| Hotline: 0983.970.780

Xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ

Thứ Sáu 26/07/2013 , 08:03 (GMT+7)

Tổng thống Obama khẳng định sự coi trọng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và mong muốn quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Barack Obama đón và hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Ngày 25/7, tại Nhà Trắng đã diễn ra cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama. Tổng thống Obama đã hoan nghênh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam tới thăm chính thức Hoa Kỳ; khẳng định sự coi trọng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và vai trò của Việt Nam tại khu vực; đồng thời mong muốn quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Tổng thống Obama nhấn mạnh Hoa Kỳ tiếp tục coi trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tổng thể chiến lược chung của Hoa Kỳ, trong đó có vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang định hình cũng như các cơ chế hợp tác tiểu khu vực; mong muốn thúc đẩy quan hệ với ASEAN cũng như các đối tác khác của Hoa Kỳ tại Đông Bắc Á...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn Tổng thống Obama đã mời Chủ tịch nước thăm chính thức Hoa Kỳ; khẳng định Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với châu Á-Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, nhấn mạnh Việt Nam coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ. Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ hai nước thời gian qua đã phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trên cả bình diện song phương và đa phương, tạo nền tảng cho quan hệ bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Trên cơ sở đó, hai nhà Lãnh đạo đã quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ tạo ra khuôn khổ mới cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, môi trường và y tế, hợp tác nhân đạo - giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng-an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, và văn hóa-thể thao-du lịch... Hai nhà Lãnh đạo tin tưởng Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ không chỉ phục vụ tốt hơn lợi ích hai nước mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama cũng đã trao đổi các biện pháp nhằm đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, trong đó có tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, thiết lập các cơ chế hợp tác mới hoặc nâng cấp các cơ chế hiện có. Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh việc thiết lập cơ chế đối thoại thường kỳ giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao. Hai bên nhấn mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là nền tảng và động lực của Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, khẳng định cam kết hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào thời điểm sớm nhất có thể trong năm, tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của mỗi nước trong khuôn khổ một hiệp định cân bằng và toàn diện.

Tổng thống Obama hoan nghênh những thành tựu đổi mới kinh tế của Việt Nam, nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư thông qua khuôn khổ Hội đồng TIFA, cũng như Sáng kiến Tăng cường liên kết kinh tế ASEAN (E3) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC); ghi nhận quan tâm của Việt Nam về việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác khoa học-công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, công nghệ không gian và nghiên cứu biển. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực song phương khác, như: Giáo dục, quốc phòng-an ninh, hợp tác nhân đạo khắc phục hậu quả chiến tranh... cũng như tăng cường phối hợp trên các diễn đàn quốc tế và khu vực như APEC, ARF, EAS, ADMM+...

Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hai nhà Lãnh đạo cũng tái khẳng định ủng hộ nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển và lãnh thổ. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, và tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán để đạt được bộ Quy tắc ứng xử (COC) hữu hiệu trên Biển Đông.

Hai bên cũng đã trao đổi về một số vấn đề còn khác biệt, trong đó có vấn đề quyền con người; nhất trí tiếp tục thông qua đối thoại xây dựng và tôn trọng lẫn nhau để tăng cường hiểu biết, giảm thiểu khác biệt, không để vấn đề này ảnh hưởng tới quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.

Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã giới thiệu với Tổng thống Obama bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman ngày 16/2/1946, trong đó bày tỏ Việt Nam mong muốn được “hoàn toàn độc lập” và ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ (bức thư gốc hiện đang được lưu giữ tại Cục Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ).

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã mời Tổng thống Obama và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam vào thời gian thích hợp và Tổng thống Obama đã vui vẻ nhận lời.

Sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama đã có cuộc gặp gỡ báo chí. Hai bên đã ra Tuyên bố chung về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Cùng ngày, tại Thượng viện, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp Chủ tịch thường trực Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng Nghị sỹ Patrick Leahy. Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò của Thượng nghị sĩ Leahy và Thượng viện Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước; cảm ơn cá nhân Thượng nghị sĩ đã ủng hộ quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ, trong đó có việc ký Hiệp định thương mại song phương (BTA), Mỹ trao Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam và hỗ trợ tài chính giải quyết hậu quả chất da cam/dioxin.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn Thượng nghị sĩ Leahy tiếp tục đóng góp thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới, như ủng hộ việc thiết lập cơ chế đối thoại thường niên giữa hai Quốc hội, tái lập nhóm nghị sỹ vì quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, ủng hộ Việt Nam trong đàm phán TPP, công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, loại bỏ các biện pháp cản trở thương mại hai nước trong đó có chương trình giám sát cá da trơn mới theo Đạo luật Nông trại 2013, bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, tăng hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh, không thông qua các dự luật, nghị quyết không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước.

Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy đã chào mừng Chủ tịch nước tới thăm chính thức Hoa Kỳ; bày tỏ vui mừng về kết quả hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama, nhất là việc hai nước tuyên bố xác lập Đối tác toàn diện, cho rằng việc xác định khuôn khổ mới định hình cho sự phát triển quan hệ trong thời gian tới là điều hết sức cần thiết và kịp thời. Thượng nghị sĩ Leahy ghi nhận tích cực những đề nghị của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về quan hệ song phương, nhất là vấn đề tăng cường đối thoại giữa hai Quốc hội và giải quyết hậu quả chất da cam/dioxin.

Thượng nghị sĩ Leahy cho biết Thượng viện Hoa Kỳ rất quan tâm tới tình hình khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, ủng hộ chính sách tái cân bằng của Chính quyền Tổng thống Obama, ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc đang nổi lên ở khu vực, ủng hộ vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trong ASEAN cũng như trong các vấn đề khu vực và quốc tế; hoan nghênh Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ 2014 và sẽ sớm tham gia Công ước chống tra tấn. Thượng nghị sĩ Leahy tái khẳng định Thượng viện Hoa Kỳ phản đối việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực hay các biện pháp cưỡng ép trong giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982, ủng hộ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Chiều ngày 25/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa kỳ (CSIS) và có bài phát biểu quan trọng. Tối cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Thủ đô Washington DC đi thăm thành phố New York.

(Vietnam+)

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm