nước mắt của người dân và nhiều tấn thuốc phiện…

14-16-51_h1
Lâu đài Hoàng A Tưởng nhìn từ bên ngoài

Cuối năm 1989 tôi cùng đoàn công tác của Ban Định canh Định cư tỉnh Hoàng Liên Sơn lên công tác tại huyện Bắc Hà. Chiến tranh biên giới tháng 2/1979 diễn ra chỉ hơn một tháng, nhưng đụng độ vũ trang kéo dài suốt 10 năm trời. Huyện Bắc Hà sau chiến tranh, nhà cửa các công sở còn rất sơ sài và tạm bợ, UBND huyện lúc bấy giờ chưa xây dựng, phải đặt tạm trong lâu đài của “Vua Mèo” Hoàng A Tưởng, khách đến làm việc ngủ trong ngôi nhà một tầng nằm phía sau lâu đài dành cho gia nhân xưa.

Lâu đài được xây dựng từ năm 1914 đến năm 1921, nằm trên đường lên Si Ma Cai. Hoàng A Tưởng dân tộc Tày là con Hoàng Yến Chao- Thổ ty vùng cao nguyên Bắc Hà, do cai trị ở địa phương có trên 80% dân số là dân tộc Mông, nên được mệnh danh là “Vua Mèo”.

Trước ngày Lào Cai được giải phóng (11/1950), Bắc Hà không chỉ nằm trên con đường tơ lụa nối với Vân Nam qua vùng Trung Á, mà Bắc Hà còn là nơi trung chuyển thuốc phiện từ Trung Á qua Đông Dương xuống khu vực Nam Á và ngược lại. Cao nguyên Bắc Hà trước đây nổi tiếng là vùng cây thuốc phiện, thuế bổ xuống đầu dân bằng thuốc phiện. Sử sách còn ghi, mỗi năm Bắc Hà thu thuế từ 1,8-2,25 tấn thuốc phiện, riêng Hoàng A Tưởng mỗi năm thu không của dân 500 kg thuốc phiện, ép dân bán rẻ 500 kg, đứng đầu đường dây buôn bán thuốc phiện và hàng hoá xuyên Á qua ngả Bắc Hà.

14-16-51_h2
Gia đình Hoàng A Tưởng (ảnh sưu tầm trên Intenet)

Không chỉ thế, Hoàng A Tưởng quy định bất cứ ai săn bắn được thú rừng, khai thác mật ong và những lâm thổ sản quý hiếm đều phải chia cho Hoàng A Tưởng. Nếu ai săn bắt được hổ phải nộp cho hắn bộ da và xương, bắn được gấu phải nộp lại bộ da và chiếc mật, bắn được hươu nai thì nộp lại chiếc sừng…Hắn độc chiếm việc cung cấp các loại hàng hóa nhu yếu phẩm cho người dân Bắc Hà, Si Ma Cai, nhất là hai loại hàng hóa cực kỳ quý hiếm lúc bấy giờ là muối và dầu hỏa.

Lâu đài Hoàng A Tưởng quay về hướng Đông Nam, lưng tựa vào núi Cô Tiên, đúng theo thuyết phong thuỷ của người Hoa, “tựa sơn đạp thuỷ”, thế rất vững chãi. Kiến trúc của khu lâu đài kết hợp giữa lối kiến trúc cổ của Pháp thế kỷ 17-18 với kiến trúc nhà sàn của người Tày, nổi lên giữa vùng núi non hùng vĩ. Cửa nhà vòm cuốn, đắp nổi nhiều hoạ tiết dây lá nho, tường gạch nung, móng đá, mái lợp ngói âm dương. Cầu thang đi phía sau nhà, dưới cầu thang là bể hứng nước mưa, trong các phòng đều có lò sưởi.

Chính giữa là ngôi nhà lớn hai tầng, sàn gỗ, gian chính diện là phòng làm việc, tiếp khách, kế bên là nơi ở của vợ chồng, con cái Hoàng A Tưởng, hai dãy nhà ngang tả-hữu cũng là nhà hai tầng nhưng thấp hơn, đó là nơi ở của các gia nô, binh lính và người giúp việc. Hai ngôi nhà ngang được nối với ngôi nhà chính bằng một hành lang hẹp, các cửa đều quay ra cái sân rộng, nơi Hoàng A Tưởng thường tổ chức múa xoè khi tiếp các quan Pháp, hoặc những nhà buôn và khi lễ Tết. Dãy nhà một tầng phía sau là kho và nơi ở của những kẻ hầu người hạ, UBND huyện Bắc Hà sau này dùng làm nhà khách của huyện.

