Thiên nhiên khéo tác tạo cho hòn đảo nhỏ Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam) những hang đá hấp dẫn khiến những đàn chim yến rủ nhau về đây làm chốn "định cư". Những chiếc tổ được làm bằng nước bọt của chúng trở thành của quý hiếm mang tên yến sào.
Kho báu trong hang động
Từ thôn Bãi Làng, con tàu gỗ lượn 1 vòng qua phía đông hòn Lao để đưa chúng tôi đi tham quan các hang yến. Bên trên những cuộn sóng vỗ liên hồi vào vách đá là những đàn chim yến nhỏ nhắn bay kín hang động. Nhìn những cánh chim gầy guộc, nhỏ thó, khó có ai tưởng tượng được chúng chính là "báu vật" của Cù Lao Chàm.
Nói về nguồn gốc của chim yến, người dân ở đây thường kể: Loài chim này hoá thân từ nàng Yến, một cô gái sống với cha mẹ già ở 1 làng quê biển. Một hôm, cơn đại hồng thuỷ bất ngờ cuốn trôi làng mạc, hàng xóm láng giềng mất tăm dưới lòng biển sâu, duy nhất chỉ gia đình nàng sống sót trôi dạt vào hòn đảo nhỏ này. Cha mẹ nàng ngất đi vì đói khát, kiệt sức. Nàng lê đi khắp đảo tìm thức ăn, nước uống nhưng chỉ gặp toàn đá.
Đang tuyệt vọng vì không có gì để cứu sống cha mẹ, bỗng dưng nàng tìm thấy một lát khoai khô nhỏ nằm mắc kẹt trong khe đá. Mừng như bắt được vàng, không nghĩ đến bản thân mình, nàng mang lát khoai về nhai nhuyễn, mớm hết cho cha mẹ, trong khoai có cả nước bọt của nàng. Cứu được cha mẹ thì nàng chết. Mấy năm sau trên đảo xuất hiện 1 loài chim nhỏ cứ bay quanh quẩn bên ngôi mộ của người con gái hiếu thảo, đó là chim yến.
Hàng năm, vào cuối tháng 11 âm lịch, yến bắt đầu làm tổ. Tổ yến được làm rất độc đáo: yến nhả nước bọt thành những dãi trắng lên những vách đá cheo leo của các hang động trên đảo. Dãi yến mới nhả ra có màu trắng phớt hồng, gặp gió quánh lại, chuyển thành màu trắng đục. Tổ chim yến thường được gọi là yến sào hay tai yến. Yến đẻ trứng, ấp trứng và nuôi cho đến khi chim con đủ sức tự bay đi kiếm mồi. Tổ yến có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, chiếm từ 36-52% protein và là một nguồn dược liệu rất quý.
Ai có cơ duyên được dùng món tổ yến, cơ thể người ấy sẽ được tăng sức đề kháng, khí huyết được bồi bổ. Nếu là đấng mày râu dùng vào sẽ thấy ngay hiệu quả tráng dương. Ngoài ra, yến sào còn giúp người ta ổn định thần kinh, chống lão hoá, làm đẹp nước da và có thể ngăn ngừa, thậm chí chữa được nhiều loại bệnh nan y như lao phổi, hen suyễn, viêm xương... Chính vì vậy, yến sào là loại hàng hoá hiếm quý, đắt giá trên thị trường từ xưa đến nay.
Tương truyền, cách đây 4 thế kỷ, một ông lão họ Trần ở Hội An tình cờ phát hiện ra tổ yến. Ông lão họ Trần này có kiến thức về loài chim quý này nên tổ chức khai thác và tự nguyện nộp thuế cho quan triều đình. Từ đó, các chúa Nguyễn (TK 17) cho lập “Đội Thanh Châu” chuyên khai thác yến sào tại Cù Lao Chàm mà thành viên hầu hết là cư dân của làng Thanh Châu (Hội An).
Chênh vênh trên thang tre để khai thác yến
Sau khi khai thác, ngoài loại ngon nhất được cung tiến cho nhà vua để làm nên những bữa “yến tiệc”, số còn lại bán ra thị trường và nộp thuế cho triều đình hàng năm. Làng Thanh Châu dưới thời nhà Nguyễn độc quyền nghề khai thác tổ yến với hai dòng tổ nghề là họ Trần và họ Hồ truyền đời giữ chức “Quản lĩnh tam tỉnh yến hộ”, chức quan chuyên quản lý nghề khai thác ở cả 3 tỉnh Quảng Nam, Bình Định, và Khánh Hoà.
Yến sào Cù Lao Chàm có uy tín và giá cả cao hơn yến Bình Định, Khánh Hoà và cả Singapore chính là vì nó nấu không nát, tổ to, dày và hàm lượng dinh dưỡng rất cao. 1kg yến ở các nơi phải được tích góp từ 100 đến 120 tổ, riêng yến sào Cù Lao Chàm chỉ với 60 tổ là đã làm nên 1 kg yến.
Treo người trên vách núi
Hiện nay, Đội Quản lý và Khai thác yến Cù Lao Chàm đang chuẩn bị khai thác đợt 2 của năm 2012, đợt khai thác bắt đầu vào nửa cuối tháng 8. Anh em trong đội khai thác đang khẩn trương trang bị thang tre, sào, chỉa... để tác nghiệp.
