Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu các Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, không để thiếu nước cho sinh hoạt, thủy điện và ảnh hưởng tới sản xuất, nhất là đối với các lĩnh vực trọng yếu.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công 1 đồng chí lãnh đạo Bộ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; tổ chức dự báo chuyên ngành, chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh thời vụ, cơ cấu cây trồng và thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng tính toán, lập kế hoạch lấy nước cụ thể phục vụ sản xuất vụ Hè Thu năm 2023; Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi.
Tổng hợp tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các địa phương, chủ động phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ các địa phương, nhất là các tỉnh khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.
XUẤT KHẨU MỰC, BẠCH TUỘC ĐẠT TRÊN 138 TRIỆU USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam - VASEP, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam trong quý 1/2023 đạt hơn 138 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, mực chiếm 54,4%, còn lại bạch tuộc chiếm 45,6%. Giá trị xuất khẩu mực giảm 12%, xuất khẩu bạch tuộc giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù không tránh khỏi tăng trưởng âm trong xu hướng sụt giảm chung của ngành thủy sản, tuy nhiên, so với các sản phẩm thủy sản khác, giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc ghi nhận mức giảm thấp hơn
Trong Top 10 thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, Nhật Bản là thị trường duy nhất ghi nhận tăng trưởng dương ở sản phẩm mực, với mức tăng 12%.
GIÁ TÔM TIẾP TỤC LAO DỐC
Khảo sát tại các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau cho thấy, giá tôm liên tục lao dốc. Loại 100 con một kg đang được thương lái thu mua với giá 70.000-80.000 đồng, giảm 30% so với tháng trước.
Loại 30-40 con một kg, giá cũng đồng loạt giảm 20%, khi chỉ còn 108.000-35.000 đồng.
Trong khi đó, chi phí đầu tư để nuôi tôm, đặc biệt với hộ nuôi công nghệ cao, tăng vọt.
Theo VASEP, xuất khẩu lao dốc khiến nhiều doanh nghiệp trong nước khó khăn. Sức mua tôm ở 2 thị trường chính là EU và Mỹ vẫn giảm mạnh do lạm phát tăng cao. Thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại nhưng lượng xuất khẩu vẫn rất thấp.
GIÁ ẾCH GIẢM TỪ 12.000 ĐỒNG/KG
Sau đà tăng lên ở mức cao kỷ lục, hiện giá ếch thịt tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã giảm từ 12.000-13.000 đồng/kg so với thời điểm 1 tháng trước.
Hiện ếch thịt loại 3-6 con/kg được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua với giá từ 46.000-54.000 đồng/kg, trong khi trước đây có giá 59.000-67.000 đồng/kg.
Giá giảm do nguồn cung tăng vì lượng ếch tới lứa xuất bán nhiều. Ngoài ra, nhu cầu ếch thịt phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đang có phần phần chậm so với các tháng trước nên nhiều tiểu thương, doanh nghiệp cũng giảm thu mua.