Nhà nước, doanh nghiệp đồng hành
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại nặng nề cho 22 địa phương, tổng thiệt hại về gia súc là 25.011 con, gia cầm lên tới 3.179.300 con. Trong đó, Hải Phòng chịu thiệt hại nặng nhất với 5.350 con gia súc và 1.036.238 con gia cầm, sau đó là tỉnh Quảng Ninh với hơn 2.000 con gia súc và hơn 345 nghìn con gia cầm. Các địa phương thiệt hại ít hơn như: Yên Bái, Hà Nội và Thái Nguyên,…
Kết quả khảo sát tại các địa phương cho thấy, các trang trại bị thiệt hại nặng nề do bão. Mái che bị tốc, tường đổ, hệ thống điện bị hư hỏng, khiến hoạt động sản xuất của các trang trại tê liệt. Vật nuôi bị thiệt hại nghiêm trọng do không có mái che, gặp mưa, dẫn đến tử vong. Tại những vùng bị ngập, việc di dời vật nuôi không kịp thời do nước lũ dâng nhanh, khiến gia súc, gia cầm chết hàng loạt.
Còn với chuồng trại, chủ yếu bị ngập, sụt mái, máy phát điện hỏng, kho cám bị tốc mái. Những khu vực bị sạt lở, chuồng trại hư hỏng nặng, gây thiệt hại lớn về vật nuôi. Nhiều vùng vẫn bị cô lập, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, gây khó khăn trong công tác tiếp cận, đánh giá thiệt hại và cứu trợ.
Gần 1 tháng sau khi bão đi qua, bất chấp các khuyến cáo của cơ quan chức năng, sau khi khắc phục cơ bản cơ sở vật chất, một số hộ chăn nuôi, nhất là nuôi gia cầm đã vội vã vào giống để kịp có sản phẩm cung ứng dịp Tết Nguyên đán 2025.
Điều đáng nói là trong những người chăn nuôi bị thiệt hại, nhiều người đã kiệt quệ, phải vay mượn hoặc cầm cố những tài sản còn giá trị còn sót lại để tái đàn, trong trường hợp nếu dịch bệnh xảy ra khả năng hồi phục gần như không thể.
Trước thực tế này, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã có những thông tin và khuyến cáo thiết thực dành cho người chăn nuôi đang nóng lòng muốn tái đàn sau thiên tai.
Theo đó, ông Phạm Kim Đăng nhận định, bão số 3 đã gây thiệt hại đáng kể đến ngành chăn nuôi, chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng của các trang trại có đầu tư lớn. Mặc dù số lượng gia súc, gia cầm bị chết không quá lớn (khoảng 3 triệu con gia cầm và gần 1 triệu con gia súc), nhưng điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân, nhất là ở những vùng nông thôn nơi chăn nuôi là nguồn thu nhập chính.
Việc hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại và tái đàn là vô cùng cấp thiết. Do vậy, ngay sau bão, Cục Chăn nuôi đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phục hồi sản xuất, ưu tiên đảm bảo sinh kế cho người dân sau bão lũ.
Để tái đàn an toàn, Cục Chăn nuôi cũng đã có văn bản khuyến cáo người dân chú trọng công tác vệ sinh thú y, đặc biệt là việc xử lý rác thải và xác chết động vật để kiểm soát dịch bệnh. Cùng với đó, người chăn nuôi cần lựa chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn sinh học, chuẩn bị thức ăn, nước uống đầy đủ và vệ sinh chuồng trại tốt trước khi tái đàn.
Trước thiệt hại của người dân, thực hiện lời kêu gọi của Bộ NN-PTNT, dù cũng ảnh hưởng nhất định nhưng hơn 100 doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y đã nhanh chóng vào cuộc. tham gia hỗ trợ băng nhu yếu phẩm, vật tư, vắc xin, con giống, thức ăn cho người dân. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào việc phục hồi, tái sản xuất của bà con.
“Tại thời điểm bão xảy ra, nhiều hộ đang có khoảng vay, các hộ đã có đề xuất, chúng tôi cũng đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT để tổng hợp và đề nghị Chính phủ bố trí vốn, giãn nợ cho các hộ đầu tư lớn để phục hồi sản xuất”, ông Phạm Kim Đang cho hay.
Sẽ sớm vượt qua khó khăn
Cũng theo ông Phạm Kim Đăng, sau những thiệt hại do bão, việc tái đàn là ưu tiên hàng đầu của bà con chăn nuôi. Dù ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn nhưng đó chỉ là tạm thời, hoàn toàn có thể vượt qua và khôi phục để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho 100 triệu dân, phục vụ khách du lịch và xuất khẩu.
Tuy vậy, việc tái đàn, tái sản xuất phải được cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ, có hướng dẫn thường xuyên, cụ thể để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Với người dân cần lưu ý 3 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, về vấn đề vệ sinh môi trường, chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vườn cần được vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên, bằng nhiều biện pháp khác nhau. Điều này giúp hạn chế mầm bệnh, tạo môi trường sống khỏe mạnh cho vật nuôi.
Về nguồn giống phải đảm bảo uy tín, người dân cần lựa chọn con giống rõ nguồn gốc, được kiểm dịch đầy đủ là yếu tố quan trọng. Việc sử dụng nguồn giống không rõ ràng dễ dẫn đến dịch bệnh, gây thiệt hại lớn. Ngoài con giống chất lượng, điều kiện chăn nuôi cũng cần được đảm bảo. Chuồng trại, thức ăn, nước uống phải đáp ứng nhu cầu của vật nuôi trong suốt quá trình nuôi dưỡng.
Về tài chính, với những hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng, việc tiếp cận vốn là rất cần thiết. Chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ thông qua việc bố trí vốn, giãn nợ, nhằm giúp bà con phục hồi sản xuất. Đối với những trường hợp thiệt hại quá lớn, không thể phục hồi, việc xây dựng trang trại mới hoặc xem xét di chuyển trang trại sang vị trí khác. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro do thiên tai, bảo vệ tài sản và đảm bảo sự phát triển bền vững.
“Hiện tại, người nông dân rất khó khăn sau bão, vì vậy khi đã cố gắng gượng dậy, tái đàn trở lại phải đảm bảo vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi, khu vực vườn có ảnh hưởng đến chăn nuôi liên tục, bằng nhiều biện pháp khác nhau. Riêng con giống rõ ràng, được kiểm dịch đầy đủ để tránh dịch bệnh nếu không rất dễ trắng tay và không còn tiềm lực để hồi phục”, ông Phạm Kim Đang nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, từ nay đến cuối năm, đang còn thời gian để người dân có thể nuôi được một lứa đàn lợn, nuôi một đàn gia cầm,… Hiện tại, qua thống kê cho thấy, lượng con giống, nguồn thức ăn để cung cấp phục vụ tái sản xuất sau bão là đảm bảo, việc còn lại là tổ chức thực hiện. Dù vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu, song song với việc tái thiết sản xuất, công tác vệ sinh phòng bệnh và an toàn sinh học phải đặt lên hàng đầu do thời tiết còn những biến động phức tạp, các dịch bệnh động vật còn nguy cơ rất lớn.