| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận bừng sáng: [Bài 2] 'Quả ngọt' cho sự kiên trì, nỗ lực

Thứ Tư 01/11/2023 , 14:31 (GMT+7)

Giữa năm 2023, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định 1161 công nhận 3 xã Hồng Phong (Bắc Bình); Phú Lạc (Tuy Phong); Suối Kiết (Tánh Linh) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Diện mạo nông thôn mới Hồng Phong

Kết quả đó là ‘quả ngọt’ của sự kiên trì, nỗ lực của các địa phương. Hồng Phong là xã trung du, nằm ven biển, cách trung tâm huyện 47 km và cách TP Phan Thiết 37 km, với tổng diện tích tự nhiên gần 9.000 ha, trong đó diện tích gieo trồng cây hàng năm và lâu năm 664 ha. Toàn xã chỉ có 2 thôn Thanh Thịnh và Hồng Trung, với 425 hộ khoảng 1.700 người.

Nông thôn mới ở xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình. Ảnh: KS.

Nông thôn mới ở xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình. Ảnh: KS.

Do địa hình phức tạp vùng đồi cao bao quanh 4 phía, thấp dần phía trung tâm xã, tạo ra địa hình dạng lòng chảo nên khó khăn cho xã nhiều mặt như mặt bằng bố trí sản xuất, mở đường giao thông, thủy lợi. Ngoài ra cũng dễ gây hiện tượng rửa trôi, xói mòn, ngập úng vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô làm ảnh hưởng đến sản xuất và năng suất cây trồng.

Tuy nhiên với sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương trong việc “chung sức đồng lòng” xây dựng nông thôn mới nên mọi khó khăn đều vượt qua. Bộ mặt địa phương ngày càng khởi khắc, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, an ninh trật tự ngày càng giữ vững, thu nhập người dân ngày càng đi lên…

Cuối tháng 8 vừa qua, chính quyền và nhân dân Hồng Phong đón bằng công nhận xã nông thôn mới. Trong ngày vui toàn xã, ông Hà Trung Nghiêm, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong chia sẻ, sau 11 năm triển khai thực hiện, xã Hồng Phong cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới.

Điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương là kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng thay đổi, khang trang. Nhiều tuyến đường nông thôn đã được đầu tư xây dựng nhựa, bê tông hóa, không còn cảnh lầy lội vào mùa mưa, bụi bặm vào mùa nắng. Cùng với đó, hệ thống điện trên địa bàn xã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và dân sinh, đảm bảo không thiếu điện vào mùa khô.

Đời sống vật chất tinh thần của người dân xã Hồng Phong ngày càng đi lên. Ảnh: KS.

Đời sống vật chất tinh thần của người dân xã Hồng Phong ngày càng đi lên. Ảnh: KS.

Hiện tỷ lệ hộ sử dụng điện từ nguồn điện quốc gia đạt 100%. Hệ thống trường học các cấp được tỉnh, huyện chú trọng ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng. Đến nay tất cả các trường mầm non, tiểu học và THCS đều đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt, người dân trên địa bàn xã Hồng Phong đã và đang sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Điển hình, trong 2 năm qua, bà con đã hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm dông thịt giữa HTX Nuôi Dông thương phẩm Khu Lê và Công ty TNHH Biển Bắc, với số lượng hơn 9 tấn, với giá thu mua theo hợp đồng 600 ngàn đồng/kg.

“Các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, chúng tôi cũng triển khai có hiệu quả. Nhờ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Năm 2022, thu nhập bình quân ở xã đạt khoảng 44 triệu đồng/người/năm"” ông Hà Trung Nghiêm bày tỏ.

Dân phấn khởi vì hưởng lợi

Đối với các xã Phú Lạc, Suối Kiết cũng rộn ràng niềm vui khi mới đây tổ chức lễ công bố đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là kết quả minh chứng rõ cho những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và người dân 2 xã khi biết khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh, đánh dấu sự chuyển mình của địa phương và làm tiền đề để phát triển trong những năm tới.

Một góc nông thôn ở xã Phú Lạc. Ảnh: KS.

Một góc nông thôn ở xã Phú Lạc. Ảnh: KS.

Nhớ lại những ngày đầu khi bắt tay trong quá trình xây dựng nông thôn, xã Phú Lạc gặp không ít khó khăn, thách thức, vì hạ tầng nông thôn yếu kém, kinh tế chuyển dịch chậm... Phú Lạc là xã miền núi trung du thuần đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó khoảng 2/3 là dân tộc Chăm.

