Sống vật vờ cả chục năm
Từ năm 2011, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh đã ký quyết định cho phép đầu tư thực hiện dự án khu đô thị mới tổ 24A đến tổ 26B phường Duyên Hải (TP Lào Cai) với diện tích 33,7ha. Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh (do ông Cao Duy Lũy, làm đại diện pháp luật) làm chủ đầu tư dự án, tự huy động nguồn vốn.
Ông Nguyễn Đăng Thinh cho biết, nhà tôi trước thuộc phường Duyên Hải nay là tổ 13, phường Cốc Lếu (TP Lào Cai). Từ tháng 9/1992, ông được điều động lên công tác tại Lào Cai rồi khai hoang phục hóa đất, một số thì mua của bạn bè được khoảng 2.600m2.
“Tôi có căn nhà gỗ 2 gian để ở sau đó dỡ đi để bàn giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án nhưng họ không thực hiện được cam kết. Họ cũng chưa bán 3 thổ đất cho gia đình chuyển sang nơi ở mới để đảm bảo cho cuộc sống. Giờ đây, gia đình tôi lợp tạm mái pro xi măng trên nền nhà cũ để ở.
Cuộc sống của gia đình tôi rất tạm bợ, bao nhiêu công sức cải tạo đất vườn, vì bùn đất ao múc lên đây hàng đống. Coi như là nấu nướng ăn, nấu cám cho gà lợn cũng là nơi thường xuyên sinh hoạt của gia đình. Ở thành phố nhưng cũng phải bắc nước từ nương cũ của nhà về. Các giấy tờ tài liệu, lý lịch công tác đỏ lòm, đóng cứng trong cặp vì bị nước bẩn ngấm vào”, ông Nguyễn Đăng Thinh nói.
Đến nay, sau 2 năm hứa hẹn cũng đã tròn 8 năm nhưng doanh nghiệp đền bù cũng không xong, đất bán cho dân ở cũng không có. Cũng chính vì vậy, gia đình ông đã rào một phần diện tích không cho Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh san gạt.
“Tôi chỉ trông mong thành phố, tỉnh sớm giải quyết cho người dân ổn định cuộc sống, không để thế này dân chúng tôi chết hẳn. Vị trí tôi đứng đây, những năm trước nước ở phía trên mưa là dội hết bùn đất lên nhà cửa, nước ngoài đường ngập vào 70-80 phân, nhà tôi 8 lần lũ lụt. Năm nay không biết có làm sao không vì mới lắp cống”, ông Thinh bức xúc.
Còn ông Nguyễn Khắc Hải cho biết diện tích đất nhà ông đã nhiều lần đổi địa chỉ do sáp nhập, hiện thuộc tổ 16, phường Cốc Lếu (TP Lào Cai). Gia đình ông có gần 26.000m2, song không hiểu lý do gì nhiều lần đo đạc bị chồng lấn, sai số, sai loại đất…
Ngồi trước chồng văn bản dày gang tay, ông Nguyễn Khắc Hải bức xúc, việc đo đạc, áp giá, thu hồi... đã kéo dài 11 năm. Năm nào cũng vài lần đến rồi bỏ dở thì làm sao người dân còn tâm lý nào để sản xuất. Trong khi, trước đây nhà tôi trồng nhiều cây ăn trái thu nhập tốt nhưng nay không thể sản xuất. Sau này, phải đề nghị doanh nghiệp phải bồi thường cho mình thời gian đó, chứ kéo dài đến hết đời mình thì làm sao được.
Chưa xong thủ tục thu hồi đền bù đã san gạt bừa bãi
Bà Vũ Thị Mùi, tổ 14, phường Cốc Lếu (TP Lào Cai) có hơn 5.000m2 đất trong đó có 2 xào ruộng. Từ năm 2010, bắt đầu họp triển khai dự án đến bây giờ là 11-12 năm nhưng chưa song.
“Nhà tôi sửa thì không cho sửa, đêm hôm mưa gió dột, bà cháu cứ phải lấy chậu hứng trong giường. Tôi phải bỏ tiền lợp tạm mái tôn nhưng không có tiền nên lợp được chỗ nào hay chỗ ấy, còn đâu thì kệ. 3 đứa con tôi đều đã có gia đình hết, các cháu cũng đã lớn, đứa học đại học đứa học 12 nhưng không có chỗ ở. Bây giờ phải đi thuê nhà ở vì đất quy hoạch rồi dân không thể xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở”, bà Vũ Thị Mùi nói.
Ngoài ra, theo bà, kinh tế gia đình đến nay cũng bị suy kiệt vì dự án kéo dài trong khi họ sinh sống bằng nghề nông, không phải buôn bán gì cả.
Tháng 1/2020, doanh nghiệp có sang động viên gia đình tôi bán cho tôi 1 suất đất 350 triệu đồng trên phần diện tích 3.000m2 trong bìa của gia đình tôi bị thu hồi nhưng cho đến nay 2 năm rồi nhưng không thấy đâu. Thành thử tôi phá đi 43 gốc vải trồng từ năm 1993, còn họ làm đất, gạt phăng đồi, làm thành đường rồi. Tôi không chống đối làm đường, nhưng chưa đền bù xong, mà các anh đã làm rồi”, bà Vũ Thị Mùi nói.Ông Nguyễn Văn Cự, tổ 15, phường Cốc Lếu (TP Lào Cai) là một hộ có diện tích đất sẽ bị thu hồi lên tới 4ha.
“Dự án này kéo dài 12 năm cứ lằng nhằng vậy thôi, làm ăn không ra gì. Công nhân nghe nói cũng trả họ bằng đất, không có tiền họ không làm nữa. Xe đứng đầy có người làm đâu. Thế thì doanh nghiệp thực hiện sao được. Họ ra quyết định thu hồi song lại hủy quyết định đó đến nay thì không thấy làm gì cả. Cho nên nó phức tạp vậy, không thì tôi đã đưa ra tòa rồi”, ông Nguyễn Văn Cự nói.
Cũng theo gia đình ông, từ năm 2012 đến nay doanh nghiệp đã san gạt khoảng một nửa diện tích đấy của gia đình, trong đó có nhiều loại đất khác nhau.
Lô đất thương mại dịch vụ (khu vực B6, phường Bắc Lệnh, TP Lào Cai) của ông Cao Duy Lũy, Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh cắm cọc bê nhiều năm rồi để không. Mới đây, UBND phường Bắc Lệnh yêu cầu dỡ bỏ lán trại vì chưa có giấy phép xây dựng.