Cơ quan quản lý khả năng sinh sản của Anh đã tăng mức bồi thường cho việc hiến tinh trùng trong bối cảnh thiếu hụt mẫu trên toàn quốc.
Trả tiền để hiến tinh trùng trước đây được xem là bất hợp pháp tại Vương quốc Anh. Số tiền 35 bảng (tương đương 1.150.000 đồng) được chi trả thông qua việc trang trải một số chi phí như đi lại cho các tình nguyện viên.
Tuy nhiên, cơ chế này hiện thay đổi. Những người hiến tinh trùng ở Anh, Xứ Wales và Bắc Ireland giờ sẽ nhận được 45 bảng (tăng gần 30%, tương đương 1,5 triệu đồng) cho mỗi lần tặng.
Giới y tế Vương quốc Anh từ lâu đã lo ngại tình trạng thiếu hụt người hiến tặng trên toàn quốc có thể buộc phụ nữ phải mua mẫu từ những ngân hàng trực tuyến lừa đảo.
Việc hiến tinh trùng được sử dụng để giúp những người lập gia đình nhưng không thể có con, chẳng hạn người chồng bị vô sinh, hoặc cả cha và mẹ đều là phụ nữ, hoặc trong tình huống người mẹ đơn thân.
Tất cả người hiến tinh trùng đều được sàng lọc những bệnh lây truyền qua đường tình dục và các tình trạng bệnh lý di truyền, chẳng hạn như bệnh hen suyễn, bàn chân khoèo và bệnh máu khó đông.
Cơ quan Thụ tinh và Phôi thai người (HFEA), đơn vị quản lý nhà nước về việc hiến tinh trùng, cho biết việc tăng tiền thanh toán còn có lý do xuất phát từ lạm phát tăng cao trong những năm gần đây. Đây cũng là mức tăng đáng kể tại 3 quốc gia kể trên, tính từ năm 2011.
Cùng với người hiến tinh trùng, những người hiến trứng cũng được tăng mức chi trả, từ 750 bảng (khoảng 24,5 triệu đồng) lên 986 bảng (tăng hơn 30%, tương đương 32,3 triệu đồng).
Người phát ngôn HFEA chia sẻ: 'Trở thành người hiến tặng là một quyết định phức tạp, ảnh hưởng đến cá nhân đó và gia đình họ, người nhận và bất kỳ đứa trẻ nào được sinh ra từ quyết định đó.
Những người hiến tặng sẽ trải qua quá trình sàng lọc y tế nghiêm ngặt và phải cảm thấy thoải mái khi biết rằng bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra từ tinh trùng của họ đều có thể liên lạc với họ đến khi chúng đủ 18 tuổi".
Bên cạnh việc tìm kiếm nguồn tinh trùng trong nước, các cặp đôi người Anh có thể nhận "mẫu phẩm" thông qua các phòng khám hiếm muộn, với chi phí trung bình khoảng 950 bảng/lần (31,1 triệu đồng).
Theo số liệu thống kê tại Vương quốc Anh, khoảng 3.000 mẫu tinh trùng được nhập khẩu từ Đan Mạch và 4.000 mẫu đến từ Hoa Kỳ mỗi năm.
Một lựa chọn khác cho các cặp đôi là những dịch vụ trực tuyến, nơi mọi người có thể tự sắp xếp việc hiến tặng tinh trùng. Dù vậy, HFEA cảnh báo rằng có "những rủi ro và hậu quả khó lường" khi nhận tinh trùng theo cách này.
Tuy nhiên, Nicole Nel, Giám đốc điều hành Ngân hàng tinh trùng London, tin rằng tình trạng thiếu hụt không phải do "thiếu ứng viên" ở Anh, mà là do "chất lượng ứng viên kém". Bà nói với hãng tin BBC, rằng cách mọi người sống có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.
"Vấn đề hiện tại khác rất nhiều so với 20 năm trước. Vô sinh hiện trở thành chủ đề được thảo luận rộng rãi, nhận thức về vấn đề này cũng được nâng cao. Tôi nghĩ rằng, các tình nguyện viên ngày càng có nhận thức rõ hơn về những gì họ đang làm. Họ không còn giới hạn là những sinh viên như trước đây", bà bày tỏ.
Quy trình hiến tinh trùng cũng được HFEA tiết lộ. Theo đó, những người hiến tặng sẽ đến phòng khám mỗi tuần 1 lần, trong vòng từ 3 đến 6 tháng. Một trong những lần thăm khám này sẽ là xuất tinh vào một chiếc cốc đã được khử trùng. Sau đó tinh trùng sẽ được đông lạnh và bảo quản.
Ngoài ra, các cá nhân không được phép hiến tặng ẩn danh. Tất cả người hiến tặng đều phải để lại phương thức liên hệ, nhằm chắc chắn rằng bất kỳ đứa trẻ nào được sinh ra từ tinh trùng của họ sẽ liên lạc được.
Ở Vương quốc Anh, các quy định hiện hành cũng giới hạn số lần hiến tặng. Cụ thể, một người hiến tinh trùng chỉ được phép "phối hợp" tối đa 10 gia đình ở quốc gia này, trong đó mỗi gia đình có khả năng bao gồm nhiều anh chị em ruột.
Dù vậy, không có quy định nào hạn chế số lượng gia đình mà người hiến tặng có thể tạo ra ở nước ngoài. Một số trung tâm trên thế giới cho phép sử dụng tinh trùng hiến tặng từ cùng một người để tạo ra 1.000 đứa trẻ hoặc nhiều gia đình riêng biệt.
Các chuyên gia cảnh báo vấn đề này đang trở nên nhức nhối vì hơn một nửa lượng tinh trùng hiến tặng được sử dụng ở Anh có nguồn gốc nhập khẩu. Nhu cầu về người hiến tinh trùng tăng lên từng ngày do số lượng phụ nữ độc thân và các cặp đôi đồng giới nữ có con.
Số lượng các cặp đôi đồng giới nữ thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo (IVF) đã tăng 33% từ năm 2019 đến năm 2021, theo HFEA.
GS Jackson Kirkman-Brown, Chủ tịch Hiệp hội các nhà khoa học sinh sản và lâm sàng Vương quốc Anh, cảnh báo rằng việc trẻ em phát hiện ra mình có hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn anh chị em cùng cha khác mẹ có thể gây "tổn hại về mặt tâm lý" .
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người được thụ tinh bằng tinh trùng hiến tặng thường cảm thấy áp lực phải giữ liên lạc với hàng chục anh chị em cùng cha khác mẹ nhưng điều này "gần như không thể" và có thể gây ra căng thẳng lâu dài.