| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng cảng cá Thụy Tân thành cảng cá loại I

Thứ Hai 12/04/2021 , 12:04 (GMT+7)

Tỉnh Thái Bình đề xuất xây dựng mới cảng cá Thụy Tân thành cảng cá loại I, đáp ứng 120 lượt chiếc tàu/ngày ra vào cảng; lượng thủy sản qua cảng đạt 15.000 tấn/năm.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đi kiểm tra, đánh giá tình hình phát triển thủy sản ở tỉnh Thái Bình. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đi kiểm tra, đánh giá tình hình phát triển thủy sản ở tỉnh Thái Bình. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nuôi trồng và khai thác thủy sản ở mức thấp

Theo UBND tỉnh Thái Bình, năm 2020, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 260.359 tấn, tăng 6,53% so với năm 2019. Giá trị sản xuất đạt 5.345,66 tỷ đồng, tăng 6,51% so với năm 2019, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 5,6%).

“Với sản lượng, tiềm năng lớn, việc đầu tư hạ tầng cho đối tượng ngao là hợp lý và tỉnh Thái Bình phải có kế hoạch cụ thể.

Các vấn đề về giống, hạ tầng, quy trình nuôi, quan trắc môi trường cảnh báo dịch bệnh, chế biến cần phải được tính toán kỹ lưỡng”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.

Cụ thể năm 2020, nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ mới, đa dạng hình thức, đối tượng nuôi có giá trị kinh tế diện tích đạt 15.746,82 ha, giá trị nuôi trồng thủy sản đạt 3.871,2 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh đó, giống thủy sản sản xuất 15.546,948 triệu con, đạt giá trị 92,25 tỷ đồng, đáp ứng 85% giống cá truyền thống, 15% giống ngao, 2% giống tôm, cá nước lợ.

Ngoài ra khai thác thủy sản được phát triển theo hướng tăng cường khai thác xa bờ, đồng thời đẩy mạnh việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, xây dựng nghề cá phát triển bền vững.

Hiện toàn tỉnh có 796 tàu cá. Sản lượng khai thác năm 2020 đạt 91.520 tấn, giá trị đạt 1.382,219 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2019. Số tàu cá đã đăng ký là 720 tàu, đạt trên 90,4%; đánh dấu và kẻ biển số đăng ký đạt trên 90% ; tàu cá đã lắp máy giám sát hành trình là 174/178 tàu, đạt 97,7%.

Tỉnh đã cấp 9 giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; cấp mới, cấp lại 37 giấy phép khai thác thuỷ sản (còn hạn 537 giấy phép); cấp 159/168 giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Hiện nay, ngành thủy sản của tỉnh Thái Bình gặp 2 vấn đề lớn cần tháo gỡ trong thời gian tới. Một là kết cấu hạ tầng của 9 vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ, 17 vùng nuôi nước ngọt đã xuống cấp, thiếu đồng bộ, không đáp ứng với yêu cầu kỹ thuật của đối tượng nuôi.

Trên 65% số lượng giống thủy sản các loại, đặc biệt là ngao giống phải nhập về từ tỉnh ngoài nên không chủ động được mùa vụ, khó quản lý chất lượng.

Hai là hạ tầng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã xuống cấp, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được với yêu cầu quản lý tàu cá ra vào cảng, bốc dỡ hàng hóa và tránh trú bão theo quy định.

Tiềm năng nuôi trồng thủy sản của Thái Bình còn rất lớn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tiềm năng nuôi trồng thủy sản của Thái Bình còn rất lớn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đánh giá trong thời gian qua, ngành thủy sản Thái Bình có nhiều bước tiến bộ và có những đóng góp lớn cho nền nông nghiệp.

Tuy nhiên lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cũng chỉ ra những hạn chế mà tỉnh Thái Bình còn đang vướng phải. Hiện nay sản lượng nuôi trồng thủy sản ở Thái Bình khoảng 170.000 tấn. Tiềm năng nuôi trồng thủy sản của Thái Bình còn rất lớn nhưng diện tích nuôi mới đạt 15.700 ha, trong đó chủ yếu là nuôi ngao. Diện tích nuôi tôm và những đối tượng chủ lực còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, sản lượng khai thác thủy sản cũng ở mức thấp với 91.000 tấn.

“Số lượng tàu cá khai thác ở Thái Bình còn rất ít với 796 tàu cá, tỉ lệ chưa đạt 1% so với 94.500 tàu cá trên cả nước. Tuy số lượng tàu ở Thái Bình không nhiều nhưng tỉnh cũng cần phải có một cảng cá tương đối hiện đại”, ông Nguyễn Quang Hùng đánh giá.

Bổ sung dự án cảng cá Thụy Tân vào Dự án “Phát triển thủy sản bền vững”

Cảng cá Thụy Tân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cảng cá loại 1 trong hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1976/QĐTTg ngày 12/11/2015, với mục tiêu xây dựng mới cảng cá Thụy Tân thành cảng cá loại I, đáp ứng 120 lượt chiếc tàu/ngày ra vào cảng, loại tàu lớn nhất có khả năng cập cảng là 400CV; lượng thủy sản qua cảng đạt 15.000 tấn/năm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (giữa) thị sát cảng cá Thụy Tân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (giữa) thị sát cảng cá Thụy Tân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo đó, việc đầu tư xây dựng cảng cá Thụy Tân sẽ tạo động lực, nâng cao hiệu quả, phát triển khai thác hải sản, đặc biệt là khai thác hải sản xa bờ, giảm tổn thất thu hoạch khai thác hải sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển, hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển.

