Theo ông Trần Minh Hùng, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục đối mặt với những khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, những căng thẳng địa chính trị cùng nguy cơ khủng hoảng năng lượng và an ninh lương thực thế giới.
Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là sự lựa chọn của Việt Nam trên con đường hướng đến phát triển bền vững nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân song hành cùng tăng trưởng kinh tế.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cũng đã cam kết đưa phát thải ròng về zero (0) vào năm 2050. "Đó là trách nhiệm không hề đơn giản, vì cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân còn rất nhiều việc phải làm", ông Hùng nói.
Giảm lượng khí thải, xanh hóa môi trường sản xuất - kinh doanh và phát triển các công nghệ bền vững đang là xu hướng của tương lai. Nhiều doanh nghiệp và các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều đang đặt mục tiêu hướng tới Net Zero.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, trong mục tiêu chung của quốc gia tiến đến phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, TP.HCM cam kết tiên phong trong thực hiện mục tiêu này. Vì thế, TP.HCM xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.
Trên thực tế, Thành phố đã ban hành các ý tưởng, kế hoạch về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát triển đô thị bền vững và các chuyên ngành liên quan khác.
Hiện Thành phố đang trong quá trình cập nhật về chiến lược, quy hoạch, đặc biệt là xây dựng thể chế chính sách chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn để hướng tới phát triển bền vững rõ nét hơn. Trong đó, Thành phố tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xanh; xây dựng nguồn nhân lực xanh; hoàn thiện cơ chế thúc đẩy hợp tác quốc tế, hợp tác công tư để chuyển đổi xanh, phát triển bền vững nhanh hơn và đúng hướng.
Do đó, ông Mãi mong muốn nhận được sự đồng hành hỗ trợ của các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và đặc biệt là người dân Thành phố.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, trong mục tiêu chung của quốc gia tiến đến trung hòa carbon đến năm 2050, TP.HCM chọn Cần Giờ để xây dựng thí điểm trước và đang khẩn trương xây dựng kế hoạch “Cần Giờ không phát thải đến năm 2030”.
Trong đó, tập chung vào chuyển đổi các phương tiện đường thủy, đường bộ trên địa bàn sử dụng nhiên liệu thân thiện, tập trung vào sử dụng năng lượng sạch, tập trung xử lý rác thải, chất thải với công nghệ tiên tiến, đánh giá và thí điểm giao dịch tín chỉ carbon trên địa bàn Cần Giờ.
“Thành phố sẽ dành những nguồn lực tương xứng cho quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững để tham gia cùng nỗ lực chung của quốc gia thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2050 Net Zero”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định.
Theo phân tích của các chuyên gia, cuộc đua hướng tới Net Zero vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sớm cam kết sẽ hưởng lợi thế người tiên phong, định vị thương hiệu trước xu hướng thay đổi của người tiêu dùng, công nghệ mới và thị trường mới.
Sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối tư nhân và người tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý cùng doanh nghiệp đã đưa ra những đề xuất, giải pháp và cùng thảo luận về những thách thức, cơ hội khi tham gia tiến trình NET ZERO, hành trình kinh tế xanh trong xu thế vượt suy thoái và phát triển ổn định, bền vững.