Dự án này được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2016, được phê duyệt tháng 7/2019, tổng diện tích 120ha, trong đó có 48ha là đất trồng lúa.
Tọa lạc tại tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, dự án do Công ty TNHH một thành viên Pacific - Hoà Bình làm chủ đầu tư, với số vốn dự kiến hơn 3.000 tỷ đồng. Đề nghị của tỉnh Hòa Bình đã được Văn phòng Chính phủ chuyển đến các cơ quan xem xét.
Dự án có tổng diện tích 120ha, trong đó có 48ha là đất trồng lúa. |
Trao đổi với PV Báo NNVN, GS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia - Bộ VH-TT&DL) chia sẻ: “Theo tôi được biết dự án này xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh này là sự kết hợp giữa các khu nghỉ dưỡng sinh thái với cảnh quan văn hóa và cả hệ thống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Mường bản địa. Dự án này khác hẳn với các khu du lịch tâm linh khác như khu Tam Chúc và Bái Đính...”.
GS.TS Bùi Quang Thanh cho rằng nên ủng hộ dự án này. |
Về số vốn đầu tư của dự án, ông Thanh cho rằng đó không phải là tỉnh Hòa Bình bỏ ra để xây dựng, mà do các công ty hay tập đoàn đầu tư vào để phục vụ du lịch với mục đích đôi bên cùng có lợi. Vì vậy, GS Bùi Quang Thanh nêu ý kiến “nên ủng hộ dự án này”.
Còn PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đang rất băn khoăn về vấn đề này vì không biết dự án xây dựng khu du lịch tâm linh này liên quan đến vấn đề tâm linh nào? Phật giáo hay Đạo giáo, hay văn hóa tâm linh của người Mường bản địa? Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc Việt Nam đã chỉ rõ, trên địa bàn xây dựng dự án, dân cư chủ yếu là người Mường.
“Nếu xây dựng khu du lịch tâm linh theo hướng thương mại liệu có thích hợp với không gian văn hóa bản địa hay không?”, ông Huy đặt câu hỏi.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy bày tỏ lo ngại trước việc lấy hàng chục ha đất trồng lúa để phục vụ xây dựng dự án. |
PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng nhấn mạnh: "Việc lấy hàng chục héc-ta đất trồng lúa để phục vụ xây dựng dự án cũng là vấn đề rất quan ngại”.
Bởi vì Hòa Bình vốn còn nhiều khó khăn dựa vào nông nghiệp là chính. Nếu người dân mất đất không còn chỗ canh tác thì họ sẽ làm gì để sinh sống vì vậy vấn đề này cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.
“Hơn nữa việc xây dựng một khu du lịch lớn như thế chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng đến môi trường”, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc Việt Nam cảnh báo.
Còn nói về phát triển du lịch, theo ý kiến của vị Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, bản thân Hòa Bình có rất nhiều thế mạnh rất đặc trưng nhưng lại không được khai thác.
“Thậm chí có những di sản thuộc loại hiếm trên thế giới như các hang động có nhiều di chỉ khảo cổ học từ thời đồ đá mới ở Hòa Bình...”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy bày tỏ.
Dự án khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thuỷ đã được Bộ Quốc phòng thống nhất về địa điểm quy hoạch nhưng lưu ý không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Bộ Quốc phòng yêu cầu tỉnh Hoà Bình chỉ đạo chủ đầu tư không liên doanh, liên kết với nước ngoài, kể cả Việt kiều, không dùng người nước ngoài thực hiện dự án. Nếu thay đổi chủ đầu tư, địa phương phải có ý kiến thoả thuận của Bộ Quốc phòng.