Nguy cơ dịch bệnh rất lớn sau mưa bão
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão thời gian qua đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi địa phương. Chủ yếu thiệt hại đến từ các trang trại gia cầm, điển hình có 1 trang trại đã bị thiệt hại 13.000 con gà do người dân không kịp di chuyển khi nước lũ dâng cao.
Thống kê cho biết, đợt thiên tai lịch sử vừa qua đã làm thiệt hại trên 300.000 con gia cầm, trên 800 con gia súc, chủ yếu là lợn. Thiệt hại tập trung ở những cơ sở chăn nuôi dọc 2 bên bờ sông Cầu tại huyện Phú Lương, Phú Bình, TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên. Bước đầu, tỉnh Thái Nguyên xác định ngành chăn nuôi thiệt hại trên 50 tỷ đồng, lĩnh vực thủy sản thiệt hại 27 tỷ đồng.
Chia sẻ thêm về những thiệt hại và nguy cơ ngành chăn nuôi địa phương phải đối mặt sau thiên tai, ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, cho biết, sau khi mưa bão, lũ lụt qua đi, hệ thống chuồng trại, cơ sở chăn nuôi của người dân được xác định bị thiệt hại do tốc mái, ngập lụt, số lượng lớn bùn đất chưa được xử lý đã làm ảnh hưởng đến môi trường chăn nuôi.
“Nguy cơ rất cao xảy ra tình trạng các mầm dịch bệnh sẽ đi theo nguồn nước, lây lan sang chuồng trại của người dân, từ đó làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi, gây thiệt hại cho tổng đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt là nguy cơ cao phát sinh bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại các trang trại chăn nuôi lợn. Có thể nói thiệt hại do dịch bệnh sau ngập lụt thậm chí còn có nguy cơ cao hơn thiệt hại do mưa bão”, ông Đỗ Đình Trung đưa ra cảnh báo.
Trước tình hình đó, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên cho biết, ngay sau khi mưa lũ đi qua, tỉnh đã tập trung hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh môi trường chăn nuôi, sát khuẩn, khử trùng, tiêu độc chuồng trại.
Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai cấp 5.000 lít thuốc sát trùng cho người dân, đồng thời đang xin Bộ NN-PTNT cấp thêm 20.000 lít thuốc sát trùng và 10.000 liều vacxin tụ huyết trùng, 10.000 liều vacxin lở mồm long móng để cấp phát cho các hộ nông dân.
“Tỉnh cũng đã xác định những hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng để điều động lực lượng, phối hợp cùng chính quyền địa phương nhanh chóng xử lý chuồng trại, vệ sinh môi trường cho người dân. Cùng với đó, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10, Thái Nguyên sẽ triển khai tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi đợt 2 trong năm 2024, qua đó xử lý dứt điểm các bệnh dịch nguy hiểm, giúp người dân đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch bệnh động vật”, ông Trung thông tin.
Theo đó, những hộ chăn nuôi đủ điều kiện đảm bảo an toàn sẽ được cơ quan chuyên môn hướng dẫn tái đàn một cách trận trọng, không tái đàn ồ ạt mà sẽ từng bước nâng số lượng tổng đàn phù hợp với công suất của từng trang trại. Đồng thời, người dân cũng sẽ được hỗ trợ đẩy nhanh công tác tiêm phòng vacxin để có thể nhanh chóng ổn định sản xuất.
“Đề sớm bù đắp những thiệt hại mà thiên tai gây ra, cần nhanh chóng tái đàn. Tuy nhiên điều kiện tiên quyết để người dân có thể tái đàn là phải đảm bảo được công tác an toàn sinh học. Do đó, tỉnh sẽ khẩn trương cùng với người dân xử lý vệ sinh môi trường, khử trùng tiêu độc, sát khuẩn để có thể tái thiết sản xuất một cách sớm nhất có thể”, ông Đỗ Đình Trung nhấn mạnh.
Hiện, 2 sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi Thái Nguyên là lợn và gà. Toàn tỉnh hiện có hơn 700 trang trại chăn nuôi, trong đó có hơn 260 trại lợn, gần 450 trại gà. Trong đó có 28 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh còn hiệu lực, 80 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAP còn hiệu lực.
Vừa nghe ngóng vừa tái đàn
Theo Sở NN-PTNT Thái Nguyên, ngay sau khi thiên tai qua đi, người dân cũng như các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm công tác giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao, các khu vực bị ngập lụt. Qua đó phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Cùng với đó, cần xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, tự ý chữa trị, không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.
Sở NN-PTNT Thái Nguyên cũng khuyến cáo, tại các vùng bị ngập, lụt, ngay sau khi nước rút, chính quyền và các cơ quan chuyên môn phải tổ chức tổng vệ sinh, thu gom phân, rác để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Đồng thời chỉ đạo lực lượng khuyến nông, lực lượng thú y cơ sở kiểm tra các cơ sở chăn nuôi để hướng dẫn người dân chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do mưa lũ. Song song, tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập lụt kéo dài.
Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng phù hợp đối với từng đối tượng nuôi, đồng thời bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết cho đàn vật nuôi.
Lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo quy định để tái đàn. Không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.
Ông Nguyễn Quốc Hoành, chủ trang trại chăn nuôi lợn gia công liên kết với doanh nghiệp nước ngoài tại xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên chia sẻ: "Hiện, chúng tôi đã hoàn thành công việc vệ sinh môi trường, khử trùng tiêu độc chuồng trại, đảm bảo an toàn để sẵn sàng tái đàn. Tuy nhiên, sau mưa lũ, các dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi sẽ có nguy cơ tiềm tàng để bùng phát bất cứ lúc nào. Do đó, chúng tôi xác định sẽ vào đàn từ từ, vừa tái đàn vừa nghe ngóng tình hình. Đợt này, tôi sẽ chỉ tái đàn tối đa 600 con, đạt 50% công suất của trang trại là 1.200 con nái.”
Sở NN-PTNT Thái Nguyên cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi rà soát, tổ chức tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2024, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn, tụ huyết trùng...
Tỉnh yêu cầu bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng vacxin. Các địa phương chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ và bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh động vật theo quy định.
Hiện, Thái Nguyên có tổng đàn lợn hơn 600.000 con, gia cầm hơn 16 triệu con, trâu, bò gần 100.000 con. Tỉnh đang hình thành khoảng 20 chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ khép kín. Hầu hết các trang trại, hợp tác xã, hộ chăn nuôi đã sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và chăn nuôi theo hướng hữu cơ.