| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng mô hình điểm phòng chống bệnh dại năm 2024

Thứ Hai 08/04/2024 , 06:20 (GMT+7)

Tiền Giang Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang vừa phối hợp với UBND huyện Gò Công Tây chọn xã Bình Nhì xây dựng 'Mô hình điểm phòng chống bệnh dại năm 2024'.

Lễ phát động mô hình điểm phòng chống bệnh dại năm 2024 tại xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây. Ảnh: Kim Nữ.

Lễ phát động mô hình điểm phòng chống bệnh dại năm 2024 tại xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây. Ảnh: Kim Nữ.

Hiện nay đang ở cao điểm nắng nóng, là điều kiện thuận lợi phát sinh nhiều loại dịch bệnh, trong đó có bệnh dại. Trước tình hình bệnh dại trên chó, mèo và trên người đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành nước ta, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang vừa chỉ đạo ngành Chăn nuôi và Thú y tăng cường công tác giám sát, quản lý chặt chẽ đàn chó mèo hiện có trong dân đồng thời chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương thúc đẩy việc tiêm phòng vacxin dại cho vật nuôi, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Để thu hút sự quan tâm của người dân về việc phòng chống bệnh dại, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang phối hợp với UBND huyện Gò Công Tây chọn xã Bình Nhì xây dựng “Mô hình điểm phòng chống bệnh dại năm 2024” với sự tư vấn, hỗ trợ chuyên môn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cùng với sự tham gia thực hiện tiêm phòng của lực lượng sinh viên tình nguyện Trường cao đẳng Nam bộ.

Trong thời gian từ ngày 3 đến ngày 13/4, sẽ hoàn thành tiêm phòng vacxin dại cho 100% chó mèo ở tất cả 3 ấp của xã. Đồng thời, hướng dẫn bà con nhận diện các dấu hiệu chó mèo nhiễm bệnh dại để cảnh giác, xử lý phù hợp và đúng quy định nhằm giảm đến mức thấp nhất trường hợp chó mèo nhiễm dại cắn hoặc cào xước, truyền virus dại cho người.

Từ ngày 3 đến ngày 13/4, sẽ hoàn thành tiêm phòng vacxin dại cho 100% chó mèo ở tất cả 3 ấp của xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây. Ảnh: Kim Nữ.

Từ ngày 3 đến ngày 13/4, sẽ hoàn thành tiêm phòng vacxin dại cho 100% chó mèo ở tất cả 3 ấp của xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây. Ảnh: Kim Nữ.

Ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết toàn tỉnh hiện có gần 80.000 con chó và sở thích nuôi chó làm thú cưng cũng đang có xu hướng tăng trong dân. Cùng với thực hiện nghiêm các công điện, văn bản chỉ đạo về phòng chống bệnh dại của trung ương, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định 660 ngày 14/3/2022 và Chỉ thị số 08 ngày 18/5/2023 về tăng cường các biện pháp phòng chống dại trên chó mèo đến năm 2030 với các quy định.

Cụ thể, nuôi chó, mèo phải có nguồn gốc rõ ràng, tuyệt đối không đưa chó mèo từ vùng có bệnh dại về nuôi. Nuôi chó, mèo phải đăng ký với chính quyền địa phương và phải chấp hành tiêm vacxin dại cho chó, mèo 1 lần/năm. Đặc biệt, trên chó sinh sản phải được tiêm vacxin dại để bảo hộ bệnh dại cho chó con. Khi bị chó, mèo cắn, phải đến ngay cơ quan y tế để được bác sĩ tư vấn và điều trị dự phòng; tuyệt đối không sử dụng thuốc đông y hoặc các loại thuốc khác không theo quy định của ngành y tế.

Mô hình có sự tư vấn, hỗ trợ chuyên môn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cùng với sự tham gia thực hiện tiêm phòng của lực lượng sinh viên tình nguyện Trường cao đẳng Nam bộ. Ảnh: Kim Nữ.

Mô hình có sự tư vấn, hỗ trợ chuyên môn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cùng với sự tham gia thực hiện tiêm phòng của lực lượng sinh viên tình nguyện Trường cao đẳng Nam bộ. Ảnh: Kim Nữ.

Trong năm 2023 cả nước có 82 người tử vong do nhiễm bệnh dại. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay đã có 19 người không qua khỏi do mắc phải bệnh này. Quan ngại nhất là hiện diễn biến bệnh dại trên đàn chó có xu hướng tăng, đang là mối nguy hiểm rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng.

Mặc dù 10 năm trở lại đây, tỉnh Tiền Giang chưa xuất hiện ổ dịch dại trên chó hoặc chưa xảy ra trường hợp người tử vong do bệnh dại, song trước sự cực kỳ nguy hiểm của bệnh dại, nhất là hiện nay chưa có thuốc đặc trị thì việc tỉnh Tiền Giang xây dựng mô hình điểm phòng chống bệnh dại như ở xã Bình Nhì rất cần thiết.

Từ bài học kinh nghiệm thực tế của mô hình, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang sẽ triển khai thêm nhiều giải pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ bệnh dại trên đàn chó nuôi để tiến tới xây dựng “vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại”, làm cơ sở nhân rộng ra các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Hàng trăm ha lúa có nguy cơ thiệt hại hoàn toàn do hạn mặn

SÓC TRĂNG Xâm nhập mặn thời gian qua khiến hàng trăm ha lúa hè thu 2024 đã xuống giống ở xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) không có nước tưới, nguy cơ thiệt hại hoàn toàn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.