| Hotline: 0983.970.780

WHO: Nhiều quốc gia đi sai hướng khi chống Covid-19

Thứ Bảy 18/07/2020 , 06:10 (GMT+7)

Đại dịch virus Corona sẽ ngày càng "tồi tệ hơn" nếu các chính phủ không có hành động quyết đoán hơn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo.

Lá cờ mang logo của WHO tung bay bên ngoài trụ sở chính tại Geneva. Ảnh: WHO.

Lá cờ mang logo của WHO tung bay bên ngoài trụ sở chính tại Geneva. Ảnh: WHO.

Tổng giám đốc WHO, Bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói "quá nhiều quốc gia [đã] đi sai hướng".

“Các trường hợp nhiễm bệnh đang gia tăng, trong khi đó các biện pháp đã được chứng minh có hiệu quả lại không được thông qua hoặc tuân theo”, ông nói thêm.

WHO nói gì?

Tại cuộc họp giao ban tại Geneva hôm 13/7, Tiến sĩ Tedros nói "các thông điệp hỗn loạn từ các nhà lãnh đạo" đang làm xói mòn niềm tin của công chúng vào nỗ lực nhằm kiểm soát đại dịch.

"Virus vẫn là kẻ thù công khai số một, nhưng hành động của nhiều chính phủ và người dân không phản ánh điều này", ông nói.

Bác sĩ Tedros cho biết các biện pháp như giãn cách xã hội, rửa tay và đeo khẩu trang trong những tình huống thích hợp cần được thực hiện nghiêm túc, cảnh báo rằng sẽ "không thể trở lại tình trạng bình thường cũ trong tương lai gần".

"Nếu không tuân theo những điều cơ bản, chỉ có duy nhất một viễn cảnh xảy ra", bác sĩ Tedros nói và cho biết thêm: "Nó sẽ ngày càng tồi tệ và tồi tệ hơn nữa".

Bác sĩ Mike Ryan, Giám đốc cấp cứu của WHO, cho biết việc nới lỏng một số biện pháp phong tỏa ở châu Mỹ và việc mở một số khu vực đã dẫn đến "sự lây truyền mạnh mẽ".

Châu Mỹ là tâm chấn hiện tại của đại dịch. Mỹ chứng kiến ​​sự gia tăng trường hợp nhiễm virus trong bối cảnh căng thẳng giữa các chuyên gia y tế và Tổng thống Donald Trump.

Hoa Kỳ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có hơn 3,3 triệu trường hợp được xác nhận và hơn 135.000 trường hợp tử vong, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins tính đến đầu tháng 7.

Châu Mỹ Latinh xác nhận hơn 145.000 ca tử vong liên quan đến virus Corona, mặc dù con số này được cho là cao hơn do không đủ xét nghiệm.

Một nửa số ca tử vong là ở Brazil, nơi Tổng thống Jair Bolsonaro phản đối các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiềm chế sự lây lan của virus.

Tổng thống Bolsonaro đã nhiều lần hạ thấp nguy cơ do dịch Covid-19, đồng thời hối thúc chính quyền các địa phương nới lỏng lệnh phong tỏa mà ông cho là đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Brazil.

Hậu quả tới, ngày 7/7, ông Bolsonaro phát biểu trên truyền hình, xác nhận bản thân đã dương tính với virus Corona.

Một tấm gương nhãn tiền khác là Thụy Điển. Họ gây chú ý bởi cách chống dịch "độc, lạ": thả nổi, không phong tỏa, tin tưởng vào miễn dịch cộng đồng và ý thức của người dân.

Vô tình, Thụy Điển trở thành minh chứng rõ ràng nhất cho thấy đại dịch sẽ diễn ra như thế nào nếu chính phủ “thả rông” virus, để mặc cuộc sống diễn ra bình thường.

Tính đến đầu tháng 7, 5.420 người đã chết tại Thụy Điển, theo số liệu của WHO. Con số này tưởng như chẳng đáng kể nếu so với hơn 130.000 người đã nằm xuống tại Mỹ. Tuy nhiên, cần biết rằng dân số của Thụy Điển chỉ có 10 triệu. Nghĩa là xét về tỉ lệ, số người thiệt mạng tại Thụy Điển cao hơn Mỹ tới 40%, nhiều hơn Na-Uy 12 lần, hơn Phần Lan 7 lần, và Đan Mạch là 6 lần.

Người chết nhiều, nhưng nền kinh tế Thụy Điển cũng chẳng khởi sắc nổi. Ngân hàng trung ương Thụy Điển dự tính nền kinh tế của họ sẽ giảm khoảng 4,5% trong năm nay, dù thời điểm đầu năm chỉ là 1,3%. Riêng trong tháng 5, tỉ lệ thất nghiệp đã lên tới 9%, tăng mạnh so với mức 7,1% của tháng 3.

Bác sĩ Ryan nói rằng việc đóng cửa các khu vực rộng lớn sẽ có những hậu quả kinh tế to lớn, nhưng việc cách ly địa phương ở những nơi cụ thể có thể là điều cần thiết để giảm thiểu virus lây lan.

Ông kêu gọi các chính phủ thực hiện các chiến lược rõ ràng và "mạnh mẽ", bổ sung: "Công dân phải hiểu và phải dễ dàng để họ tuân thủ theo".

Thế còn vacxin, hay miễn dịch thì sao?

"Chúng ta cần học cách sống với virus này", bác sĩ Ryan nói, cảnh báo những kỳ vọng rằng virus có thể bị loại bỏ hoặc một loại vacxin hiệu quả có thể sẵn sàng trong vòng vài tháng là "không thực tế".

Ông cho biết vẫn chưa biết liệu việc phục hồi từ virus sẽ dẫn đến khả năng miễn dịch, hoặc, nếu có, khả năng miễn dịch đó sẽ kéo dài bao lâu.

Một nghiên cứu riêng được công bố hôm 13/7 bởi các nhà khoa học tại King College London cho thấy khả năng miễn dịch với virus có thể tồn tại trong thời gian ngắn.

Các nhà khoa học tại trường đại học đã nghiên cứu 96 người để tìm hiểu cơ thể chống lại virus một cách tự nhiên bằng cách tạo ra các kháng thể, và những thứ này tồn tại trong bao lâu, vài tuần hay vài tháng sau khi hồi phục.

Tuy nhiên, trong khi hầu hết tất cả những người tham gia đều có kháng thể có thể phát hiện có thể vô hiệu hóa và ngăn chặn virus Corona, mức độ bắt đầu suy yếu trong ba tháng của nghiên cứu.

Tại cuộc họp của WHO, các chuyên gia y tế cũng cho biết có bằng chứng cho thấy trẻ em dưới 10 tuổi chỉ bị ảnh hưởng rất nhẹ bởi Covid-19, trong khi những người trên 10 tuổi dường như bị các triệu chứng nhẹ tương tự như người trẻ tuổi.

Ở mức độ vẫn chưa được biết, trẻ em có thể truyền virus, nhìn chung tỷ lệ có vẻ thấp.

(Kiến thức gia đình số 29)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.