| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chanh dây Hoàng kim VN77

Thứ Ba 17/09/2024 , 16:35 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Hòa tổ chức hội thảo giới thiệu giống chanh dây Hoàng kim VN77 và xây dựng chuỗi liên kết xuất khẩu.

Ngày 17/9, Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Hòa tổ chức hội thảo xây dựng chuỗi giá trị, phát triển vùng trồng, liên kết và bao tiêu sản phẩm chanh dây Hoàng kim VN77 tại Đắk Lắk.

Theo ông Võ Nhật Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Hòa (Công ty Vạn Hòa), giống chanh dây Hoàng kim VN77 là giống mới, đã được Công ty công bố lưu hành theo quy định. Với giống mới này, người dân nếu thực hiện canh tác theo đúng quy trình sẽ cho năng suất ổn định, đem lại lợi nhuận cao.

Ông Lâm Nhật Dân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Hòa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quang Yên.

Ông Lâm Nhật Dân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Hòa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Hùng, để đánh giá hiệu quả, Công ty đã trồng thử nghiệm giống chanh dây Hoàng kim VN77 ở nhiều địa phương có khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau như Đắk Lắk, Đắk Nông, Tiền Giang, Bình Thuận, Tây Ninh. Sau khi trình trồng thử nghiệm khoảng 80ha trong thời gian qua, Công ty Vạn Hòa đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây chanh dây với quy mô từ 5.000 - 10.000ha để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và châu Á, các nước châu Âu và phục vụ chế biến sâu.

Khác với giống chanh leo tím truyền thống, giống chanh leo vàng hương ổi Hoàng kim VN77 có khả năng thích nghi và chống chịu sâu bệnh khá tốt, đặc biệt ở các vùng có độ ẩm cao và trồng được ở tất cả các vùng miền như Tây Nguyên, ĐBSCL...

“Ngoài việc thu hoạch trái tươi để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, quả chanh vàng này còn có thể chế biến sâu thành nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như mứt, sirô, nước ép… Hiện Công ty Vạn Hòa đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với bà con nông dân và các HTX”, ông Hùng nói.

Theo đó, Công ty Vạn Hòa sẽ cung cấp cây giống, hỗ trợ toàn bộ về kỹ thuật, quy trình chăm sóc, tư vấn dinh dưỡng cho cây trồng cũng như thuốc bảo vệ thực vật dùng trong quy trình để sản phẩm đạt yêu cầu xuất khẩu. Công ty cũng hỗ trợ cho nông dân vay 30% chi phí cây giống và một số dòng sản phẩm phân bón đặc thù do Công ty cung cấp và xem như phần đặt cọc để Công ty thu mua lại sản phẩm của nông đân.

Ông Võ Nhật Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Hòa giới thiệu về giống chanh dây Hoàng kim VN77 và chính sách liên kết. Ảnh: Quang Yên.

Ông Võ Nhật Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Hòa giới thiệu về giống chanh dây Hoàng kim VN77 và chính sách liên kết. Ảnh: Quang Yên.

“Công ty sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân cũng như các đơn vị liên kết sản xuất với giá tối thiểu 20.000 đồng/kg đối với hàng loại A và loại B. Chanh leo được đánh giá có tiềm năng rất lớn, thời gian thu hồi vốn nhanh, dễ trồng và khả năng thích nghi khá tốt.

Với chi phí đầu tư bình quân cho 1ha chanh dây từ khi trồng đến lúc thu hoạch khoảng 300 triệu đồng/ha, sau trồng 6 tháng, sản lượng quả thu được từ 13 - 15 tấn, đến 12 tháng thu thêm đợt 2 tương đương 14 - 15 tấn, bình quân năm đầu tiền sản lượng 27 - 30 tấn/ha, bán với giá bình quân 20.000 đồng/kg, bà con thu được 540 - 600 triệu đồng/ha, mang về lợi nhuận từ 240 - 300 triệu đồng/ha”, ông Hùng nói.

Tại hội thảo, nhiều nông dân, HTX đã đặt câu hỏi về việc liên kết cũng như cung ứng giống đạt chuẩn của Công ty Vạn Hòa. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay giống chanh dây vàng khá mới nên người dân đang mua trôi nổi trên thị trường về trồng thử. Vì mua giống trôi nổi nên chanh dây có nhiều sâu bệnh. Do đó các HTX đề nghị Công ty Vạn Hòa cung cấp giống đạt chuẩn.

Giải đáp những thắc mắc trên, ông Võ Nhật Hùng cho biết, hiện Công ty có vườn ươm, mỗi năm sản xuất hơn 1,2 triệu cây giống. “Do đó, doanh nghiệp cam kết sẽ cung cấp giống chuẩn, sạch sâu bệnh. Doanh nghiệp cam kết hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra để hành thành chuỗi liên kết bền vững giữa người dân và doanh nghiệp”, ông Hùng cam kết.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Quang Yên.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Quang Yên.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lâm Nhật Dân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Hòa cho biết, hội thảo nhằm giới thiệu tổng quan về giống chanh dây hoàng kim VN77. Bên cạnh, đây là dịp hướng dẫn về phương pháp nhân giống cũng như các khâu từ trồng trọt đến thu hoạch, giúp thương mại hoá sản phẩm chanh dây hoàng kim VN77. Việc này mang lại năng suất, doanh thu và lợi nhuận tối ưu cho bà con nông dân nói chung và bà con trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Theo ông Dân, hội thảo lần này dựa trên nền tảng xây dựng niềm tin, phát triển giá trị, nâng tầm sản phẩm cây chanh dây Hoàng kim VN77 được nghiên cứu và phát triển bởi Công ty Vạn Hòa. “Thông qua hội thảo ngày hôm nay, chúng tôi rất mong muốn được lắng nghe để hỗ trợ, giải đáp về mặt trồng trọt cũng như các chính sách hỗ trợ cho người dân về phân bón và các sản phẩm hỗ trợ phòng chống sâu bệnh, phương án và cách thức bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.

Các ý kiến đóng góp của đại biểu và các chuyên gia tham gia hội thảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vừa giúp chúng tôi tháo gỡ những khó khăn, vừa là bài học kinh nghiệm góp phần cho sự phát triển của Công ty nói riêng và toàn ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung”, ông Lâm chia sẻ.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao Công ty Vạn Hòa khi tổ chức hội thảo xây dựng chuỗi giá trị, phát triển vùng trồng, liên kết bao tiêu sản phẩm chanh dây Hoàng kim VN77.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao chương trình hội thảo do Công ty Vạn Hòa tổ chức. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao chương trình hội thảo do Công ty Vạn Hòa tổ chức. Ảnh: Quang Yên.

Ông Dương đề nghị Công ty Vạn Hòa tiếp tục phối hợp với Sở NN-PTNT, phòng nông nghiệp/kinh tế và chính quyền các địa phương để thúc đẩy phát triển bền vững ngành hàng chanh dây; thiết lập các tiêu chuẩn về kiểm tra chất lượng sản phẩm để bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đồng thời, Công ty Vạn Hòa cần xây dựng hệ thống hỗ trợ, đào tạo, tập huấn cho người sản xuất về kỹ thuật sản xuất và quản lý nông nghiệp hiệu quả; xây dựng các mô hình liên kết ứng dụng công nghệ; bảo đảm tiêu thụ sản phẩm cho người dân…

“Vạn Hòa đưa ra giống chanh dây có rất nhiều ưu điểm để phát triển chuỗi sản phẩm. Đây là điều rất quan trọng, hướng đến hiệu quả cuối cùng. Đặc biệt, Công ty Vạn Hòa cần công khai minh bạch về việc liên kết. Công ty cũng cần nghiên cứu nhu cầu thì trường để hướng đến chế biến sâu. Việc này giúp cho đầu ra của quả chanh dây ổn định hơn”, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk đề nghị.

Xem thêm
Trở thành chủ trại gà sau một cú… chết hụt

HÀ NỘI Thoát chết sau một tai nạn, anh Cận thuyết phục vợ bỏ nghề thợ xây, về nhà chăn nuôi bởi làm nông tuy mạo hiểm về kinh tế nhưng ít mạo hiểm về tính mạng.

Lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp khiến ngành thú y lúng túng

ĐBSCL Việc thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện trên cơ sở sáp nhập các trạm: chăn nuôi thú y, khuyến nông, bảo vệ thực vật... gây lúng túng cho ngành thú y.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất