| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ năng lực đáp ứng tình hình mới

Chủ Nhật 21/05/2023 , 11:42 (GMT+7)

Lào Cai xây dựng lực lượng kiểm lâm ngày một lớn mạnh về số lượng và chất lượng, đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ông Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 - 21/5/2023). Ảnh: Hải Đăng.

Ông Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 - 21/5/2023). Ảnh: Hải Đăng.

Kinh tế đồi rừng tạo việc làm cho hàng nghìn người dân

Trong những năm qua, lực lượng kiểm lâm Lào Cai đã từng bước củng cố vững mạnh về tổ chức, xây dựng lực lượng ngày một lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, thực hiện tốt vai trò chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng, thừa hành pháp luật về lâm nghiệp.

Phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, lực lượng kiểm lâm đã tích cực tham mưu UBND thực hiện quy hoạch 3 loại rừng; luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình hoạt động. Trong 10 năm trở lại đây, tổng số vụ cháy rừng, diện tích rừng bị thiệt hại do cháy đã giảm rõ rệt so với giai đoạn 2003 - 2012.

Nhiều chính sách phát triển kinh tế rừng được triển khai và phát triển kinh tế lâm nghiệp - kinh tế đồi rừng đã chính thức trở thành mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp, được phê duyệt tại Đề án số 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025. Đặc biệt, cây quế và phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng được xác định là một trong 6 sản phẩm chủ lực và lĩnh vực trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến nay, tỉnh Lào Cai đã hình thành vùng rừng nguyên liệu trên 90 nghìn ha, trong đó diện tích trồng quế 57 nghìn ha; kinh tế đồi rừng tạo việc làm ổn định cho trên 25 nghìn lao động của tỉnh, tăng thu nhập cho người dân.

Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng nhanh qua từng thời kỳ, giai đoạn 2010 trở về trước trung bình hằng năm đạt khoảng 800 tỷ đồng. Từ năm 2021 trở lại đây giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 12%/năm. Riêng năm 2022 đạt gần 3 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2015, chiếm trên 17% tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp; giá trị rừng trồng trung bình đạt 37 triệu đồng/ha.

Bà con dân tộc thiểu số ở Lào Cai phấn khởi thu hoạch vỏ quế bán cho đầu mối tiêu thụ. Ảnh: Hải Đăng.

Bà con dân tộc thiểu số ở Lào Cai phấn khởi thu hoạch vỏ quế bán cho đầu mối tiêu thụ. Ảnh: Hải Đăng.

Sau 50 năm, diện tích rừng toàn tỉnh Lào Cai tăng từ 313.595 ha (năm 1973) lên 382.861 ha (năm 2023), tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 38,9% lên 57,7% (tăng 18,8% so với năm 1973).

Giữ rừng, giữ nước, môi trường và nhân dân biên giới

Tại lễ kỷ niệm, ông Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai ghi nhận và biểu dương và đánh giá cao những đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành kiểm lâm đã nỗ lực phấn đấu, đạt được trong suốt chặng đường 50 năm qua. 

"Trong thời gian qua, tỉnh Lào Cai luôn xác định “giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ nhân dân, giữ biên giới” là nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt và cũng là trách nhiệm của người dân Lào Cai đối với cả nước. Vì vậy công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng càng cần được nâng cao. Do đó, tôi đề nghị thời gian tới cần chăm lo, xây dựng lực lượng kiểm lâm có đủ năng lực, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”, ông Hoàng Giang nhấn mạnh.

Theo đó cần tiếp tục tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp quản lý bảo vệ và phát triển rừng phù hợp, hiệu quả; trước mắt phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI nâng tỷ lệ che phủ rừng lên trên 60% vào năm 2025; thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đề án số 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy Lào Cai; Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai. Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến từ trong nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; có biện pháp bảo vệ các nguồn gen động, thực vật rừng quý hiếm; khai thác hiệu quả dịch vụ môi trường rừng và kinh doanh du lịch sinh thái. 

Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tặng cờ thi đua cho Chi cục Kiểm lâm Lào Cai. Ảnh: Hải Đăng.

Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tặng cờ thi đua cho Chi cục Kiểm lâm Lào Cai. Ảnh: Hải Đăng.

Tổ chức theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp phục vụ công tác quản lý và phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, thực hiện thí điểm và tiến tới tham gia thị trường tín chỉ carbon, sớm thu được phí hấp thụ và lưu trữ carbon từ rừng.

Huy động tối đa các nguồn lực xã hội, thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào các hoạt động lâm nghiệp. Phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để lâm nghiệp đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Khai thác có hiệu quả các loại hình dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, giữ vững quốc phòng và an ninh, thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển rừng bền vững.

Nhân dịp này, Bộ NN-PTNT tặng bằng khen cho 1 tập thể và 2 cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Tổng cục Lâm nghiệp tặng giấy khen cho 1 tập thể và 1 cá nhân. Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã tặng bức trướng chúc mừng, cờ thi đua cho lực lượng kiểm lâm và tặng bằng khen cho 6 tập thể 24 cá nhân.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất