Không chỉ tỷ lệ khán giả xem đài rất cao, mà thị trường băng đĩa lậu và các kênh phim trực tuyến cũng hào hứng ăn theo hiệu ứng xã hội của “Đồng tiền quỷ ám”.
Đạo diễn Trần Chí Thành đã mất một năm để hoàn thành 46 tập phim “Đồng tiền quỷ ám” với kịch bản của Nguyễn Như Phong. Bộ phim “Đồng tiền quỷ ám” phản ánh trực tiếp tệ nạn cờ bạc dọc biên giới các tỉnh phía Nam. Thế nhưng, quay cuồng theo thế giới đỏ đen ấy, không chỉ có casino, trường gà, mại dâm… mà là sự trượt dài đáng báo động của đạo đức cộng đồng.
Một ông Trưởng phòng Cảnh sát giao thông như Huỳnh Sơn Đồng vì mê cờ bạc, đã bất chấp thủ đoạn để kiếm tiền từ việc bảo kê cho các công ty vận tải ma mãnh. Rồi đứa con trai của Huỳnh Sơn Đồng là Bảo Lâm cũng vì mê cờ bạc, đã vẽ ra một dự án tâm linh lừa đảo để lấy tiền ngân hàng. Một cô người mẫu như Kim Oanh không ngần ngại chia sẻ ái tình với bố - Huỳnh Sơn Đồng và với con - Bảo Lâm để đạt được mục đích có nơi che chắn cho hoạt động phi pháp của mình.
Ở đời, không có cái dại nào giống cái dại nào. Thế nhưng, khi đồng tiền đã lên ngôi thì mọi tâm tính của con người cũng đảo điên. Và cái tổ ấm riêng tư càng trở nên mong manh và bất trắc hơn.
Gia đình trung tá Diễn là một trường hợp đáng day dứt. Người cha làm công an nghiêm khắc với con bao nhiêu thì người mẹ làm bất động sản lại chiều chuộng con bấy nhiêu. Khi nghe phong thanh vài lời cảnh tỉnh về sự hư đốn của con, bà mẹ lập tức thịnh nộ viết đơn tố cáo dằn mặt cấp trên của chồng.
Hậu quả nhãn tiền, đứa con trai thua bạc đã bị chủ sòng bài chặt một ngón tay để gửi về nhà đòi nợ 2 tỷ đồng, đứa con gái bị lừa tiêm thuốc độc để lấy 5 tỷ đồng. Bi kịch gia đình trung tá Diễn chính là bài học cho nhiều người khác, nuôi dạy con trong bối cảnh nhiễu nhương thực sự như một trách nhiệm cực kỳ khó khăn.
Bộ phim “Đồng tiền quỷ ám” phản ánh những hệ lụy do cờ bạc đem lại. Những câu chuyện mà báo chí thường nói về những người Việt Nam lén lút sang Campuchia đánh bạc, được tái hiện trên màn ảnh chân thực và hấp dẫn. Từ quý bà nhàn rỗi cho đến nông dân bán đất, đều dễ dàng trở thành những con thiêu thân trong trò chơi may rủi ở các casino.
Cái éo le là càng thua bạc thì càng muốn gỡ, càng thua bạc thì tâm lý càng bất ổn, đã nảy sinh nhiều đớn đau khác, như bà nội trợ lỡ tay giết chồng, như cô tiểu thương cùng đường làm điếm xứ người… Tất cả nhức nhối ấy đều xuất phát bởi ham muốn kiếm thật nhiều tiền một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng.
Phim truyền hình Việt Nam vốn không có thế mạnh ở các pha hành động. Do đó, với thể loại hình sự, bộ phim “Đồng tiền quỷ ám” cố gắng khai thác những chi tiết éo le trong số phận mỗi con người sống ở vùng biên giới nhiều cơ hội mà cũng lắm thách thức. Bên cạnh ưu điểm những góc quay sinh động với dăm cảnh thật của các hoạt động casino, bộ phim “Đồng tiền quỷ ám” cũng dàn dựng được nhiều cảnh sinh động như trường gà ồn ào gian lận, hoặc góc khuất của các cô gái chân dài ở công ty người mẫu Sao Việt.
Sự thành công của bộ phim “Đồng tiền quỷ ám” còn phụ thuộc vào dàn diễn viên phù hợp. Ngoài sự lão luyện của diễn viên Đức Sơn (vai Huỳnh Sơn Đồng) và diễn viên Công Hậu (vai Trịnh Lương) thì các diễn viên trẻ như Cao Thái Hà (vai Kim Oanh), Hà Việt Dũng (vai Bảo Lâm) hay Lý Anh Tuấn (vai Hải Sắt) đều biểu lộ được thần thái của từng nhân vật.
Tất nhiên, bộ phim “Đồng tiền quỷ ám” cũng có hạn chế là hơi dông dài, và quá nhiều tình huống hơi giống… kịch.