| Hotline: 0983.970.780

Xã Bằng Cả hối hả tái đàn

Thứ Năm 17/10/2024 , 06:13 (GMT+7)

QUẢNG NINH Các hộ chăn nuôi gà lai Hồ tại xã Bằng Cả (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đang nhanh chóng sửa chữa chuồng trại, tái đàn sản xuất để khôi phục kinh tế.

Chị Bàn Thị Hòa (xã Bằng Cả, TP. Hạ Long) đã nhanh chóng tái đàn để khôi phục sản xuất chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Chị Bàn Thị Hòa (xã Bằng Cả, TP. Hạ Long) đã nhanh chóng tái đàn để khôi phục sản xuất chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bằng Cả là xã dân tộc thiểu số miền núi của TP. Hạ Long, tổng diện tích tự nhiên 3.200ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp chiếm 2/3 tổng diện tích cả xã, phần lớn là đất rừng và đồi núi. Xã có 512 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu, người dân tộc thiểu số chiếm trên 97%.

Do ảnh hưởng của bão số 3, toàn xã bị thiệt hại khoảng trên 20 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực chăn nuôi bị thiệt hại 800 triệu đồng. 

Chăn nuôi gà hơn 10 năm nay, đến năm 2022, chị Bàn Thị Hòa (thôn 2, xã Bằng Cả, TP. Hạ Long) đã mạnh dạn vay vốn để mở rộng mô hình chăn nuôi gà lai Hồ với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ đồng. Trang trại chăn nuôi rộng hơn 1ha với 7 chuồng trại, thời điểm trước bão, chị Hòa đang nuôi 2.600 con gà lai Hồ 4 tháng tuổi.

"Bão vào làm hư hỏng 6 chuồng nuôi gà của gia đình tôi. Do chuồng trại nằm dưới tán rừng keo nên khi cây keo gãy đổ vào chuồng làm hệ thống mái bị sập hoặc gió thổi bay. Đàn gà nghe tiếng động mạnh hoảng loạn chạy vào rừng keo rồi chết la liệt. Ngoài ra, mưa lớn sau bão cùng chuồng trại mất mái che nên gà cũng dính nước mưa mà chết. Chỉ trong vài ngày, gia đình tôi mất trắng khoảng 2.300 con gà đang chuẩn bị xuất bán. Thiệt hại khoảng trên 400 triệu đồng, chưa kể chi phí sửa chữa chuồng trại", chị Hòa ngậm ngùi kể.

Gà lai Hồ thả đồi đã trở thành sản phẩm chủ lực của xã vùng cao Bằng Cả. Ảnh: Nguyễn Thành.

Gà lai Hồ thả đồi đã trở thành sản phẩm chủ lực của xã vùng cao Bằng Cả. Ảnh: Nguyễn Thành.

Sau bão, chuồng trại trở nên ngổn ngang, chị Hòa đã thuê người mang theo máy cưa lên dọn rừng để nhanh chóng phục hồi sản xuất. Đối với gà chết, cán bộ thú y cơ sở đã đến kiểm đếm, rắc vôi bột, đào hố tiêu hủy theo đúng quy định.

"Chỉ còn vài tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, do đó, tôi quyết định vay tiền anh em trong gia đình để tái đàn sản xuất. Đến nay, gia đình tôi đã sửa xong chuồng trại và nhập hơn 2.000 gà giống về để chăn. Trước đây có rừng keo che nên chuồng trại không bị nắng nóng, nay rừng keo không còn nên tôi phải dùng thêm quạt công nghiệp. Vì vậy chi phí cũng tăng hơn trước một chút", chị Hòa cho biết.

Bên cạnh hộ gia đình chị Bàn Thị Hòa, chị Lý Thị Nhàn (xã Bằng Cả) cũng thiệt hại 4.000 con gà lai Hồ. "Tôi đã cùng chồng nhanh chóng xử lý gà bị chết bằng cách tiêu hủy theo quy định. Sau khi tiêu độc khử trùng chuồng trại, gia đình tôi cũng nhập 2.000 con giống về nuôi để kịp có nguồn hàng cung cấp dịp Tết sắp tới", chị Nhàn cho biết.

Ông Bàn Sinh Tề, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Cả (TP Hạ Long) chia sẻ, ngay sau bão, địa phương đã nhanh chóng triển khai công tác kiểm tra thiệt hại, cũng như khắc phục hậu quả. "Đối với ngành nông nghiệp, toàn xã thiệt hại khoảng 300ha rừng keo (mức độ 50% trở lên), gần 6.000 gia cầm và 20ha lúa. Tổng thiệt hại trên toàn xã là trên 20 tỷ đồng", ông Tề cho biết.

Đối với các hộ chăn nuôi bị thiệt hại, UBND xã Bằng Cả đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân trong công tác khắc phục hậu quả cũng như tái sản xuất.

"Những hộ gia đình chăn nuôi bị thiệt hại nặng do bão số 3, UBND xã đã làm hồ sơ hoàn thiện gửi UBND TP Hạ Long để xét duyệt hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính Phủ. Ngoài ra, Hội nông dân xã đã hỗ trợ hộ chăn nuôi vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền 60 triệu đồng. Đây là nguồn động viên, khích lệ tinh thần để bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này", Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Cả nhấn mạnh.

Bão số 3 đã làm chết trên 400.000 con gia súc, gia cầm trên địa bà tỉnh. Nhiều trang trại bị tốc mái, đổ tường; chuồng nuôi bị ngập lụt; môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phân công cán bộ đến các địa phương bị ảnh hưởng, phối hợp với chính quyền cấp xã, đơn vị chuyên môn đến tận các cơ sở, hộ chăn nuôi, hướng dẫn bà con khắc phục, cải tạo lại chuồng trại và môi trường chăn nuôi, nhất là công tác khử trùng tiêu độc, dọn dẹp, khử trùng, rắc vôi bột, kiểm tra tình trạng sức khỏe của gia súc, gia cầm, hướng dẫn chăm sóc, hỗ trợ tăng sức đề kháng, vacxin phòng bệnh.

Xem thêm
Khánh Hòa phát hiện 7 mẫu virus cúm A/H5N1 lưu hành

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa phát hiện có 7 mẫu có sự lưu hành virus cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm bán tại chợ ở thị xã Ninh Hòa và TP. Nha Trang.

Giá cau tươi tăng đột biến, nông dân lãi lớn

QUẢNG NAM Vào thời điểm chính vụ, giá cau tươi tăng cao gấp nhiều lần so với trung bình nhiều năm, các chủ vườn phấn khởi vì vụ cau năm nay thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Đi tìm giống quýt cổ Nam Sơn

Chẳng ai biết quýt cổ với vị chua ngọt và mùi thơm đặc trưng đã có trên đất xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình tự bao giờ…

Bình luận mới nhất