14-16-51_h4
Tòa nhà chính của lâu đài

Xung quanh lâu đài là tường đá bao quanh có lỗ châu mai, mặt tiền là cầu thang hình vòng cung đi lên từ hai phía, trước khi bước vào lâu đài, khách phải dừng chân ở phòng chờ có lính canh gác trước một cánh cửa gỗ nặng trịch dày gần một gang tay.

Trên tường mặt tiền đắp nổi những khẩu pháo, nhằm phô trương sức mạnh và thị uy những ai khi bước chân vào lâu đài. Vật liệu xây dựng bao gồm: Đá, vôi, cát, mật mía khai thác tại địa phương còn xi măng, sắt thép thì được chở bằng máy bay và ngựa thồ từ Hà Nội và Lào Cai lên. Theo người dân kể lại, đoàn ngựa thồ vật liệu từ Lào Cai lên Bắc Hà có hơn 100 con, cả đi và về mất 4-5 ngày. Vì đường lên Bắc Hà ngày ấy không phải như bây giờ, quanh co trên các sườn núi đá dựng đứng. Nhiều con ngựa thồ nặng quá lên nửa chừng dốc Trung Đô thì quỵ ngã, chết dọc đường.

Cách lâu đài vài trăm mét về phía Si Ma Cai, Hoàng A Tưởng cho xây một chiếc ao, giữa ao dựng một cái lầu để thỉnh thoảng Hoàng A Tưởng rủ bạn bè ra đó bơi thuyền, uống rượu ngắm trăng. Cái ao hiện vẫn còn, nằm cạnh con đường lên Trại nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà.

Lâu đài của Hoàng A Tưởng giống như một pháo đài, bốn bên đều xây tường đá dày 40-50cm, phía sau có một đường hầm dài, phòng khi bị tấn công mọi người sẽ theo đường hầm đó thoát ra ngoài.

Tôi đã nhiều lần ngủ trong lâu đài Hoàng A Tưởng. Năm 1988, tôi còn thấy chiếc két sắt gắn vào bên trong bức tường đá cạnh cổng hậu phía sau nhà bên tay trái nhìn từ ngoài vào. Chiếc két sắt đã bị phá bung, han gỉ. Được người dân ở đây kể lại, Hoàng A Tưởng có rất nhiều bạc trắng, tiền giấy nhét vào các bao tải. Bắc Hà mùa đông thường ẩm thấp vì mây mù và mưa phùn, những khi trời nắng Hoàng A Tưởng phải mang tiền ra sân phơi vì để lâu sợ mục.

14-16-51_h5
Ngói âm dương

Những gia nô và đầy tớ làm việc cho nhà Hoàng A Tưởng chịu đói khát và bị hành hạ rất tàn ác, có người đã chết trong lâu đài của hắn vì đói và kiệt sức. Nhiều đêm tôi ngủ ở đó, có cảm giác rất nhiều oan hồn luẩn khuất đâu đây. Lần đầu tiên tôi ngủ trong căn phòng trong cùng ở căn nhà một tầng phía sau dành cho đầy tớ, hồi ấy là cuối tháng 10/1989, trời trên núi đã lạnh, nên buổi trưa vẫn phải đắp chiếc chăn chiên. Khi mọi người lục tục đi làm, tôi nghe rõ tiếng mọi người nói chuyện với nhau nhưng không tài nào dậy được. Có ai đó cứ ấn tôi xuống giường, tôi mở mắt ra thấy một bóng người mặc áo đen, thỉnh thoảng lại nhấc bổng giường lên, giọng lầu bầu: “Sao ông lại nằm vào chỗ của tôi?”.

Tôi phải cố sức mấy lần mới vùng dậy được, chạy ra cái bể đặt dưới gậm cầu thang vã nước lạnh lên mặt cho tỉnh ngủ. Lúc này mọi người đã đi làm hết, lâu đài vắng tanh.

Trong bữa cơm tối hôm đó tôi kể lại chuyện “bóng đè” cho mấy người cấp dưỡng, phục vụ trong Văn phòng UBND huyện Bắc Hà ngồi cùng mâm. Mấy người chẳng ai nói gì, cứ tủm tỉm cười. Tối hôm đó khi vừa chợp mắt lại thấy có người đứng bên cạnh nhấc bổng giường lên, khiếp quá, tôi phải ra phòng ngoài ngủ cạnh mấy người cho đỡ sợ. Hôm ra về, ông Đặng Văn Chạy- Phó Chủ tịch huyện cười cười bảo tôi, trước đây, trong ngôi nhà đó gia nô của Hoàng A Tưởng chết mấy ngày người ta mới phát hiện ra... Nghe thế tôi bủn rủn cả chân tay, nên những lần sau tôi không dám ngủ trong ngôi nhà đó nữa mà lên tầng hai ngủ.

14-16-51_h7
Cận cảnh mặt chính diện của lâu đài

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm