| Hotline: 0983.970.780

Xây đô thị trung tâm nhưng phát sinh thêm 'xóm ổ chuột' trên đất công?

Thứ Tư 21/12/2022 , 09:36 (GMT+7)

Giải phóng mặt bằng cho khu đô thị mới, 28 hộ dân phải di dời được doanh nghiệp cam kết tái định cư. Song gần 6 năm qua, họ vẫn ở tạm trên đất công...

IMG_9274

Từ trẻ nhỏ, người già nheo nhóc trong những căn nhà lụp xụp giữa trung tâm TP Lào Cai. Ảnh: H.Đ

3 thế hệ ở trong nhà tạm 19m2

Ngay giữa trung tâm thành phố Lào Cai, cạnh nhà văn hóa của Duyên Sơn của tổ 13-14 phường Cốc Lếu (TP Lào Cai) là "xóm ổ chuột". Theo người dân sinh sống ở đây, cái tên này hoàn toàn đúng với nghĩa đen của nó. Khoảng 28 hộ gia đinh sinh sống trong những căn nhà tôn tạm bợ, với diện tích trung bình 20m2.

Xập xệ, nhếch nhác, chuột bọ, ẩm thấp, gián rết... không ai ở đây phải xấu hổ khi nói về thực trạng nơi họ đang sống. Họ đang chờ đợi Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh thực hiện những cam kết, những lời hứa trong nhiều năm qua.

"Năm nay là năm thứ 6, tôi và các con, các cháu tôi nữa cùng ở trong căn nhà lụp xụp 19m2. Với 3 thế hệ trong một gia đình trong đó có cả trẻ sơ sinh mới chào đời. Ở đây rất khổ mà không biết phải chờ mặt bằng đến bao giờ. Cứ ở thế này bí bách lắm, mà chúng tôi tham gia đóng góp đầy đủ ở địa phương nên chúng tôi cực kỳ bức xúc.

Ở đây, chuột bọ, gián rết, mưa gió sập bất cứ lúc nào, ai là người bảo vệ chúng tôi? Về tính mạng con người thật là bất an, lo lắng, sợ sệt. Mặc dù chúng tôi đã kêu cứu nhiều lần nhưng chưa được giải quyết... Lại một cái Tết sắp qua đi vẫn không thấy đâu”, bà Nguyễn Thu Hằng ở tổ 13 phường Cốc Lếu (TP Lào Cai) nói.

Cũng theo những người dân ở "xóm ổ chuột" phản ánh, trước khi quy hoạch đền bù, họ được chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành xuống vận động để ra nơi ở tạm chờ mặt bằng trong 6 tháng. Tuy nhiên, 6 năm sau mặt bằng vẫn chưa thấy đâu, không biết đợi đến khi nào họ mới có cuộc sống mới.

Nghịch cảnh ở "xóm ổ chuột" là nhà văn hóa Duyên Hải nằm sát bên cạnh vừa được xây dựng xong với chi phí khoảng 7 tỷ đồng, nước sơn còn mới. Theo người dân họ còn chưa được sử dụng nhà văn hóa này vì công trình chờ bàn giao.

Bà Hoàng Thị Hoa cùng ở “xóm ổ chuột” cho biết, khi Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh lấy đất, nhà tôi được đền bù 96 triệu đồng từ năm 2010 đến giờ. Họ nói lấy đất rồi cắm trả lại, đến giờ là bao nhiêu năm rồi? Nhà tôi có 10 khẩu, các con, các cháu, 3 thế hệ ở thế này thì quá bức xúc. Chúng tôi có hơn 100 hộ dân trả mặt bằng cho ông Cao Duy Lũy, Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh làm. Làm xong rồi bán đi không cắm trả cho chúng tôi ở ngay đây.

IMG_8908

Gọi là nhà tạm nhưng những hộ dân sống không khác cảnh "màn trời chiếu đất là mấy". Ảnh: H.Đ

“Xóm ổ chuột" trên đất công

Theo người dân phản ánh, căn cứ thông báo số 84/TB-VPUBND ngày 15/6/2017 của Văn phòng HĐND và UBND TP Lào Cai; thông báo kết luận của ông Tô Ngọc Liễn, Phó Chủ tịch UBND TP Lào Cai và căn cứ công văn số 13/CV-DN ngày 17/7/2017 của Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh, ngày 27/7/2017, họ đã được bốc thăm vị trí đất doanh nghiệp dự kiến bán cho họ và lập biên bản thống nhất xác định vị trí đất, với diện tích khoảng 100m2 mỗi hộ, đơn giá 3,5 triệu đồng/m2.

Giá doanh nghiệp bán cho các hộ dân đã bao gồm san gạt mặt bằng và doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất dự án. Tuy nhiên, tới nay chưa biết mặt bằng ở đâu.

Trong khi đó, phục vụ giải phóng mặt bằng những hộ dân đã được di dời ra nơi ở tạm trên đất công. Ông Nguyễn Trọng Đoan, Chủ tịch UBND phường Cốc Lếu (TP Lào Cai) xác nhận những hộ dân trong “xóm ổ chuột” sống trong những căn nhà tạm làm trên đất công của nhà văn hóa Duyên Sơn, được quy hoạch là bãi đỗ xe, cây xanh...

Bà Đỗ Thị Hiền ở “xóm ổ chuột” cho biết, gia đình trước đây một mẹ, hai con ăn học, nghèo nên mua đất trong ngõ. Theo số đông, dân họ làm thế nào thì mình làm thế thôi. Năm 2017, được phường, thành phố di chuyển ra ngoài này để bàn giao đất cho Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh xây dựng dự án đô thị mới. Qua thời gian, dân chờ quá lâu, muốn được doanh nghiệp bán cho mảnh đất giá 350 triệu đồng nhưng 6 năm chưa có đất trả cho dân.

Căn nhà tạm của gia đình bà đang ở được dựng bằng tôn và cột gỗ đã mục nát, mặt trước và sau là tường xây, nhưng 2 bên hông giáp các hộ được căng bằng bạt.

Cũng có người ở "xóm ổ chuột” chờ đợi quá lâu nên đã mất. Căn nhà họ ở quá chật trội, lại đông người nên không đủ chỗ tổ chức một đám ma cho đàng hoàng. Khi sống tạm bợ, khi mất cũng không có gì hơn.

“Dân chúng tôi khổ quá rồi chỉ biết kêu cán bộ tỉnh, thành phố, doanh nghiệp trả đất cho dân để lấy chỗ nương náu chứ không biết làm thế nào được”, bà Đỗ Thị Hiền nói.

Một số người dân ở đây lo lắng, mặc dù thỏa thuận được mua với giá 350 triệu đồng/100m2 nhưng thời gian kéo dài, dự án khu đô thị mới do Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh xây dựng quá lâu khiến giá mua suất đất của họ có thể tăng trong năm 2023.

“Chúng tôi cũng nhiều lần đề nghị với doanh nghiệp, họ cũng chỉ bảo chờ đợi, khi nào có sẽ được mua. So với thời điểm đó 350 triệu đồng không phải số tiền nhỏ. Trước đây thông báo là số tiền là như vậy nhưng mới đây có thông tin tăng lên 600 triệu đồng”, bà Nguyễn Thị Hằng cho biết.

Trong khi, những năm sống tạm bợ đã bào mòn kinh tế của những hộ gia đình này. Cuộc sống không ổn định, lo lắng an nguy khi ở “xóm ổ chuột”, bỏ thời gian đi đòi đất, tham gia các cuộc họp… khiến họ không còn tâm chí nào đầu tư vào công việc, kinh doanh buôn bán.

"Xóm ổ chuột” ra đời do việc thu hồi đất xây dựng dự án khu đô thị mới tại tổ 24A-26B, phường Duyên Hải (TP Lào Cai) được UBND tỉnh Lào Cai chỉ định chủ đầu tư - Doanh Nghiệp tư nhân Bình Minh thực hiện từ năm 2011.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.