Nhưng đó là câu chuyện của 10 năm trước, giờ đây, chúng tôi về xã Phú Lạc, nơi miền núi trung du thuần đồng bào dân tộc thiểu số này, cảm nhận đã khoác cho mình diện mạo mới khi đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn xã, 100% trục đường liên xã, nội thôn, liên thôn, được cứng hóa; 98% đường ngõ, xóm được bê tông hóa, sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm. Đi trên những con đường này, niềm vui, sự phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của những người dân.

Ông Thường Xuân Hữu, một người dân ở xã Phú Lạc bày tỏ, những năm trước đây đường sá trên địa bàn đi lại khó khăn, nhờ xây dựng nông thôn mới mà điện, đường, trường, trạm được đầu tư, nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con được thuận lợi. Các dịch vụ phát triển giúp đời sống bà con từng bước được cải thiện. Nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên, môi trường nông thôn cũng sạch hơn nên ai nấy đều phấn khởi.

Trong sản xuất nông nghiệp, xã Phú Lạc có Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xây dựng được mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Từ các nguồn vốn khác nhau, xã Phú Lạc đã đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong năm 2021, toàn xã có 9 ngôi nhà được xây dựng mới với tổng kinh phí 700 triệu đồng; Tỷ lệ hộ nghèo còn 4,9%; các tiêu chí về giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng đều đạt và vượt chỉ tiêu theo quy định.

Ông Huỳnh Tấn Sinh, Chủ tịch UBND xã Phú Lạc cho biết, có được kết quả như hôm nay là sự cố gắng không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ngành đoàn thể và nhân dân xã Phú Lạc. Đến nay, đời sống của người dân trong xã ngày một nâng cao; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng dần theo từng năm, trong đó năm 2022 đạt 44,3 triệu đồng/người, tăng 0,9 lần so với năm 2021.

Xã Suối Kiết đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: KS.

Xã Suối Kiết đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: KS.

Còn bà Trần Thị Bích Trâm, Chủ tịch UBND xã Suối Kiết chia sẻ thành tích nổi bật trong công tác xây dựng nông thôn mới, bà phấn khởi nói: “Suối Kiết là một xã miền núi với 5 thôn 25 xóm, trong đó thôn 2 là thuần đồng bào dân tộc thiểu số tập trung sinh sống. Khi bước vào xây dựng nông thôn mới, điều kiện kinh tế - xã hội của xã còn nhiều khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém….

Đứng trước thực trạng đó, để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, xã thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đồng thời phân công các thành viên phụ trách các địa bàn thôn để hướng dẫn người dân phối hợp thực hiện các tiêu chí. Trải qua quá trình đoàn kết phấn đấu của tập thể cán bộ và nhân dân, đến cuối năm 2022, xã Suối Kiết đã đạt 19/19 tiêu chí”.

Theo bà Trần Thị Bích Trâm, hiện 100% đường xã, liên xã, đường trục thôn, đường ngõ, xóm và hơn 71% đường giao thông nội đồng đã được cứng hóa bằng nhựa, bê tông, sỏi cuội đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm. Diện mạo nông thôn của xã từng bước khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, sạch đẹp, thu nhập bình quân đạt 47 triệu đồng/người/năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện.

Phơi lá buông ở xã Suối Kiết. Ảnh: KS.

Phơi lá buông ở xã Suối Kiết. Ảnh: KS.

Đến nay xã Suối Kiết đã hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày như điều, cao su và cây ăn quả trên 3.200 ha. Điều này tạo vùng nguyên liêu tập trung sản xuất lớn, thu hút nhiều công ty, nhà máy sơ chế mủ cao su, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn xã. Hiện tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã còn 4,26% và trên 93% tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được đảm bảo; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn được giữ vững, ổn định.

Ông Lê Đình Tuyên, một người dân thôn 4, xã Suối Kiết cho biết, thời gian qua việc xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo địa phương, trong đó bà con là người trực tiếp hưởng lợi. Vì vậy, khi triển khai làm đường bê tông nông thôn, nhiều bà con hiến đất, di dời hàng rào để công trình sớm thi công. Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo bộ mặt nông thôn ngày càng thêm khởi sắc, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn nên bà con rất phấn khởi.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.