Ông Trương Minh Vũ, Đội phó Đội Quản lý và Khai thác yến Cù Lao Chàm, cho biết: “Toàn đội có 80 người, trong đó có 57 người trực tiếp bảo vệ 8 hang yến. Đến kỳ khai thác, họ cũng là lực lượng trực tiếp lấy tổ yến. Người thâm niên nhất đội đã có 27 năm trong nghề, “tân binh” của đội là chàng trai 26 tuổi mới vào nghề. Tiêu chí đầu tiên để được tuyển vào đội là người thuộc gia đình có truyền thống trong nghề khai thác yến, sau đó là đạo đức và sức khỏe. Người làm nghề này luôn đối mặt với muôn vàn nguy hiểm nên nếu không yêu nghề thì khó ai trụ được lâu”.
Những tổ yến được làm trong hang động, thường đóng ở những vách núi cao, người khai thác dù đã bắt thang tre nhưng còn phải dùng những cây sào dài đến 6m mới lấy được chúng. Nhìn anh em trong đội khai thác chênh vênh trên thang tre để tiếp cận với các vách núi, người yếu tim sẽ không khỏi bị ngộp thở. Khi khều những tổ yến này rớt xuống, bên dưới phải dùng lưới hứng để chúng không bị vỡ. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa được cho là khó.
Tổ yến đóng trong những hốc núi
“Có nhiều tổ yến đóng ở những hang nằm lưng chừng bên ngoài vách núi, muốn khai thác được, tụi tui phải leo lên đỉnh núi, thả dây đu người xuống biển. Sau đó bắt thang men vách núi leo lên tiếp cận điểm khai thác. Khai thác xong, tụi tui lại xuống thang, đu dây leo lên đỉnh núi để quay về. Độ cao những điểm khai thác này đến 40m, cao ngang ngôi nhà 10 tầng chứ chẳng ít. Những tổ yến ở hang Xanh Rêu thuộc hòn Tai thường đóng theo kiểu này”, ông Trần Bé, mới 49 tuổi nhưng đã có 27 năm trong nghề, cho biết.
+ “Trước đây, chúng tôi khai thác mỗi năm 3 kỳ, sau khi khai thác kỳ 3 là mùa đông đến, chim non ra đời gặp thời tiết bất thuận nên bị chết nhiều. Do đó, hiện nay, để bảo vệ đàn yến, chúng tôi chỉ còn khai thác 2 kỳ/năm, kết thúc sớm để lũ chim non gặp thời tiết nắng ấm phát triển tốt”, ông Trần Văn Nhân, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hội An, cho biết. + “Hiện nay, sản lượng yến sào ở Cù Lao Chàm đạt ổn định 1,3 tấn/năm. Giá yến loại tốt nhất hiện là 135 triệu đồng/kg, loại thấp nhất (yến vụn) là 50 triệu đồng/kg. Đó là giá bán lẻ trong nước, nếu xuất khẩu, bình quân 1 kg yến sào của Cù Lao Chàm đạt 5.500 USD/kg”, ông Trương Minh Vũ, Đội phó Đội Quảng lý và Khai thác yến Cù Lao Chàm.
Mỗi đợt khai thác chỉ kéo dài từ 7 đến 10 ngày, mỗi hang chỉ khai thác chứng vài ngày là hết. Đến kỳ khai thác, hàng ngày, mới 4 giờ sáng tổ kỹ thuật gồm 10 người đi ghe từ Hội An ra các hang yến để để trực tiếp chỉ đạo lực lượng bảo vệ hang tiến hành khai thác. Chiều đến, tổ kỹ thuật này mang sản phẩm về nhập kho. Hết kỳ khai thác, 57 thành viên trông đội yến tiếp tục ở lại hang để làm nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc hang yến.
“Anh em ở ngoài hang yến có nhà cửa hẳn hoi với đầy đủ tiện nghi. Cơ quan bố trí các phương tiện nghe nhìn, máy nổ và hệ thống thông tin liên lạc. Mỗi tuần 2 lần tàu chở nhu yếu phẩm, nhiên liệu, nước ngọt và củi ra từng hang cung ứng cho anh em. Cách vài ba tháng anh em thay phiên nhau về thăm nhà vài ngày”, ông Vũ nói.
Ở lại hang, lực lượng bảo vệ chia kíp trực thay nhau theo dõi hang đàn yến 24/24 để phát hiện, ngăn chặn người lạ xâm nhập hay lũ chuột, rắn vô quấy rầy chim yến. Nếu phát hiện hang yến bị mưa dột, phải nhanh chóng lập kế hoạch xây kè, đổ mái che chắn cho các tổ yến, hoặc xây kè chắn sóng hạn chế sóng biển đánh vào hang làm ướt rã và rớt tổ yến. Trong các hang yến đều có camera giúp lực lượng bảo vệ theo dõi được cả những vùng hang hóc hiểm nhất.
“Ngoài sinh sản tự nhiên, tụi tui còn giúp chim yến tăng đàn bằng cách dùng thức ăn nhân tạo cho những con chim non bị rơi khỏi tổ ăn, chăm sóc đến khi chúng lớn có thể tự bay đi được”, ông Trần Bé bộc bạch kinh nghiệm.
Ngoài nguy hiểm, nghề khai thác yến còn là nghề độc hại, bởi phải tiếp xúc với phân và lông chim yến mỗi ngày. Ông Bé cho biết thêm: “Lông chim yến bay lơ lửng khắp hang, mùi phân của chúng hôi nồng rất khó chịu. Dù tụi tui đã đeo khẩu trang nhưng vẫn không thể tránh hít phải chúng vào phổi. Do nghề này nguy hiểm và độc hại là vậy nên các khoản lương thưởng hàng năm khá cao. Hiện anh em tụi tui có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm/người”.