Đặc biệt sớm hoàn thiện hệ thống thông tin tàu cá nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các tai nạn, rủi ro trên biển, cứu hộ cứu nạn và thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), góp phần cho công tác khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu (EC); đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực ven biển.

Ngày 23/3 vừa qua, UBND tỉnh Thái Bình đã đề nghị Bộ NN-PTNT bổ sung dự án đầu tư xây dựng cảng cá Thụy Tân vào Dự án Phát triển thủy sản bền vững, vay vốn Ngân hàng Thế giới. Bộ NN-PTNT đã đánh giá đề xuất của tỉnh Thái Bình là phù hợp về phạm vi đầu tư và mục tiêu của Dự án Phát triển thủy sản bền vững.

Cảng cá mang tính chiến lược

Cửa sông Thái Bình là một trong trong 4 cửa sông lớn của tỉnh Thái Bình và là cửa ra của sông Hóa. Ngoài nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho lưu vực sông Hóa, nơi đây còn giữ một vị trí quan trọng trong giao thông đường thủy của tỉnh nói chung và của huyện Thái Thụy nói riêng, là nơi hoạt động của tàu cá ra vào đánh bắt hải sản và tránh trú bão.

Huyện Thái Thụy có nguồn lao động đi biển dồi dào với đội tàu hơn 450 chiếc chiếm trên 40% tổng số tàu thuyền đánh bắt trong toàn tỉnh, lại có vị trí địa lý thuận lợi, vùng nước đủ rộng và yên tĩnh cho tàu thuyền ra vào đánh bắt hải sản và bốc dỡ, nhập nguyên nhiên liệu, thiết bị.

Hàng năm vào mùa vụ, tại ngư trường trọng điểm phía đông tỉnh gần kề với cửa sông Thái Bình thường xuyên có khoảng 1.200 đến 1.500 tàu thuyền và phương tiện nghề cá của tỉnh nhà và các tỉnh bạn tham gia đánh bắt hải sản.

Tuy nhiên, việc bốc dỡ sản phẩm và cung cấp các dịch vụ tại Cụm Công nghiệp Thụy Tân mà trước hết là nhà máy chế biến bột cá của Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải gặp nhiều khó khăn do chưa được đầu tư bến cảng. Các công trình như: Cầu cảng, hệ thống chiếu sáng, điểm cung cấp nước đá, xăng dầu... hoàn toàn không có.

Dự án xây dựng mới cảng cá Thụy Tân thành cảng cá loại I, đáp ứng 120 lượt chiếc tàu/ngày ra vào cảng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Dự án xây dựng mới cảng cá Thụy Tân thành cảng cá loại I, đáp ứng 120 lượt chiếc tàu/ngày ra vào cảng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hiện nay, toàn tỉnh Thái Bình có 4 cảng cá, bến cá và 3 khu neo đậu tránh trú bão. Riêng huyện Thái Thụy có 1 cảng cá là cảng Tân Sơn; 2 bến cá Diêm Điền và Thái Đô. Tuy nhiên bến cá Diêm Điền chưa được đầu tư xây dựng, chưa có bến cập tàu, chiều dài của bến cá hiện đang sử dụng khoảng 150m trên phần bãi bồi của sông Diêm Hộ, do đó rất khó khăn trong việc neo đậu cũng như hoạt động thu mua của ngư dân.

Bến cá Thái Đô có quy mô chỉ đáp ứng nhu cầu của gần 40 tàu công suất nhỏ của ngư dân thôn Đông Tiến, xã Thái Đô. Cảng cá Tân Sơn đã được xây dựng từ lâu, là nơi neo đậu và lên cá của ngư dân thuộc các xã Thụy Hải, Thụy Xuân, Thụy Trường và thị trấn Diêm Điền.

Hiện nay, cả cảng Tân Sơn, bến cá Diêm Điền và bến cá Thái Đô mới chỉ đáp ứng được chưa tới 50% lượng tàu cá trong tổng số hơn 450 tàu cá của huyện Thái Thụy, ngư dân phải lên cá tại các điểm nằm trên vùng ven sông, ven cồn, luồng lạch không được nạo vét thường xuyên nên việc bốc dỡ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Tân Trường 1 có quy mô 316 ha nằm trong Khu kinh tế Thái Bình, thu hút các dự án chế biến nông, thủy sản, trong đó nhà máy chế biến bột cá Thụy Tân với công suất thiết kế 180.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động.

Dự kiến trong những năm tới, cảng cá Thụy Tân được đầu tư xây dựng sẽ thu hút lượng lớn tàu cá có công suất >90CV vào trao đổi hàng hóa, trong đó có các tàu dịch vụ của các tỉnh lân cận vào cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến bột cá Thụy Tân và các nhà máy khác trong cụm công nghiệp.

Chính vì những hiệu quả mang lại cho nên dự án xây dựng cảng cá Thụy Tân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là cảng cá loại I trong hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão.

Xem thêm
Một xã thu gần 540 tấn cá lồng bè mỗi năm, doanh thu 30 tỷ đồng

HÒA BÌNH Xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) nuôi 609 lồng cá trên sông Đà, mỗi năm cho thu hoạch gần 540 tấn cá, doanh thu ước đạt 30 tỷ đồng.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.